Vụ Bảo hiểm Bảo Tín: Người trong cuộc nói gì?
Tập thể nhân viên Công ty BH Bảo Tín vừa chính thức gửi thư kiến nghị đến Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát công ty đề nghị xem xét tư cách Chủ tịch HĐQT (Thạc sĩ Lưu Vinh Quang) và công bố khởi kiện ông Quang ra toà về việc xúc phạm danh dự nhân viên.
Đây là trường hợp tương đối hiếm xảy ra trên địa bàn TP.HCM, hay theo như nhận định của ông Trương Trần Đạt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.3 và cả ông Quang (người trong cuộc) "chưa gặp trường hợp như vậy bao giờ”. Vì sao tập thể nhân viên Bảo Tín khởi kiện lãnh đạo công ty?
Dựa luật để... phạm luật
Trao đổi với VietNamNet ngày 7/5 Thạc sĩ Lưu Vinh Quang cho biết lý do ông ban hành thông báo số 07 (với nội dung ngưng thực hiện các hợp đồng lao động do tổng giám đốc ký) là do ông thấy nhân sự trong công ty “quá đông” (tổng cộng khoảng 24 người) nhưng tổng giám đốc (TGĐ) chưa trình HĐQT thông qua các chức danh quan trọng như trưởng, phó phòng...
“Việc ra thông báo này chỉ nhằm điều chỉnh nhân sự của công ty cho đúng theo qui định của pháp luật, tôi cho rằng khi công ty chưa có qui chế nội bộ thì mọi việc TGĐ làm phải trình thông qua HĐQT để lấy ý kiến. Việc TGĐ ký hợp đồng và bổ nhiệm các nhân sự quan trọng trong công ty (như trưởng, phó phòng) tôi không hề hay biết” - ông Quang nói.
Cụ thể hơn, đối với trường hợp trưởng phòng nhân sự, ông Quang cũng cho rằng không hề hay biết việc TGĐ ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với nhân sự này. Vị trí trưởng phòng nhân sự là HĐLĐ mang số 01 của công ty, HĐLĐ số 02 là vị trí kế toán trưởng. Trong bảng quyết định bổ nhiệm cán bộ số 02 đích thân ông Quang đã ký bổ nhiệm vị trí này với tư cách thay mặt HĐQT. Như vậy liệu có phải ông Quang không hề hay biết đến HĐLĐ 01 và nếu như vậy thì trách nhiệm của ông đến đâu khi nhân sự này đã làm việc hơn 4 tháng trong công ty mà ông không hề hay biết về HĐLĐ trên?
Nói về việc bảo vệ Công ty Địa ốc An Phú (nơi ông Quang làm TGĐ, đặt trụ sở cùng địa chỉ với Công ty BH Bảo Tín) “cấm cửa” nhân viên Bảo Tín sáng 3/5 ông Quang cũng khẳng định mình không hề hay biết việc này. “Sáng đó tôi đi công tác xa, nói chung tôi không biết có chuyện bảo vệ không cho nhân viên vào hay không” - ông Quang trả lời.
Về phía Liên đoàn Lao động Q.3, tổ chức này đã có kết luận nội dung các thông báo 06, 07, 08 mà ông Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Tín đã ký là vi phạm Luật Lao động (Điều 33 Bộ luật Lao động). Đồng thời yêu cầu ông Quang phải ra thông báo huỷ bỏ các thông báo trên và mời nhân viên làm việc lại bình thường. Và trong cuộc họp bất thường của HĐQT vừa qua (ngày 4/5) HĐQT cũng đã có yêu cầu tương tự đối với ông Quang.
Tuy vậy, hiện ông Quang vẫn cho rằng việc ra thông báo này chỉ là sự điều chỉnh, ông cho rằng do nhân sự “hiểu nhầm” nên mới có phản ứng như thế. “Không phải là tôi ngưng luôn hợp đồng với nhân viên mà là ký lại, điều chỉnh cho đúng theo qui định của luật” (?!), đồng thời ông cũng nhấn mạnh thêm rằng “các HĐLĐ mà TGĐ đã ký trước pháp luật là có giá trị”.
Điều này mâu thuẫn với các thông báo của ông (số 06, 07) và với phát biểu của ông trước nhân viên cùng đại diện công đoàn chiều ngày 3/5 “các hợp đồng mà TGĐ ký trước đây không có giá trị hiện thực”. Hơn nữa, trong các thông báo này nội dung không hề đề cập đến việc ký lại hợp đồng với nhân viên. Nếu không có sự phản ứng gay gắt của nhân viên liệu có sự thay đổi “ngoạn mục” như vậy?
Ông Phan Hồ Trung Phong, TGĐ công ty cho hay, ngay từ đầu Bảo Tín có 4 thành viên sáng lập, trong đó có ông và Thạc sĩ Quang. Sau đó mở rộng thêm để đa dạng thành phần cổ đông.
Mỗi người có một thế mạnh riêng như ông thì có chuyên ngành về bảo hiểm (từ 1998 làm giảng viên Trung tâm Đào tạo của Công ty BH Bảo Việt phụ trách đào tạo cho các công ty phía Nam, trưởng phòng marketing của Bảo Việt nhân thọ miền Nam và từ năm 2004 là Phó Giám đốc Bảo Việt nhân thọ tỉnh Bến Tre.
Cũng theo ông Phong, quan hệ cá nhân giữa ông và Chủ tịch không có gì mâu thuẫn nhưng trong quá trình cộng tác thì phong cách làm việc và phương thức quản lý khác nhau. Song ông Phong cũng cho biết đó là việc bình thường và 2 người vẫn thường trao đổi thẳng thắn quan điểm làm việc để thực hiện mục tiêu cùng phát triển công ty.
“Mỗi một nhân sự được mời về công ty tôi đều có trao đổi trước với ông Quang và các HĐLĐ tôi đã ký đều căn cứ trên điều lệ của công ty (đã đăng ký với Bộ Tài chính). Do vậy, khi xảy ra sự việc trên tôi rất buồn. Đây là sự việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, trong đó có rất nhiều nhân sự đang nắm giữ chức vụ cao và ổn định ở các công ty BH khác được tôi mời về Bảo Tín. Do vậy, tôi phải có trách nhiệm bảo vệ nhân viên” - ông Phong cho hay.
Quan hệ giữa Chủ tịch HĐQT và TGĐ trong một công ty là như “môi với răng”, do vậy trả lời câu hỏi của chúng tôi là liệu ông Phong có thể làm việc tiếp tục với Chủ tịch HĐQT nữa hay không song sau sự vụ trên ông Phong cho biết trong cuộc họp HĐQT sắp tới sẽ trình bày với HĐQT, trao đổi phương án giải quyết hợp lý để bảo đảm hoạt động của công ty, quyền lợi khách hàng và quyền lợi cổ đông.
“Riêng với vai trò là cổ đông sáng lập công ty tôi sẽ xem xét qui trình sửa chữa điều lệ của công ty (do ông Quang thực hiện) và kiến nghị với cơ quan chức năng, HĐQT để tránh tình trạng vi phạm quyền lợi người lao động, cổ đông, khách hàng... Đồng thời sẽ phải làm việc với HĐQT để giải toả vấn đề tâm lý, ổn định tinh thần nhân viên” - ông Phong cho biết thêm.
Người lao động có quyền kiện ra toà
Ông Trương Trần Đạt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.3 cho hay, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp dù có theo điều lệ, qui chế gì của công ty cũng phải thực hiện đúng luật. Nói về HĐLĐ thì Luật Lao động là trên hết, những điều chỉnh của công ty không thể nào trên luật, luật nội bộ thì cũng phải phù hợp với luật chung của cả nước.
Đối với trường hợp Công ty BH Bảo Tín, ông Đạt cho rằng Thạc sĩ Quang chưa nắm rõ Luật Lao động và có đề nghị gặp luật sư chuyên về HĐLĐ để được tư vấn cho chính xác nhằm thực hiện đúng luật, còn trước mắt phải thực hiện các HĐLĐ trước đó TGĐ đã ký.
Tuy nhiên, về phần mình Thạc sĩ Quang vẫn khăng khăng là mình nắm vững luật và có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành công ty, ông Quang đã kể tên 5-6 công ty sau đó cho biết còn nữa nhưng không nhớ hết và cho biết: “Tôi đang điều hành rất nhiều công ty cho nên không thể có chuyện không biết luật được, chẳng qua là anh em hiểu nhầm thông báo trên. Xảy ra sự cố ngày 3/5 bản thân tôi cũng rất bất ngờ và lấy làm tiếc, chưa bao giờ ở các công ty tôi điều hành lại xảy ra chuyện như thế này!”.
Mặc dù là tổ chức đại diện cho người lao động và theo dõi sự vụ này nhưng ông Đạt thừa nhận chưa có cuộc tiếp xúc riêng nào với người lao động (trừ buổi họp chung chiều 3/5 có cả Chủ tịch HĐQT, TGĐ, được biết trước khi tổ chức họp chung ông Đạt cũng đã tiếp xúc riêng với lãnh đạo công ty này).
Khi được hỏi về nguyện vọng, tâm tư của người lao động ông Đạt cho rằng “mỗi người có suy nghĩ và hiểu biết riêng trong vấn đề thông báo của mình” (?!) và cho biết “Nếu người sử dụng lao động giải quyết không ổn thoả cho nhân viên thì người lao động có quyền kiện người sử dụng lao động ra tòa!”.
Trong hàng loạt kiến nghị lên HĐQT và Ban kiểm soát Công ty BH Bảo Tín, tập thể nhân viên Bảo Tín có thông tin rằng:
“Đến ngày 29/12/06, 3 cổ đông sáng lập BH Bảo Tín gồm ông Lưu Vinh Quang, bà Đinh Thị Ngọc Hà và bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh mới nộp tiền vào tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp TP.HCM chi nhánh 6 để đủ tư cách tham dự cuộc họp đại hội cổ đông thành lập thứ nhất. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà trước đó 03 ngày (ngày 26/12/06 - ngày diễn ra cuộc họp đại hội cổ đông thành lập thứ nhất) 03 vị cổ đông sáng lập kể trên đã có được bản xác nhận nộp đủ tiền vào tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp TP.HCM chi nhánh 6.
Nhờ việc đó ông Quang mới đủ tư cách tham dự cuộc họp trên và được bầu vào vị trí tại BH Bảo Tín như hiện nay... Chúng tôi (tập thể nhân viên Bảo Tín) sẽ cung cấp chứng cứ cụ thể liên quan đến những kiến nghị của chúng tôi khi có yêu cầu của HĐQT và Ban kiểm soát”.
VNN
|