Thứ Hai, 14/05/2007 06:45

Cổ phần của những “ông lớn” có hấp dẫn?

Sau Đạm Phú Mỹ, trong những ngày tới hàng loạt các doanh nghiệp (DN) nhà nước sẽ được cổ phần hóa (CPH). Bảo Việt sẽ là “đại gia” thứ hai phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay.

Nhà nước - cổ đông lớn

Bảo Việt vừa công bố bản cáo bạch chuẩn bị đợt thực hiện IPO vào ngày 31-5. Giới đầu tư đánh giá phương án CPH của Bảo Việt khá thận trọng, bởi Nhà nước còn nắm giữ đến hơn 65% vốn điều lệ. Bảo Việt sẽ bán ra hơn 59,4 triệu cổ phần (8,74%), nếu tính theo mức giá khởi điểm 30.500 đồng thì số tiền đặt cọc để mua cổ phần cũng đã lên đến 1.800 tỉ đồng, tương đương giá trị giao dịch trong ba phiên trên thị trường chứng khoán TP.HCM.

Điều đáng chú ý là các quĩ đầu tư như Prudential, Manulife... sẽ không được tham gia mua đợt này vì Bảo Việt không nhận cổ đông là các DN bảo hiểm (và các đơn vị thành viên) đang hoạt động tại VN.

Nhiều người cũng thất vọng vì tìm “đỏ con mắt” trong bản cáo bạch cũng không thấy tên nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của Bảo Việt (nắm 18% cổ phần), trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư (NĐT) cân nhắc khi tham gia đấu giá. Ngoài ra, theo các NĐT, trong lúc các “đại gia” khác phải đi tìm sự hỗ trợ của các nhà tư vấn tài chính quốc tế như Merrill Lynch, JP Morgan, Credit Suisse, UBS... để xác định giá trị DN gần với thông lệ quốc tế nhất thì Bảo Việt lại chọn một công ty kiểm toán trong nước là VACO. Ngoài ra, đơn vị tư vấn đấu giá lại là một công ty con mà Bảo Việt đang nắm cổ phần chi phối (Công ty chứng khoán BVSC), thành ra nhiều NĐT băn khoăn về “mức giá thực” của “đại gia” này.

Sau Bảo Việt, dự kiến cổ phần của Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) sẽ ra mắt thị trường vào tháng tám. Bà Nguyễn Thu Hà, phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết dự thảo đề án của Vietcombank do Credit Suisse tư vấn thực hiện cơ bản đã hoàn tất, dự kiến sẽ trình Chính phủ nay mai.Theo bà Thu Hà, Nhà nước sẽ giữ 70% vốn điều lệ, cổ đông chiến lược nước ngoài 15%, 5% dành cho các đối tác trong nước, phần còn lại dành cho cán bộ công nhân viên, bán đấu giá ra bên ngoài và các trái chủ Vietcombank (những người đang sở hữu trái phiếu chuyển đổi của Vietcombank).

Ngân hàng Công thương VN (Incombank) cũng đang ráo riết chuẩn bị đợt phát hành cổ phần dự kiến thực hiện vào quí 4. Sau khi chọn xong, Incombank sẽ trình Chính phủ duyệt và sau đó sẽ cung cấp toàn bộ thông tin về NH để nhà thầu định giá.

Sau các NH, cổ phần của các DN viễn thông cũng đang được chờ đợi. Ông Lê Ngọc Minh - giám đốc MobiFone - cho biết MobiFone là DN đầu tiên trong ngành thực hiện CPH nên khi làm sẽ “đặc biệt thận trọng”. Ông cũng khẳng định Nhà nước sẽ giữ từ 51% cổ phần trở lên.

Hai “đại gia” khác trong ngành bia là Sabeco và Habeco cũng đang trong quá trình hoàn tất đề án CPH để thực hiện IPO trong quí 3.

Thị trường sẽ sôi động? 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một số quĩ đầu tư đều khẳng định sẽ tham gia IPO của Tổng công ty Bảo Việt. Giám đốc một công ty quản lý quĩ cho rằng ngoài Bảo Việt, một số DN lớn sắp IPO tới đây như Vietcombank, Incombank, MobiFone... cũng thu hút sự quan tâm của hầu hết các quĩ đầu tư trong và ngoài nước. “Đây là một số đơn vị nằm trong nhóm những DN “xương sống” của nền kinh tế, hơn nữa lại là những đơn vị có tiềm năng phát triển bền vững và ổn định trong lâu dài. Do đó, bất cứ nhà đầu tư nào cũng không muốn bỏ qua cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu này...” - phó tổng giám đốc một công ty quản lý quĩ lớn nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, giá đấu cổ phần bình quân của các DN này, mà tới đây là Bảo Việt, khó có khả năng bị đẩy lên quá cao như đã từng xảy ra ở những cuộc đấu giá trước đây. Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng hầu hết NĐT nhỏ lẻ đã có nhiều kinh nghiệm trong những lần bỏ cọc sau khi đẩy giá đấu lên quá cao, trong khi các NĐT lớn đều có chiến lược đấu giá, tính toán giá cả hợp lý. Thời gian gần đây thị trường chính thức đã “hạ nhiệt”, các NĐT nhỏ lẻ không còn giữ được sự “hưng phấn” như trước, nên giá đấu sẽ không bị các NĐT này đẩy lên; các NĐT tổ chức sẽ tham gia nhiều hơn nhưng cũng đưa ra một mức giá phù hợp.

Một chuyên gia về tài chính - ngân hàng cho rằng giá trị của Vietcombank và Incombank sẽ có sự chênh lệch khá lớn so với giá trị sổ sách vì hai bên sẽ “cãi” nhau nhiều trong việc xác định các tỉ lệ nợ. “Điểm yếu của các NH này là Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối quá lớn nên khó có thể kỳ vọng họ sẽ “lột xác” ngay sau khi CPH. Những nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn khó có thể hi vọng gì vào việc đầu tư vào các DN còn nặng nề tính quốc doanh này” - một chuyên gia nói.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Thị trường OTC chính thức: Giảm rủi ro cho nhà đầu tư (13/05/2007)

>   Cổ phần hóa bệnh viện, đại học: Các câu hỏi đặt ra (13/05/2007)

>   Một chút cổ phần có là bao! (13/05/2007)

>   Cổ phần hóa là...? (13/05/2007)

>   Từ chuyện cái bóng đèn cháy (12/05/2007)

>   Giám sát tình hình quản lý, sử dụng kho bãi Công ty CP Rượu Bình Tây (12/05/2007)

>   31/5, Bảo Việt sẽ thực hiện IPO (11/05/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cty KD & PT Nhà Lâm Đồng (DALAT - REALCO) (10/05/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần các Cty Chè Lâm Đồng và Bộ phận Vungtau Intourco Resort (10/05/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá cho Cty CP Vincom (10/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật