Thứ Năm, 21/06/2007 15:26

Nhà báo chơi chứng khoán: Ai quản lý thông tin “sạch”?

Cùng với sự phát triển của TTCK, “chơi” chứng khoán đang là “mốt” thịnh hành của mọi người và nhà báo cũng không phải là ngoại lệ. Không ít nhà báo đã tân trang cho mình nào nhà đẹp, xe đẹp, điện thoại xịn nhờ kiếm lời từ việc mua cổ phiếu với giá ưu đãi. Câu hỏi đặt ra, đạo đức nghề nghiệp có bị lợi nhuận cổ phiếu chi phối?

Khi lương tâm nhà báo đặt lên bàn cân!

Tại một hội thảo mới đây về chứng khoán do Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức, ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình,  đã  bày tỏ nỗi bức xúc: “Nhà báo viết chứng khoán, ngoài kiến thức về tài chính và kỹ năng nghiệp vụ, cần phải có cái tâm trong sáng nữa”. Rồi ông Hải kể về việc phóng viên của một tờ  báo không biết do vô tình hay cố ý đã dùng ngòi bút của mình “bẻ cong” thông tin trong bản cáo bạch của Công ty khiến các cổ đông hiểu sai, điều này đã làm cổ phiếu của Công ty rớt thê thảm trong một thời gian dài.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cũng than vãn: “Tôi sợ cách viết của một số nhà báo kinh tế quá. Họ không hiểu gì về kiến thức chứng khoán đã đành, một số lại đưa ra những thông tin gây nhiễu, cốt tạo thuận lợi cho cổ phiếu các công ty đối thủ…”.

Luật pháp Việt Nam không cấm nhà báo chơi chứng khoán, nhà báo không bị ràng buộc bởi bất cứ điều khoản hay quy định luật pháp nào; cho nên, việc cấm nhà báo chơi chứng khoán là khó. Thực tế, nhà báo cũng cần làm kinh tế như bao người khác, cái quan trọng là làm sao để tách bạch được lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội; lương tâm, trách nhiệm của nhà báo viết về chứng khoán trong sáng đến mức độ nào mà thôi. Trong giới báo chí, không ai lại không biết đến scandal về Công ty Chứng khoán Thiên Việt hồi đầu năm. Do không nắm được thông tin sạch, lại không kiểm tra nguồn tin, một số nhà báo chỉ dựa vào thông cáo báo chí của công ty PR đã vội vàng viết bài ca ngợi với mục đích kích giá cổ phiếu của công ty này trên TTCK. Hậu quả là, sau khi sự cố xảy ra, đã có hàng trăm nhà đầu tư chết “đứng” vì trót đầu tư vào cổ phiếu Thiên Việt.

Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư than phiền có nhiều bài báo làm cho họ bị mất phương hướng không biết nên đầu tư vào cổ phiếu nào. Rất ít thông tin phản ánh khách quan, nếu không là ca tụng có “mục đích” thì cũng là “đấm, đá đối thủ” và ít nhiều họ đã mất niềm tin về những thông tin báo chí nêu.

GS. Rugiger Von Rosen, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu cổ phiếu Frankfurt (Đức), đã phát biểu tại một hội thảo về chứng khoán ở TP.HCM rằng, nhà báo kinh tế ngoài tài viết cần phải có cái tâm, văn hoá cổ phiếu nữa. Theo GS. Von Rosen, nhà đầu tư cần thông tin về diễn biến kinh tế, xu hướng thị trường, giá trị thực của doanh nghiệp, cổ phiếu. Báo chí có thể giúp nhà đầu tư những thông tin ấy vì báo chí là người tiếp cận, xử lý đầu tiên nguồn thông tin. Vì vậy, nhà báo cần phải ý thức rõ sức nặng ngòi bút của mình. “Ở Mỹ và các nước phương Tây, người ta ví các bài viết về công ty giống như là súng nổ làm chim bay tán loạn! Mọi tin tốt hay xấu của công ty đều tác động đến giá cổ phiếu. Nếu không có cái tâm, không có văn hoá cổ phiếu, nhà báo sẽ trở thành những tay súng thâm độc!”, GS. Von Rosen nhấn mạnh.

