Chủ Nhật, 13/05/2007 22:49

Cổ phần hóa bệnh viện, đại học: Các câu hỏi đặt ra

Những góc nhìn khác nhau về một vấn đề hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam: cổ phần hóa bệnh viện và trường đại học.

(TS. Vũ Quang Việt, chuyên viên Liên hiệp quốc)

"Có hai vấn đề liên quan mật thiết đến việc cung ứng dịch vụ y tế và giáo dục: phương cách cung ứng: công hay tư; trách nhiệm chi trả: xã hội hay cá nhân.

Nhiều người đã lẫn lộn hai vấn đề này. Thí dụ để bảo đảm công bằng xã hội, để bảo vệ trẻ em, ở Việt Nam ai cũng được học xong cấp 2 và ngân sách nhà nước phải chi trả. Nhưng vẫn có hai phương pháp cung ứng: hoặc Nhà nước tổ chức ra trường công hoặc mọi trẻ em có thể tự chọn trường tư và Nhà nước chi trả ở mức định sẵn. Với phương pháp thứ hai, Nhà nước có thể để cho tư nhân cung cấp dịch vụ giáo dục bằng cách thành lập trường tư vì lợi nhuận; hoặc Nhà nước có thể cho phép có cả trường tư cạnh tranh với trường công.

Ở đây, xin mở ngoặc nhấn mạnh thêm, không thể nói một công ty mà Nhà nước nắm tỷ lệ cổ phiếu đa số tuyệt đối thì Nhà nước có thể làm cho công ty đó mang “bản chất xã hội chủ nghĩa”. Hoàn toàn không. Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, nó cho phép một số quan chức làm giàu và dùng danh nghĩa “nhà nước” để móc nối, áp lực tạo ra những lợi ích riêng cho lãnh đạo công ty.

Vậy thì để xem xét cán cân giữa công hay tư, chúng ta phải xem xét loại hàng hóa:

Hàng hóa thông dụng: đây là loại hàng hóa mà người mua có thể dễ dàng quan sát và đo lường được lượng và chất, tức là người mua biết rõ được giá trị trao đổi. Thị trường ở đây cho phép cạnh tranh và do đó sản xuất tư có thể nói là hơn hẳn sản xuất công. Điều này thì hầu hết các nhà kinh tế đồng ý với nhau.

Trong trường hợp lượng và chất hàng hóa không dễ dàng quan sát thì sản xuất công không nhất thiết kém sản xuất tư, thậm chí có thể trội hơn nếu mục đích của tư nhân là lợi nhuận. Vì lợi nhuận, tư nhân có thể đưa đến hàng giả, kém phẩm chất mà người mua không thể thấy ngay được, và khi biết ra thì quá muộn.

Giáo dục tư vì lợi nhuận chưa chứng tỏ được khả năng tạo ra dịch vụ có chất lượng. Có thể quan sát điều này trong dịch vụ giáo dục: các trường học vì lợi nhuận đẻ ra bao nhiêu tệ hại mà ta đã thấy ở Việt Nam và nhiều nước khác. Trường Đại học Phoenix (có bán cổ phần) ra đời được trên 10 năm, rất nổi tiếng ở Mỹ, được phe hữu thổi lên là một thí dụ điển hình của giáo dục vì lợi nhuận nhưng hiện đang bị lột mặt nạ, bị điều tra vì có nhiều dấu hiệu lừa đảo và chất lượng hóa ra rất thấp kém.

Giáo dục tư không vì lợi nhuận đã chứng tỏ khả năng tạo ra dịch vụ có chất lượng cao. Hầu như trên thế giới chất lượng giáo dục chỉ có từ đại học tư không vì lợi nhuận, không có cổ đông. Tất nhiên trước mắt, Việt Nam có thể thử nghiệm cổ phần hóa đại học, nhưng có thể đó không phải là giải pháp. Giải pháp có thể là biến các trường công thành các trường tự quản, không vì lợi nhuận.

Riêng với lĩnh vực y tế, chất lượng dịch vụ y tế tương đối dễ quan sát hơn vì bệnh viện hoặc chữa trị được hoặc không chữa trị được bệnh. Nói chung về y tế, thì dịch vụ tư ở đâu cũng hơn công. Tuy các bác sĩ có phòng mạch tư, nhiều bệnh viện của Mỹ là những công ty cổ phần, nhưng cũng rất nhiều bệnh viện ở Mỹ cũng là các công ty tư không vì lợi nhuận, đặc biệt là các bệnh viện rất nổi tiếng thuộc trường đại học. Các nghiên cứu chữa bệnh quan trọng phần lớn là xuất phát từ các bệnh viện tư không vì lợi nhuận này.Ai chi trả: xã hội hay cá nhân?

 Ý kiến của tôi là không thể cổ phần hóa các bệnh viện công vì tính phi xã hội của chủ trương này. Để tăng nguồn thu nhập cho bác sĩ và nhân viên ở các bệnh viện, nên đưa thêm các dịch vụ có thu phí cao. Bên cạnh đó, bài toán khó là làm sao xây dựng được đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có tâm, có y đức và có khả năng chuyên môn cao để chữa bệnh cho người nghèo với chất lượng và nhiệt tình như chữa bệnh cho người có khả năng trả tiền dịch vụ."

Nhưng không cổ phần hóa làm sao nâng chất lượng?

(TS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế Tp.HCM)

"Nhà nước phải đứng ra lo cho phúc lợi của người dân? Đúng rồi, nhưng thực tế từ bao năm qua cho thấy điều này là không thể. Tại sao thế: ngân sách nhà nước eo hẹp; hệ thống bảo hiểm xã hội yếu kém; thái độ vô tâm...

Cái gì cũng có một tí nguyên nhân của nó và người dân đã ta thán từ hàng chục năm nay về tình trạng quá tải ở các bệnh viện công nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện bao nhiêu. Vậy chẳng lẽ bây giờ ta vẫn phải chờ đợi Nhà nước? Khó quá.

Nếu không cổ phần hóa bệnh viện công, biết đến bao giờ ngân sách lo cho xuể để hiện đại hóa bệnh viện? Hơn nữa, cổ phần hóa không chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc mà còn để thay thế phương thức quản lý lạc hậu và thái độ phục vụ ở các bệnh viện công, và cũng để giữ chân các bác sĩ giỏi. Còn cứ giữ bệnh viện công như hiện nay thì cung cách phục vụ bệnh nhân chắc muôn đời vẫn thế, bác sĩ giỏi chắc cũng sẽ đến lúc bỏ đi hết sang các bệnh viện tư.

Cổ phần hóa (thí điểm) một số bệnh viện công với việc Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, bên cạnh việc Nhà nước vẫn duy trì những bệnh viện công chủ lực để hướng đến người nghèo, cùng với việc tạo ra những ưu đãi hoặc thông thoáng để người ta thành lập các bệnh viện tư, ai có tiền thì vào đó, theo tôi, là cách thức mà ta có thể tiến hành với đặc thù của Việt Nam."

Cần có khảo sát trước đã

(TS. Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức)

"Tất cả mọi vấn đề diễn ra ở ta khắp mọi lĩnh vực, từ xã hội đến kinh tế, xưa nay đều xoay quanh việc phân biệt công và tư, của Nhà nước và của dân, cứ như mặt trăng khác với mặt trời vậy. Nên hầu như làm gì cũng bắt đầu từ lý luận của sự khác nhau đó, suy diễn chủ quan, áp đặt cho thực tế. Các nước khác, mỗi nước một kiểu, nhưng dù công hay tư hay trộn lẫn cả hai, họ không suy diễn như ta, tất cả đều phải bắt đầu bằng những phép tính lấy từ thực tế, cân đong đo đếm được.

Trước hết hãy thống kê được số lượng người mắc bệnh đến bệnh viện, số giường bệnh, số ngày nằm, số bệnh nhân không thể tiếp nhận, chi phí bình quân điều trị một ngày nằm viện, sau đó đến quỹ bảo hiểm y tế do người dân đóng, hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước, lệ phí thu thêm từ bệnh viện, cuối cùng là hiệu quả chữa bệnh?

Thiếu những con số thực tế trên, mọi kết luận cổ phần hóa hay không cổ phần hóa bệnh viện đều có thể đem chào áp dụng cho Tây, Tàu được cả, cho vài chục năm về trước, và cho trăm năm sau này đều vậy, không có gì làm thước đo để kết luận đúng sai!

Nước ta bây giờ mới nói đến cổ phần hóa bệnh viện, thì đã rất muộn nhưng cổ phần hóa lại không gắn với cải cách nền y tế cả nước, thì thật quá ư chắp vá, lành được chỗ này bây giờ, nhưng vì thế rất có thể dẫn đến rách chỗ khác vào ngày mai, lúc đó lại đổ cho do cổ phần hóa !?"

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Một chút cổ phần có là bao! (13/05/2007)

>   Cổ phần hóa là...? (13/05/2007)

>   Từ chuyện cái bóng đèn cháy (12/05/2007)

>   Giám sát tình hình quản lý, sử dụng kho bãi Công ty CP Rượu Bình Tây (12/05/2007)

>   31/5, Bảo Việt sẽ thực hiện IPO (11/05/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Cty KD & PT Nhà Lâm Đồng (DALAT - REALCO) (10/05/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần các Cty Chè Lâm Đồng và Bộ phận Vungtau Intourco Resort (10/05/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá cho Cty CP Vincom (10/05/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần CTCP Xây dựng Cotec (COTECCONS) (10/05/2007)

>   Cổ phần hóa DN Nhà nước: Đừng sợ bị tư nhân hóa (10/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật