IFC sẽ hỗ trợ ngân hàng cho vay tiền mua nhà
Mặc dù thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại cổ phần đã đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực cho vay tiền mua nhà, căn hộ chung cư trả góp, nhưng theo đánh giá của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thì tiềm năng của mảng tín dụng cho vay mua nhà ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
IFC cho biết, Công ty sẽ hỗ trợ ngân hàng Việt Nam trong các khoản cho vay mua nhà, đất trả góp. ĐTCK-online đã có cuộc trao đổi với ông Sin Foong Wong, Giám đốc IFC Khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia.
Sau khi ký hợp tác tăng vốn với Sacombank thì IFC có sự hỗ trợ như thế nào cho ngân hàng này?
IFC đã đầu tư vào Sacombank kể từ năm 2002. Những năm qua, IFC đã tích cực hỗ trợ Sacombank trong nhiều hoạt động, đặc biệt là các chương trình tài trợ thương mại và hỗ trợ kỹ thuật cho công tác hiện đại hóa công nghệ ngân hàng. Ngoài ra, Sacombank đã đề cử ông John Vong, tiến sĩ tài chính kinh tế và là chuyên viên thường trú cao cấp của IFC tại Sacombank, làm cố vấn cao cấp của Ngân hàng trong vòng 2 năm kể từ tháng 9/2006, nhằm tiếp tục tận dụng những kinh nghiệm của IFC trong việc tái cơ cấu tổ chức và nâng cao chất lượng quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ công nhân viên. Chiến lược của IFC là hỗ trợ theo từng giai đoạn phát triển của Sacombank. Hiện nay, sự phát triển của Sacombank rất ấn tượng, vì vậy IFC cũng sẽ thay đổi cách hỗ trợ vào Ngân hàng này. Trong tương lai, IFC sẽ tìm kiếm những phạm vi sản phẩm sâu rộng hơn để hỗ trợ cho Sacombank. Chẳng hạn như tín dụng cho vay để tài trợ khách hàng mua nhà, chung cư… Ngoài ra, IFC sẽ hỗ trợ Ngân hàng hướng đến các khoản cho vay hỗ trợ các DNVVN.
Xin cho biết đánh giá của ông về tiềm năng của mảng tín dụng cho vay vốn mua nhà tại thị trường Việt Nam?
Tôi cho rằng, tiềm năng của dịch vụ tín dụng cho vay tiền mua nhà tại Việt Nam là rất lớn. Vì thực tế, nhu cầu vay tiền mua nhà, căn hộ, chung cư của người dân luôn tăng. Đây chính là cơ hội cho các ngân hàng trong việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ trên. Theo thông tin của IFC có được thì chỉ có 30% nhu cầu tín dụng vay mua nhà ở Việt Nam hiện nay là thông qua ngân hàng. Điều này cho thấy, cơ hội cho các ngân hàng khai thác dịch vụ tín dụng cho vay tiền mua nhà là rất lớn. Chính vì vậy, việc IFC đầu tư vào Sacombank không những về vốn mà còn hỗ trợ Sacombank về mặt kỹ thuật, tham gia chiến lược phát triển sản phẩm, nhất là những sản phẩm nói trên.
Còn đối với tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sao, thưa ông? IFC sẽ có sự hỗ trợ nào đối với loại hình doanh nghiệp này của Việt Nam?
Đó là vấn đề nằm trong chính sách của IFC, đồng thời cũng là một trong những lĩnh vực mà IFC mong muốn hỗ trợ Sacombank cung cấp dịch vụ ngày càng tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Và ở một góc độ nào đó, IFC luôn tin tưởng rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.
Vậy theo ông, hai loại hình tín dụng trên của các ngân hàng Việt Nam hiện có đủ khả năng cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài trong thời gian tới?
Tôi nghĩ rằng, các ngân hàng Việt Nam hiện nay có lợi thế hơn ngân hàng nước ngoài về mạng lưới hoạt động cũng như am hiểu thị trường. Đây chính là những thuận lợi đối với các ngân hàng Việt Nam trong việc phát triển tín dụng cho vay mua nhà. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển thêm sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Và tôi tin rằng, với cách làm này, tín dụng cho vay mua nhà của các ngân hàng sẽ phát triển bền vững. Tất nhiên, việc cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt khi các ngân hàng ngày càng năng động hơn trên thị trường này. Còn cái mà IFC có thể mang lại cho các ngân hàng thương mại là hỗ trợ các khoản vay mua nhà trong dài hạn. IFC luôn mong muốn mang lại sự hỗ trợ tốt cho các ngân hàng Việt Nam.
ĐTCK
|