Thứ Ba, 08/05/2007 23:25

Thanh toán không dùng tiền mặt: Một vấn đề, hai thách thức

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) không chỉ là vấn đề của ngành Ngân hàng. Nhìn từ nguyên tắc thanh toán đã thấy ngân hàng chỉ là tổ chức trung gian. TTKDTM chỉ có thể thực hiện được khi các chủ thể thanh toán mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng.

Việc mở tài khoản này lại phụ thuộc vào thu nhập và nhu cầu thanh toán của chính chủ thể thanh toán. Và, thế là vấn đề  hoạch định mục tiêu cho bước tiến của Đề án 291 sẽ là không quá tầm, nhưng rõ ràng là TTKDTM hiện đang có ít nhất hai thách thức lớn.

Phát triển công cụ tiện ích

Trước tiên, nhìn một cách trực diện, phải thấy TTKDTM là vấn đề của ngân hàng, vì nó được thực hiện bởi ngân hàng. Bằng cách theo lệnh (của chủ tài khoản), ngân hàng trích tiền từ tài khoản của người chi trả để chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng. Cho đến nay, nhìn từ góc độ thanh toán, kinh tế Việt Nam vẫn được thấy như là nền kinh tế tiền mặt. Theo "Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020", đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định số 291/2006/QĐ - TTg ngày 29/12/2006 (gọi tắt là Đề án 291), vào năm 1997, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam là 32,2%; mười năm sau - năm 2006 - giảm xuống còn 18%, vẫn ở mức của nền kinh tế tiền mặt. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ trên chỉ dưới 5%, có nước như Thụy Điển, Na Uy chỉ khoảng 1%. Gần Việt Nam hơn, ở các nước Đông Nam Á như Singapore, tỷ lệ đó hiện là 11%.

Có thực trạng nêu trên vì nền kinh tế nước ta về căn bản vẫn là nền kinh tế nông nghiệp  lạc hậu đang tiến những bước đầu tiên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mục tiêu Đề án 291 hướng tới là đến năm 2020 tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam sẽ đạt mức 10%. Để đạt được mục tiêu trên, việc đầu tiên là phải phát triển các công cụ tiện ích, mà trong đó, trước hết là việc phát triển tài khoản cá nhân. Đây là cơ sở cho dịch vụ TTKDTM có cơ hội tiến hành được. Lượng định mục tiêu của Đề án 291 là đến năm 2020, tại các ngân hàng Việt Nam phải có 20 triệu người mở và sử dụng tài khoản cá nhân. Nhưng đến hiện nay, số lượng tài khoản cá nhân được mở tại ngân hàng mới đạt khoảng 5 triệu với số dư bình quân hàng tháng của mỗi tài khoản là xuýt xoát 7 triệu đồng. Điều này cho thấy một thực tế là thu nhập bình quân của số đông người dân còn ở mức thấp, số dư tiền gửi tài khoản thanh toán tại các ngân hàng chỉ chiếm phần rất nhỏ so với số dư tiền gửi tiết kiệm.

Thành tựu to lớn nhất trong TTKDTM của đa số các ngân hàng thương mại chủ yếu là ở dịch vụ uỷ nhiệm chi, với đối tượng khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp. Nổi lên như một cao trào trong 5 năm trở lại đây là thẻ thanh toán ATM. Số lượng thẻ phát hành vào lưu thông tăng 50% trong năm 2006, hiện đạt con số 4,75 triệu thẻ. Với đà tăng trưởng và phát triển của kinh tế và đời sống hiện nay, thẻ ngân hàng sẽ còn tăng mạnh. Theo dự báo của ông Trần Phương Bình - Tổng giám đốc NHTMCP Đông Á, thì trong vài năm tới, lượng thẻ phát hành có thể sẽ tăng đến 100%/năm. Tuy nhiên, thẻ thanh toán đã và vẫn đang kém hấp dẫn khách hàng, bởi thường chỉ có thể sử dụng thanh toán qua máy ATM của ngân hàng phát hành, hoặc là trong một nhóm ngân hàng liên minh cục bộ nhất định mà thôi. Đó là chưa nói đến việc sử dụng thẻ ATM của ngân hàng nội để thanh toán ngoài nước, hoặc thẻ của ngân hàng ngoại thanh toán qua hệ thống ATM nội cũng gặp không ít khó khăn trở ngại.

Thấy trước bất lợi này, từ năm 2004, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép hoạt động cho Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) để thực hiện nhiệm vụ kết nối các hệ thống thanh toán thẻ ngân hàng… Nhưng cũng mãi đến cuối tháng 4/2007 vừa qua Banknetvn mới có thể khai trương hoạt động. Và, việc mà Banknetvn đã làm được là mới chỉ kết nối thanh toán giữa các Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank) với nhau. Việc kết nối vào Banknetvn với các trung tâm mạng còn lại như với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), hay như với NHTMCP Đông Á… vẫn còn là vấn đề lợi ích và thời gian. Ơû đây, các NHTM rất cần chia sẻ công nghệ, thị phần với nhau để sớm có mạng liên kết thẻ vì lợi ích chung. Một khi mạng thanh toán điện tử quốc gia chưa kết nối được với nhau, cũng như chưa quốc tế hoá được, thì thách thức của dịch vụ thẻ thanh toán vẫn còn đó, dịch vụ thanh toán bằng thẻ ngân hàng vẫn còn bị hạn chế phát triển.

Sự thiếu liên kết giữa các ngành cũng là một trở ngại không nhỏ cho giao dịch TTKDTM. Theo thống kê hiện ở nước ta, chưa đến 50% khách sạn có trang bị máy thanh toán thẻ; khoảng 10% số nhà hàng, 6% điểm bán vé máy bay… và chừng hơn 1% số siêu thị có dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ.

Tình hình TTKDTM rõ ràng  phụ thuộc vào tình tình phát triển của công cụ thanh toán, bao gồm cả việc phát triển dịch vụ đồng thời với việc phát triển cơ sở vật chất và công nghệ nền tảng, tiện dụng hoá dịch vụ...

Xây dựng văn hoá thanh toán mới

Ai cũng biết thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân Việt Nam hiện nay đang là thách thức thực sự to lớn đối với mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế. Việc thay đổi thói quen này thật không dễ. Trước hết với đối tượng có thu nhập khá, chủ yếu là thị dân, rất cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền song hành với việc đa dạng hoá, tiện ích hoá các công cụ thanh toán. Việc này trách nhiệm chính thuộc công tác tuyên truyền tiếp thị của các NHTM. Đầu tư tạo dựng thiết bị công cụ như mạng, máy ATM, điểm POS, thẻ… sẽ kém hiệu quả nếu không kích hoạt được nhu cầu sử dụng các công cụ đó của các tầng lớp nhân dân.

Đối tượng thứ hai rất cần được vận động sử dụng công cụ TTKDTM là người ăn lương. Đã có nhiều ngân hàng, điển hình là NHTMCP Đông Á, làm khá tốt dịch vụ này, đặc biệt là việc phối hợp với các Sở Lao động -  Thương binh và Xã hội thực hiện việc chi trả tiền lương hưu qua thẻ thanh toán. Dịch vụ chi trả tiền lương qua thẻ còn được thực hiện đối với đối tượng là công nhân viên tại các khu công nghiệp, các công ty, nhưng chưa phổ biến. Riêng khối viên chức Nhà nước, điều kiện để trả lương qua thẻ rất dễ thực hiện, nhưng lại chưa thực hiện được như mong muốn, vì đa số viên chức Nhà nước lương thấp nên chưa sẵn sàng. Các NHTM rất cần phải đa dạng hoá chức năng của thẻ thanh toán loại này, như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại… và cả chức năng tín dụng thấu chi, vay tiêu dùng… để tăng sức hấp dẫn của thẻ, kích hoạt nhu cầu sử dụng thẻ.

Đối tượng doanh nghiệp có vị trí rất quan trọng đối với mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế quốc dân. Tại sao lại không thể là 100% các khoản thanh toán giữa các doanh nghiệp với nhau được thực hiện qua tài khoản tại ngân hàng thay vì phải vận chuyển hàng bao tải tiền mặt, vừa tốn kém, lại không an toàn. Và làm gương cho văn hoá TTKDTM phải là các chi tiêu từ ngân sách và các dịch vụ công. Đây chính là mũi xung kích trên mặt trận TTKDTM được Đề án 291 rất chú trọng, cần thực hiện sớm và triệt  để.

SBV

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Hua Nan Commercial Bank, Ltd - Chi nhánh TPHCM được cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử qua Internet (08/05/2007)

>   Vụ Bảo hiểm Bảo Tín: Người trong cuộc nói gì? (08/05/2007)

>   VACO trở thành thành viên của Deloitte Rouche (07/05/2007)

>   Vinashin phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu (07/05/2007)

>   7 đối tác đấu thầu tư vấn cho ICB (07/05/2007)

>   Châu Á sẽ có dự trữ tài chính chung (07/05/2007)

>   Đồng Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá nhanh (07/05/2007)

>   Khi mở cửa thị trường bảo hiểm (07/05/2007)

>   Phát hành trái phiếu quốc tế: “Năm nay nhiều thuận lợi” (07/05/2007)

>   Techcombank nằm trong top 3 ngân hàng cổ phần dẫn đầu (06/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật