Thứ Năm, 10/05/2007 00:49

Cổ phần hóa DN Nhà nước: Đừng sợ bị tư nhân hóa

Trong cuộc trao đổi với Tiền phong, hôm qua (8/5), Vụ phó Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Trọng Dũng cho biết Chính phủ đang soạn thảo một Nghị định mới về cổ phần hoá.

Ông Dũng cho biết:

Tiếp tục cho người lao động bán cổ phần bình thường

Mới đây, phản ánh thực trạng cổ phần hoá ở nhiều DNNN, mà ở đó “lợi lớn thuộc về sếp”, báo Tiền phong đã nêu câu hỏi: Cổ phần hóa DNNN, cổ phần thuộc về ai, khi mà tình trạng “bán lúa non” cổ phần của công nhân viên ngày càng trở nên phổ biến?

Khi được giao “lúa non”, nếu chúng ta không thích đợi “lúa chín” mà bán trước đó, thì cũng khó kiểm soát. Không thể cấm đoán trong vấn đề này, và tại sao lại phải cấm?

Trước đây, chúng ta cũng từng có suy nghĩ cấm đoán như thế, nên đã quy định là người lao động phải sở hữu cổ phần trong vòng 3 năm mới được bán, nhưng thực tế người lao động vẫn bán khi chưa đến thời hạn 3 năm vì họ cần tiền phục vụ nhu cầu cá nhân. Lúc này, chính vì Nhà nước không cho bán, nên người lao động mới không thể bán đúng giá, mà phải bán rẻ vì bán chui lủi...

Sau này, khi ban hành Nghị định 187, chúng ta đã sửa lại quy định trước đó, để cho phép người lao động được bán cổ phần khi công ty thực hiện cổ phần hoá, vì đó hoàn toàn  là quyền của người lao động. Dự thảo Nghị định mới về cổ phần hóa vẫn cho phép người lao động được bán cổ phần một cách bình thường.

Như vậy liệu một trong những mục đích tốt đẹp của cổ phần hóa là để cho người lao động được làm chủ doanh nghiệp có bị “biến dạng”, thưa ông?

Tại sao lại cứ bắt người ta làm chủ? Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là người lao động phải làm chủ chính bản thân mình, nghĩa là tự quyết định cái quyền của mình là bán hay không bán cổ phần của mình trong doanh nghiệp.

Thực ra, vấn đề làm chủ của người lao động không thể hiểu đơn giản là việc nắm giữ cổ phần. Nhà nước tạo điều kiện cho người lao động làm chủ bằng các quyền hạn của mình chứ không chỉ là bằng hình thức, chẳng lẽ từ trước đến nay người lao động không có cổ phần thì không có quyền làm chủ hay sao?

Để nhà đầu tư toàn tâm toàn ý với doanh nghiệp

Tuy nhiên đằng sau việc “bán lúa non” của người lao động là vấn đề Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, cũng như nhiều người trong gia đình họ, có quyền sở hữu hợp pháp số lượng lớn cổ phần của doanh nghiệp.

Theo cáo bạch của các Cty nhà nước đã CPH và niêm yết tại Trung tâm GDCK Hà Nội, TP HCM thì đa số cổ đông cá nhân lớn trong các Cty lớn này nếu không là Chủ tịch HĐQT thì cũng là Tổng GĐ?

Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, mọi công dân và tổ chức đều được mua cổ phần, đều có quyền sở hữu cổ phần trong các công ty Nhà nước. Thứ hai, một khi Nhà nước không nắm giữ số cổ phần nhất định trong doanh nghiệp, thì việc ai nắm giữ cũng được thôi, chúng ta còn có thể bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cơ mà!

Nếu như có ai đó sử dụng nguồn tiền không hợp pháp để mua cổ phần, hoặc có được cổ phần một cách không hợp pháp, thì lại là vấn đề khác.

Theo quy luật thị trường, các nhà đầu tư đều muốn nắm một tỷ lệ lớn cổ phần của các doanh nghiệp mà mình đang đầu tư, có thể là bản thân mình hoặc người trong gia đình nắm giữ, để có thể có tiếng nói trong doanh nghiệp, cũng như toàn tâm toàn ý với doanh nghiệp đó.

Thưa ông, dư luận có thắc mắc là tại sao nhiều DNNN CP hóa xong thì người giàu nhất, nắm nhiều CP nhất luôn là các vị lãnh đạo Cty và người nhà của họ? Cũng có lo ngại cổ phần hoá như vậy thì sẽ đồng nghĩa với tư nhân hóa?

Nếu như tư nhân hoá nghĩa là sở hữu của một người, thì Cty cổ phần là Cty đại chúng, là của nhiều người, chứ không phải của bất cứ một ai. Tuy nhiên, ở đây tôi chưa nói về vấn đề cổ phần hoá có phải tư nhân hoá hay không.

Câu hỏi đặt ra là tư nhân thì có phải xấu không? Hiện nay, đóng góp vào GDP từ khu vực của Nhà nước ngày càng giảm, còn khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, cả về tỷ trọng lẫn số lượng tuyệt đối.

Hơn nữa, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân. Như vậy, chúng ta đang khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, sao phải lo ngại tư nhân hoá.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng việc giảm giá bán cổ phần khi xây dựng và thực hiện phương án cổ phần hóa DNNN cho nhà đầu tư chiến lược, được quy định tại Nghị định 187. Như vậy, có phải trước đây chúng ta đã “hớ” khi bán rẻ cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược?

Nói chúng ta bị “hớ” là không đúng. Nhận thức là một quá trình. Trước đây, vì chúng ta muốn có các nhà đầu tư chiến lược gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, nên đã khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược với quy định ưu đãi giảm 20% giá cổ phần, đó có thể là các nhà đầu tư có trình độ quản lý, có công nghệ, có khả năng cung ứng đầu vào, hoặc tìm kiếm thị trường...

Hiện nay, chúng ta thấy rằng không cần thiết phải có sự ưu đãi này nữa, nên trước khi chờ đợi việc thay thế Nghị định 187 bằng nghị định mới, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo như trên.

Xin cảm ơn ông!

Đẩy nhanh CPH các tổng công ty lớn

Bộ Tài chính đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 187 về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần. Dự kiến trong tháng này sẽ hoàn thành.

Chủ trương hiện nay là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, đột phá vào các TCty và Tập đoàn Nhà nước. Tôi nghĩ rằng không nên quá phức tạp vấn đề cổ phần hóa các TCty và tập đoàn Nhà nước. Bản chất vấn đề này cũng là cổ phần hóa DNNN, khác chăng là quy mô các doanh nghiệp này lớn hơn...

Điều quan trọng nhất vẫn là xác định tư tưởng, nếu tư tưởng của “ông” còn lừng khừng thì sẽ “đẻ” ra rất nhiều lý do để bao biện cho việc chậm trễ. Nghị định mới về cổ phần hoá sẽ đề ra các quy định để xử lý các vấn đề vừa nêu.

Ví dụ như quy định rõ hơn về các cách thức cổ phần hóa, phương thức cổ phần hóa, phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp. Đặc biệt sẽ có các quy định nhằm phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong việc cổ phần hóa, đó là phân cấp, phân quyền về cho các bộ, ngành và địa phương, cho chính các tập đoàn và TCty, rồi quy định để đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến cổ phần hóa.

Tinh thần chung là như vậy, còn về cụ thể do dự thảo Nghị định chưa được chính thức ban hành, nên chưa thể đề cập đến.

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Nhà máy nước đầu tiên bán cổ phần (10/05/2007)

>   Mạnh: kinh nghiệm - Yếu: nguồn vốn (09/05/2007)

>   Mua cổ phiếu ngân hàng giá rẻ? (09/05/2007)

>   Coteccons bán đấu giá cổ phần: Sự quan tâm lớn của giới đầu tư (09/05/2007)

>   Chào bán cổ phiếu ngân hàng chậm vì thủ tục (08/05/2007)

>   Cotec Group sẽ tăng vốn điều lệ lên 350 tỉ đồng (08/05/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Công ty DIC du lịch (DIC T&T) (08/05/2007)

>   Kết quả đấu giá bán cổ phần của Công ty Hợp tác Lao động với nước ngoài phía Nam (08/05/2007)

>   7 đối tác đấu thầu tư vấn cho ICB (07/05/2007)

>   Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng từ 25/4 đến 04/5/2007 (07/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật