Đầu tư vào lĩnh vực tài chính: Những bài học từ tiền lệ
"Nếu không đầu tư chứng khoán, năm nay chúng ta lỗ là cái chắc". Các cổ đông hỉ hả khi nghe tổng giám đốc một công ty điện lực nói vậy. Không ít công ty không có năng lực chuyên môn đang “nuôi mộng” dựa vào chứng khoán và bất động sản để “đa dạng hoá kinh doanh” và trở thành một tập đoàn tài chính
“Chính vì không có một tầm nhìn, không xác định được sứ mệnh của mình nên các công ty đã không định nghĩa được tay nghề chuyên môn và năng lực lõi của mình”, TS. xã hội học - kinh tế Tôn Thất Nguyễn Thiêm, đang giảng dạy về quản lý chiến lược và quản lý chiến lược thương hiệu, trao đổi với báo giới.
Nhiều công ty công bố muốn trở thành tập đoàn tài chính và họ khởi đầu bằng việc mua cổ phần ngân hàng và tham gia thị trường bất động sản?
Tôi muốn đưa ra ví dụ về một công ty được gọi là một tập đoàn tài chính. Ford (Mỹ) là hãng chuyên sản xuất xe hơi. Ngày hôm nay, doanh thu và lợi nhuận của nó khoảng 65% từ xe hơi và 35% từ tài chính. Ford dự trù đến 2010 là 45% từ xe hơi và 55% từ tài chính.
Ford lập luận, họ có một bộ phận chuyên giao dịch với ngân hàng - bảo hiểm để giải quyết cho khách hàng (mua xe trả góp, mua bảo hiểm...) nên rất rành tài chính. Vậy tại sao không chăm sóc luôn cho khách hàng? Vì vậy, Ford đã phát triển bộ phận cho thuê tài chính - cho thuê xe (leasing). Khách hàng không phải tới ngân hàng, công ty bảo hiểm nào, đã có Ford lo từ A tới Z.
Ít ai biết, Ford dành ra một ngân quỹ từ 12 - 20% lợi nhuận để tái đầu tư vào thị trường chứng khoán, tài chính. Ford có một nguyên tắc là dù lời đến đâu cũng không bỏ vốn vào 1 dự án dài quá 3 năm. Vượt quá thời gian đó tạo một quán tính là Ford đầu tư quá lâu vào một cái gì đó. Ford dùng tiền đó quay vòng đầu tư tài chính: mua euro đổi đô, mua đô đổi euro... mua qua bán lại ở các thị trường.
Ford làm khéo léo và kín đáo đến nỗi, đối với người tiêu dùng, với khách hàng, Ford vẫn là Ford. Ford không đi buôn. Ford không “chạy mánh”. Đối với họ, Ford phát triển tài chính chỉ là giúp người tiêu dùng. Ford thừa ý thức giữ thương hiệu của mình trong lòng người tiêu dùng. Ngoài ra, các tập đoàn thường không đầu tư vào những lĩnh vực khác trái với ngành nghề của mình.
Liệu có thể áp dụng đầu tư không quá 3 năm, không trái ngành... trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang nóng, các doanh nghiệp tranh thủ giành miếng bánh ngon?
Mười năm nữa thôi, đếm lại thử xem, “đại gia” hôm nay đổ xô đầu tư tài chính còn lại bao nhiêu người? Theo tôi, ít nhất một nửa số đó không tồn tại được.
Việc đầu tư tài chính của các doanh nghiệp là chuyện không mới và hoàn toàn cần thiết, bởi tiền không quay vòng là đồng tiền chết. Kinh nghiệm của những tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới là họ luôn đầu tư tài chính, nhưng chỉ trong ngắn hạn và những thông tin này không được công bố rộng rãi ra bên ngoài. Những tập đoàn này không đầu tư vào những lĩnh vực khác trái với ngành nghề của mình, và luôn ý thức giữ gìn thương hiệu.
Việc đa dạng hoá kinh doanh của một doanh nghiệp phải được xuất phát trên năng lực lõi của doanh nghiệp đó. Đa dạng hoá không có nghĩa là một doanh nghiệp có thể đầu tư bất cứ vào lĩnh vực nào mang lại lợi nhuận cao.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, trong 5 thương hiệu của châu Á, gồm Sony, Honda, Mitsubishi, Daewoo, Samsung, có 3 thương hiệu bị tác động xấu bởi khủng hoảng. Sony và Honda “thoát” vì họ không đa dạng hoá tràn lan mà biết phát triển dựa trên năng lực lõi của mình.
Một ví dụ điển hình, FPT lập trường đại học có phải là đa dạng hoá đồng tâm?
Đứng về lập luận chiến lược phát triển, FPT có lý. McDonald có McDonald University đào tạo cho ngành nghề phục vụ. Họ chỉ đào tạo trong ngành nghề của họ. FPT với nguyên tắc mở trường đại học đào tạo để cung cấp nhân lực trong lĩnh vực, tôi không xét về đội ngũ giảng dạy, là có lý.
Vừa qua vài ngân hàng thương mại cổ phần trong nước nhận đối tác chiến lược là các tổng công ty trong nước có hoạt động không liên quan gì đến tài chính. Có thể lý giải điều này như thế nào?
Ở Hàn Quốc, các tập đoàn tài chính được gọi là chaebol. Đó là kết hợp giữa một bên là quyền lực và một bên là tiền. Bản chất việc các ngân hàng đang làm là mô phỏng một phần chaebol.
Mình khéo hơn thì điểm lại lịch sử của Chaebol, rút kinh nghiệm một kẻ đi sau thì may ra... Mà nên nhớ, Chaebol ngày nay đã “chết” và phá sản cũng nhiều.
SGTT
|