Bước đi thận trọng mở cửa lĩnh vực ngân hàng
Theo nhiều chuyên gia tài chính, việc Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong các ngân hàng thương mại Việt Nam từ 10% vốn điều lệ trước đây lên mức 15% là một bước đi thận trọng cần thiết trong lộ trình mở cửa lĩnh vực tài chính của Việt Nam.
Nghị định 69 của Chính phủ ban hành ngày 20/4 quy định mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng cổ phần Việt Nam. Mức này có thể lên tới 20% trong các trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xem xét dựa trên đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến lý giải rằng, do năng lực và trình độ phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam chưa đủ mạnh để có thể mở cửa một cách toàn diện. Bởi vậy, “việc nới rộng từ từ như vậy là thích hợp với quá trình mở cửa thị trường tài chính", ông Tiến nói.
Về kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào một tỷ lệ sỡ hữu cao hơn, Phó Thống đốc Tiến nói rằng, hiện nay là giai đoạn để các nhà đầu tư nước ngoài từng bước thâm nhập vào thị trường Việt Nam. "Đến một giai đoạn nhất định, Chính phủ sẽ mở rộng tỷ lệ này trên cơ sở của sự phát triển và năng lực hệ thống tài chính Việt Nam", ông Tiến khẳng định.
Cùng chung quan điểm với Phó Thống đốc Tiến, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (thuộc Viện Khoa học Tài chính, Bộ Tài chính) cũng cho rằng "bước đi thận trọng trong lộ trình mở rộng tỷ lệ vốn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước đang trong quá trình cổ phần hoá, là cần thiết để có thể vừa đảm bảo chủ quyền về tài chính tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam và vừa giúp các ngân hàng trong nước từng bước tiếp cận với công nghệ và các quản trị hiện đại của nước ngoài".
Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh thì mức giới hạn này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài bởi “họ không chỉ có sự lựa chọn duy nhất là tham gia vào các ngân hàng thương mại Việt Nam mà còn có thể lựa chọn đầu tư theo những hình thức khác như mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO hoặc theo thoả thuận song phương với Mỹ”.
Trên thực tế, đang có nhiều đối tác nước ngoài muốn tăng thêm tỷ lệ mua cổ phần của các ngân hàng thương mại trong nước sau khi đã ký hợp đồng mua 10%. Tập đoàn Ngân hàng Hồng Công Thượng Hải (HSBC) cho biết, họ đang có ý định mua thêm 10% cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để nâng mức sở hữu vốn điều lệ tại ngân hàng này lên 20% khi có sự chuẩn y của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Cổ phần thương mại Ngoài quốc doanh (VPBank) cũng muốn bán thêm cổ phần cho đối tác chiến lược của họ là Ngân hàng OCBC (Xinhgapo) sau khi đã chính thức bán 10% cho đối tác này.
Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Võ Văn Châu cũng cho biết, ngân hàng này đang xem xét việc bán thêm cổ phần cho đối tác chiến lược là Ngân hàng BNP Paribas (Pháp).
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cổ đông nước ngoài hiện hữu) không vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam; một nhà đầu tư nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ; một tổ chức tín dụng nước ngoài được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ.
TTXVN
|