Thứ Năm, 21/06/2007 10:47

Nhà đầu tư nước ngoài dài cổ chờ nâng room

Hiện có khá nhiều cổ phiếu đang niêm yết tại sàn chứng khoán TP HCM, song room (tỷ lệ sở hữu được phép) dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã gần hết.

Những mã chứng khoán đã hết room đối với nhà đầu tư nước ngoài như AGF, BMP, SAM, TAY (đều 49%), STB (30%) hoặc sắp hết room như BT6 (48.96%), CII (48,98%), SJS (44,98%),VNM (46,26%). Riêng REE đã vọt lên 55,47% và SHC lên đến 56,85%. Với tình hình trên thì có muốn mua thêm nữa, nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn nước chờ nhau bán ra để mua vào.

Ông Võ Hữu Tuấn, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt chi nhánh TP HCM, cho rằng: “Các cổ phiếu đã hết room hay sắp hết đều là những cổ phiếu triển vọng tốt nên khi đã mua được, nhà đầu tư nước ngoài ít muốn bán”.

Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài thì cho biết: "Do không mua được thêm nữa nên chúng tôi không thể giải ngân mà cũng không dám huy động vốn thêm để đầu tư vào thị trường niêm yết".

Ông Đặng Hữu Châu, cựu sinh viên Đại học Tokyo, Nhật Bản, hiện là tư vấn và môi giới chứng khoán cho nhiều đoàn khách du lịch Nhật sang Việt Nam đầu tư chứng khoán, cũng cho biết: “Qua thông tin về chứng khoán Việt Nam hiện tìm được khá dễ tại Nhật thì chính các cổ phiếu gần hết hoặc đã hết room là những cổ phiếu mang lại lợi nhuận tốt nhất. Sang đây họ cũng hỏi và muốn đầu tư vào các cổ phiếu này nhưng đành chịu vì hết room”.

Bộ phận môi giới chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài của SSI thừa nhận có rất nhiều loại cổ phiếu mà nhà đầu tư đặt mua đến 2-3 tuần vẫn không khớp được lệnh vì hết room.

Đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, việc nhiều cổ phiếu blue - chip họ muốn đầu tư chỉ còn 3,4 % hay vài chục ngàn cổ phiếu. Ít như vậy nên không “bõ” cho họ huy động hay giải ngân hàng chục triệu USD.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Vina Capital khẳng định: “Chỉ khi nào nâng room và vốn nước ngoài vào mạnh thì thị trường chứng khoán mới thực sự sôi động và điều chỉnh tăng đáng kể”.

Nâng room (tăng tỷ lệ sở hữu) là biện pháp khả thi nhất để kéo nhà đầu tư nước ngoài đổ thêm tiền vào thị trường niêm yết nhưng vừa qua, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tuyên bố Chính phủ chưa tính đến phương án này để đảm bảo tính bền vững và tránh phát triển quá nóng thị trường chứng khoán. Trong tình cảnh này, hàng tỷ USD của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán sẽ vẫn phải chờ và chờ.

Và tâm lý chờ đợi

Ông David G. Fernandex, Giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận Nghiên cứu phát triển khu vực châu Á của tập đoàn tài chính JPMorgan nhận định: “Từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều đợt IPO của các doanh nghiệp đầu ngành của nhà nước, điều này sẽ thu hút một lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp (FII)”.

Nhưng cũng như cổ phiếu đang niêm yết, mức hạn chế của room vẫn là rào cản đáng kể để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các đợt IPO. Các doanh nghiệp lớn sắp IPO lại nằm trong những ngành nghề mà room dành cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế hơn nhiều ngành khác như ngân hàng, viễn thông, tài chính.

Không chỉ vướng rào cản room mà nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi Uỷ ban chứng khoán Nhà nước soạn thảo nội dung Quy chế quản lý nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ ban hành cuối tháng 6 này. Điều họ lo ngại nhất là việc các chính sách, văn bản để quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam được ban hành thường nặng tính hành chính và lộ trình thực hiện quá ngắn.

Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng khống chế cho vay, cầm cố chứng khoán dưới 3% tổng dư nợ trong thời gian qua là một dẫn chứng sinh động. Nếu quy chế này có nhiều điều khoản khả thi và giúp thị trường ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn thì chắc chắn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút lượng lớn vốn ngoại và ngược lại.

Quy chế dự kiến ban hành này là khả năng có thể chấm dứt việc ủy quyền đầu tư qua các cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài, quản lý chặt hơn việc báo cáo thông tin của đối tượng này và thực hiện việc cấp phép, quản lý các văn phòng đại diện tổ chức đầu tư nước ngoài về một đầu mối là Ủy ban Chứng khoán.

Có khả năng quy chế sẽ cho phép các quỹ đầu tư nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam trước thời điểm thực hiện các cam kết liên quan trong lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đây chính là điểm mà nhà đầu tư nước ngoài mong chờ để có thể đầu tư và đổ vốn mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   TTCK Việt Nam “hút” các nhà đầu tư Nhật (21/06/2007)

>   Tiếp cận “cửa ngõ” châu Á (21/06/2007)

>   PPC Công bố giá mua lại cổ phiếu lẻ trong đợt phát hành cổ phiếu thưởng (21/06/2007)

>   STB: Giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan với thành viên HĐQT (21/06/2007)

>   SHC Giải trình tăng giá cổ phiếu (21/06/2007)

>   LGC: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (21/06/2007)

>   COM: Kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2007 (21/06/2007)

>   SSC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (21/06/2007)

>   FPC Giải trình việc tăng giá cổ phiếu 5 phiên liên tiếp (21/06/2007)

>   BF1 Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (21/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật