Tự do hoá tài chính: Cần những bước đi thích hợp
Đánh giá thực trạng cải cách và tự do hoá tài chính ở Việt Nam là một trong những nội dung chủ yếu của Hội thảo khoa học "Tự do hoá tài chính - xu thế và giải pháp chính sách" tổ chức ngày 4/5. Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức bên lề Triển lãm quốc tế thường niên Ngân hàng - Tài chính - Bảo hiểm (Banking -Finance - Insurance Expo 2007) diễn ra từ ngày 3 - 6/5 tại Hà Nội.
Bơi ra biển lớn
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính ngân hàng, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự "bước ra" biển lớn với nhiều dự án đầu tư quốc tế khổng lồ được khởi động và ký kết với tần suất và khối lượng vốn đầu tư chảy vào rất lớn như: dự án tàu siêu tốc Bắc Nam, tàu điện ngầm TP. Hồ Chí Minh, các hợp đồng đóng tàu trọng tải từ 20.000-30.000 tấn... Năm 2006, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 10 tỷ USD gấp 3 lần số vốn của 3 năm trước đó. Riêng 3 tháng đầu năm 2007, FDI đổ vào Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD.
Trước xu thế dòng vốn đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn, TS. Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng (NHNN) cho rằng, giải pháp để thúc đẩy tự do hoá tài chính đối với Việt Nam lúc này là cần phải chủ động trao quyền lực đầy đủ hơn cho Ngân hàng Trung ương (NHTW) trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. NHTW phải đủ sức và đủ công cụ để bảo đảm ổn định sức mua đồng tiền Việt Nam; đủ sức kiểm soát và làm chủ các nghiệp vụ chính của một NHTW như: Điều hành thị trường tiền tệ, điều hành và kiểm soát toàn bộ hệ thống thanh toán quốc gia, đổi mới cơ chế quyền lực trong hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng... Đồng thời, mọi hoạt động có tính chất đầu tư của khu vực tài chính công phải thực hiện thống nhất theo cơ chế thị trường.
Cần những bước đi thích hợp
Theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Kim Thanh, về cơ bản, quá trình tự do hoá thị trường tài chính của Việt Nam đã đi "gần hết quãng đường". Còn hai mốc quan trọng nữa cần thực hiện để tự do hoá hoàn toàn thị trường tài chính, đó là thực hiện cơ chế tỷ giá thả nổi và tự do hoá các giao dịch vốn. Tuy nhiên, đây là hai vấn đề rất nhạy cảm đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính. Theo bà Thanh, cần có những bước đi thích hợp để tránh những tổn thất do sự bất ổn của thị trường tài chính mang lại.
TS. Nguyễn Thị Băng - Ban Nghiên cứu chiến lược Agribank cho rằng, các công cụ tham gia thị trường tài chính những năm qua ngày càng phát triển, đặc biệt là các công cụ tài chính hiện đại và đến nay đã xuất hiện nhiều loại công cụ phái sinh. Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Tính đến nay đã có 107 cổ phiếu được niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Việc điều hành chính sách tiền tệ được chuyển đổi từ các công cụ trực tiếp sang gián tiếp thông qua thị trường nội, ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc, trái phiếu Chính phủ, nghiệp vụ thị trường mở... Các thị trường này đã lần lượt ra đời và phát triển và ngày càng phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, để tự do hoá tài chính thành công cần phải đảm bảo những điều kiện cần thiết như: Sự phù hợp về mục tiêu và biện pháp của các chính sách vĩ mô; sự vững mạnh của các định chế tài chính và thị trường tiền tệ; phải có cơ chế giám sát và quản lý thận trọng hoạt động của các ngân hàng; thị trường vốn phải phát triển…
SBV
|