Cần một hành lang pháp lý

Theo GS. Von Rosen, để tiết chế và quản lý nhà báo, luật pháp Đức quy định, nhà báo viết về chứng khoán chỉ được phép mua một số loại chứng khoán nhất định. Luật pháp Mỹ nghiêm cấm nhà báo không được mua loại cổ phiếu mà họ được phân công viết về nó. Ngoài ra, nhà báo chuyên viết chứng khoán cho các hãng tin tài chính lớn như  BBC, AP, Dow Jones, Reuters, Bloomberg, CNN… không được phép hành nghề tư vấn cho các công ty phát hành hay môi giới chứng khoán. Tại các nước châu Á như  Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… cũng có luật tương tư. M.L, phóng viên kinh tế tờ Bangkok Post, cho biết trước khi nhận cô vào làm việc, tổng biên tập yêu cầu cô phải ký cam kết trong hợp đồng là sẽ không đầu tư  vào những cổ phiếu mà cô sẽ đưa tin. “Họ nói với tôi là nên cân nhắc trước khi đặt bút ký vào hợp đồng và nếu ký phải giữ đúng cam kết. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu trong các bài viết kinh tế, phải giữ được tính trung lập, tránh những xung đột về lợi ích”, M.L cho biết.

Theo GS. Von Rosen, TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai, trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” đó, không ít kẻ lợi dụng để trục lợi, kiếm lời qua các hành vi xấu (tung tin thất thiệt, nội gián, lừa đảo…). Chính vì vậy, đã đến lúc, nên đưa ra những quy định, chính sách pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc nhằm đảm bảo tính công bằng, lành mạnh của thị trường, trong đó có cả pháp luật liên quan đến hành vi của nhà báo. Tuy vậy, mọi quy định pháp lý cũng chỉ mang tính tương đối. Nếu một nhà báo muốn chơi chứng khoán, họ có đủ cách để “lách” luật mà không hề vi phạm. Điều quan trọng là lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của họ sẽ điều chỉnh ngòi bút không bị bẻ cong thì khi đó mới hy vọng hành lang pháp lý sẽ phát huy hiệu quả. Đó cũng là tâm sự của một nhà báo chuyên viết về chứng khoán.

Nhà báo kỳ cựu người Pháp Laurent Malespine, người có 12 năm hành nghề cho các tổ  chức truyền thông tài chính quốc tế: “Việc không chơi chứng khoán không chỉ là đạo đức nghề nghiệp mà còn là vấn đề sức khoẻ tinh thần. Ngồi cạnh một cái máy tính với những thông tin cả ngày về giá cổ phiếu, tôi nghĩ, tôi có thể phát điên nếu bỏ tiền của mình vào đó, trong khi thị trường có thể sụp đổ bất cứ lúc nào”.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   "Phố Wall" Sài Gòn bây giờ… (21/06/2007)

>   Tin vắn DN niêm yết tại TTGDCK TP. HCM ngày 21/6 (21/06/2007)

>   5 tháng: Tường An đạt hơn 85% kế hoạch lợi nhuận năm (21/06/2007)

>   UBCK: Tăng cường công bố thông tin đối với giao dịch có dấu hiệu bất thường (21/06/2007)

>   Sẽ không công bố lượng vốn của nhà đầu tư ngoại (21/06/2007)

>   Nhà đầu tư nước ngoài dài cổ chờ nâng room (21/06/2007)

>   TTCK Việt Nam “hút” các nhà đầu tư Nhật (21/06/2007)

>   Tiếp cận “cửa ngõ” châu Á (21/06/2007)

>   PPC Công bố giá mua lại cổ phiếu lẻ trong đợt phát hành cổ phiếu thưởng (21/06/2007)

>   STB: Giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan với thành viên HĐQT (21/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật