Cổ phần hóa Bảo Việt, thu hút các cổ đông chiến lược lớn
Hôm qua, 15-5, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) đã công bố việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài (vào ngày 31-5 tới). Với số vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng - Bảo Việt là 1 trong 25 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tại Việt Nam tiến hành cổ phần hóa toàn bộ tổng công ty.
Cá nhân trong nước được mua tối đa 340.000 cổ phần
Trong số 6.800 tỷ đồng, tương ứng với 680 triệu cổ phần, Nhà nước sẽ nắm giữ 444.300.000 cổ phần, bằng 65,34% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 4.760.000 cổ phần (bằng 0,70% vốn điều lệ); cổ phần bán ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược trong nước 49.100.000 cổ phần (bằng 7,22% vốn điều lệ); cổ phần bán cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 122.400.000 cổ phần (18% vốn điều lệ).
Số cổ phần bán đấu giá công khai là 59.440.000 cổ phần (8,74%), với giá khởi điểm là 30.500 đồng/cổ phần, trong đó dành cho nhà đầu tư nước ngoài 13.600.000 cổ phần (bằng 2% vốn điều lệ). Lượng cổ phần tối đa đăng ký mua khi đấu giá cổ phần trong nước đối với pháp nhân là 3.400.000 cổ phần (bằng 0,5% vốn điều lệ), thể nhân 340.000 cổ phần (0,05%).
Đợt đấu giá sắp tới, các pháp nhân là doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả các công ty thành viên và các quỹ đầu tư thuộc các doanh nghiệp đó), cũng như các pháp nhân là công ty thành viên của Bảo Việt sẽ không được mua.
Thời gian đăng ký tham gia đấu giá, nộp tiền đặt cọc và nhận phiếu tham dự đấu giá bắt đầu từ ngày 11-5 đến 24-5; thời hạn nộp phiếu tham dự đấu giá là 16g ngày 29-5; thời gian tổ chức đấu giá 8g30 ngày 31-5...
Cổ đông chiến lược nước ngoài: Ưu tiên DN có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm
Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt cho biết, sau khi cổ phần hóa, cổ phiếu của Bảo Việt sẽ được đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) và 2 năm sau sẽ đăng ký niêm yết tại sàn giao dịch trong nước và có thể là nước ngoài. Song lộ trình cụ thể sẽ do đại hội cổ đông quyết định ngay sau khi chuyển đổi.
Cũng theo ông Bình, những tổ chức nước ngoài rất quan tâm và đánh giá Bảo Việt tương đối tốt do theo định hướng phát triển, Bảo Việt sẽ được cung cấp đa dịch vụ, có sự ủng hộ của Chính phủ.
Về việc tại sao, Bảo Việt lại bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhiều hơn nhà đầu tư chiến lược trong nước, ông Bình cho hay, mục tiêu của việc cổ phần hóa là làm sao để Bảo Việt nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, khả năng quản trị,... Vì vậy, việc cổ phần hóa phải làm sao thu hút được các cổ đông chiến lược lớn của nước ngoài để đạt mục tiêu này. Ưu tiên của Bảo Việt khi lựa chọn các đối tác chiến lược trong và ngoài nước sẽ là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm và đã thành công ở châu Á.
Sau cổ phần hóa, công ty mẹ “Tập đoàn Bảo Việt – BaoViet Holdings” là công ty cổ phần sẽ thừa kế toàn bộ quyền lợi và trách nhiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam. Sự ra đời công ty mẹ cũng chính là mốc thời gian hình thành Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con và có thêm các thành viên: Ngân hàng cổ phần Bảo Việt; Công ty Bất động sản Bảo Việt; Công ty Bảo hiểm y tế Bảo Việt; Công ty cho thuê tài chính Bảo Việt.
Mục tiêu tăng trưởng tổng doanh thu bình quân 15%/năm đạt 12.910 tỷ đồng vào năm 2010; tăng trưởng lợi nhuận 21-22%/năm, đạt 1.627 tỷ đồng vào năm 2010; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đến năm 2010 là 19-21%.
- Trước khi tiến hành bán đấu giá, tại khách sạn Melia (Hà Nội), vào 13 giờ 30 ngày 17-5 và 8 giờ 30 ngày 19-5 tại khách sạn Legend Hotel Saigon (TPHCM) Bảo Việt sẽ tổ chức buổi giới thiệu về đợt phát hành.
- Các công ty trực thuộc do Bảo Việt nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Bảo Việt nhân thọ (gồm 61 công ty hạch toán phụ thuộc); Bảo hiểm Việt Nam (gồm 65 công ty hạch toán phụ thuộc); Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt.
- Những công ty do Bảo Việt nắm từ 51% đến dưới 100% vốn điều lệ gồm CTCP Chứng khoán Bảo Việt (60%); Công ty liên doanh Bảo hiểm Quốc tế Việt Nam (51%); CTCP Khách sạn và Du lịch Bảo Việt (55%) và 16 công ty liên kế do Bảo Việt góp vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
- Trong giai đoạn 2001-2006: tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm bình quân đạt 23,7%/năm; bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 36-50% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc, bảo hiểm nhân thọ chiếm 50-64% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc; lợi nhuận trước thuế tăng từ 119 tỷ đồng năm 2001 lên 431 tỷ đồng năm 2006...
SGGP
|