EVN đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá (CPH) và tiến hành phát hành trái phiếu ra trị trường trong và ngoài nước nhằm huy động vốn đầu tư cho các công trình điện mới.
Phiên đấu giá cổ phần Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa ngày 15/3 đã thu hút được hơn 5.500 tổ chức và cá nhân tham gia, giá bỏ cao nhất lên tới 40 triệu đồng, trong khi giá khởi điểm chỉ là hơn 15.725/cổ phiếu. Điều này cho thấy điện vẫn là một trong những ngành “hot” nhất đối với giới đầu tư chứng khoán, đồng thời là một tín hiệu thuận lợi cho kế hoạch CPH các DN điện lực thời gian tới.
DN đi đầu trong CPH
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, “Nhìn chung, các mục tiêu CPH của EVN đã được thực hiện. Đồng thời EVN được đánh giá là DN đi đầu trong CPH”. CPH đã tạo ra loại hình DN có nhiều chủ sở hữu, bao gồm Nhà nước, người lao động trong DN, cổ đông ngoài DN, trong đó người lao động trong DN trở thành người chủ thực sự theo phần vốn góp của mình trong công ty cổ phần; huy động thêm vốn của xã hội đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh điện; mang lại cho DN cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả, thích nghi với thị trường; tạo điều kiện pháp lý và vật chất để người lao động nâng cao vai trò làm chủ trong DN; thực hiện việc sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động; giúp tăng tính cạnh tranh, tiến tới xoá bỏ độc quyền, góp phần từng bước hình thành thị trường điện.
Ông Đặng Phan Tường, Trưởng ban CPH của EVN cho biết, đã có 21 đơn vị, DN thuộc EVN đã hoàn thành CPH. Giá trị DN theo sổ sách kế toán của các DN này là 13.400 tỷ đồng nhưng qua khâu CPH, đánh giá lại thì giá trị các DN này đạt khoảng 19.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là ngoài việc đánh giá giá trị DN tăng so với sổ sách kế toán, EVN đã thu được một khoản đáng kể thông qua việc bán đấu giá cổ phần của các đơn vị cổ phần hoá do giá bán cao hơn mệnh giá. Số lượng nhà đầu tư tham gia các phiên đấu giá đã phản ánh sự quan tâm tới ngành điện và thể hiện tính đại chúng, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện bán đấu giá cổ phần của các DN ngành điện. Giá bán điện của các công ty cổ phần phát điện đều thấp hơn giá điện của các công ty ngoài EVN, là điều kiện thuận lợi cho các công ty cổ phần tham gia thị trường điện sau này.
Hoàn thành CPH trước năm 2008
Ngày 3/4, kế hoạch CPH các đơn vị thuộc EVN Việt Nam giai đoạn 2007-2008 đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định phê duyệt. Với kế hoạch này, EVN dự định việc CPH các DN, đơn vị trong ngành sẽ hoàn thành trước năm 2008, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch trước đây.
Theo kế hoạch, 24 đơn vị thực hiện CPH trong năm 2007, tập đoàn giữ cổ phần chi phối gồm: Công ty Nhiệt điện Bà Rịa, Công ty Nhiệt điện Ninh Bình (bao gồm Ninh Bình MR), Công ty Nhiệt điện Uông Bí (bao gồm Uông Bí MR1), Công ty Thủy điện Thác Mơ (bao gồm Thác Mơ MR), Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Công ty Điện lực 1, Công ty Điện lực 2, Công ty Điện lực 3, Công ty Tư vấn xây dựng điện 1, Công ty Tư vấn xây dựng điện 2, Công ty Tư vấn xây dựng điện 3, Công ty Tư vấn xây dựng điện 4, Trung tâm Tư vấn xây dựng điện (trực thuộc Công ty Điện lực TP.HCM), Công ty Cơ điện Thủ Đức, Trung tâm Công nghệ thông tin, Công ty TNHH một thành viên điện lực Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thủ Đức, Phú Mỹ, Cần Thơ và Công ty Thủy điện Quảng Trị.
5 đơn vị gồm: Công ty Thông tin viễn thông điện lực, Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, Nhà máy Thủy điện Đại Ninh, Công ty Điện lực TP. Hà Nội, Công ty Điện lực TP.HCM sẽ thực hiện CPH trong năm 2008, tập đoàn giữ cổ phần chi phối.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho EVN lập đề án thí điểm CPH 4 đơn vị sự nghiệp gồm: Trường đại học Điện lực, Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM, Trường cao đẳng Điện lực miền Trung, Trường cao đẳng Nghề điện.
Ông Tri cho biết, năm 2007, EVN sẽ thu hút 40.000 tỷ đồng và năm 2008 cũng thu hút khoảng trên 8.000 tỷ đồng từ việc bán cổ phần và phát hành trái phiếu. Mới đây, EVN đã nhận được sự chấp trhuận về nguyên tắc của Chính phủ để phát hành trái phiếu ra thị trường thế giới trong năm 2008. Dự kiến, đợt đầu tiên EVN sẽ phát hành từ 300-500 triệu USD có thể hoặc không có bảo lãnh của Chính phủ. Trong năm nay EVN sẽ tìm hiểu và lựa chọn nhà tư vấn thực hiện kiểm toán và xếp hạng tín nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thành lập mới 30 công ty cổ phần ngành điện
Hiện EVN dự kiến huy động trên 14.000 tỷ đồng (khoảng 875 triệu USD) từ các cổ đông bên ngoài để thành lập mới 30 công ty cổ phần ngành điện. Trong 30 công ty cổ phần thành lập mới, có 24 công ty cổ phần sản xuất điện, còn lại là các công ty cổ phần dịch vụ sửa chữa nhiệt điện, công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ, văn phòng và khách sạn, công ty cổ phần tài chính điện lực và công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản. EVN sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ trong các công ty này.
EVN cũng cho biết, vốn điều lệ của 24 công ty cổ phần sản xuất điện sẽ từ 375 tỷ đến trên 4.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần tài chính Điện lực sẽ có vốn điều lệ khoảng 1.600 tỷ đồng. Riêng các công ty cổ phần dịch vụ sẽ có vốn điều lệ thấp hơn, khoảng 50 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh EVN đang gặp nhiều khó khăn về huy động vốn để đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện mới, việc thành lập các công ty cổ phần để huy động đến 49% vốn điều lệ từ các cổ đông bên ngoài, sẽ giúp giảm áp lực về vốn cho chính tập đoàn đồng thời tránh được tình trạng ứ đọng vốn.
VEN
|