Ông Trần Đắc Sinh - Giám đốc TTGDCK TP.HCM: Khớp lệnh liên tục là “ghê” lắm!
Theo dự kiến, từ 7-5-2007, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ áp dụng phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục. Nhà đầu tư (NĐT) cần chuẩn bị gì với phương thức giao dịch mới?
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Đắc Sinh nói:
- Phương thức khớp lệnh liên tục hiểu một cách đơn giản là lệnh sau khi được nhập vào hệ thống sẽ được so khớp và việc mua bán hình thành ngay tức thì, tức giá cả được xác định liên tục chứ không phải đưa lệnh vào rồi chờ đến một thời điểm nhất định nào đó hệ thống giao dịch mới khớp lệnh như hiện nay.
Nói một cách khác, chúng ta sẽ áp dụng một công cụ mới gọi là lệnh thị trường, theo đó người ra lệnh đặt giá trong phạm vi biên độ +/-5% và chấp nhận mua bán theo giá đã đặt ra (giá hiện hành trên thị trường). Chỉ số VN sẽ nhảy liên tục, và người chơi không thể chờ có ai đó đặt giá thế nào để mình “xuôi” theo. Ngoài ra, khớp lệnh liên tục cũng là một biện pháp nhằm giảm thiểu những tiêu cực trong việc ưu tiên lệnh ở một số công ty chứng khoán hiện nay.
* Như vậy, người chơi phải biết cách “định giá đúng”, nếu không sẽ bị thiệt?
- Đúng vậy! NĐT đang bước vào một giai đoạn thử thách hơn, chuyên nghiệp hơn và phải quyết đoán tức thì. Ví dụ thị trường đang định giá cao cổ phiếu này, nhưng do không biết nên NĐT bán với giá sàn, ngay lập tức sẽ có người mua. Ngược lại, thị trường đang không mặn mà cổ phiếu kia nhưng NĐT đặt mua giá trần, lập tức sẽ có người nhảy ra bán. Rủi ro khi đầu tư theo phương thức khớp lệnh liên tục khá cao, vì thế NĐT phải nghiên cứu thật kỹ rồi hãy tham gia, nếu không sẽ thường xuyên gặp cảnh “mua đắt bán rẻ”. Việc này chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán phải hướng dẫn cho NĐT cặn kẽ để họ có thể nắm rõ luật chơi mới.
* Việc khớp lệnh định kỳ cũng sẽ được duy trì song song?
- Chúng tôi kết hợp cả cái cũ và cái mới. Trong một phiên giao dịch sẽ có ba đợt. Đợt một là khớp lệnh định kỳ để xác định giá mở cửa của thị trường. NĐT có thể đứng trước màn hình để xem người ta bỏ giá thế nào làm cơ sở cho mình ra quyết định. Đợt hai khớp lệnh liên tục là cực kỳ khó khăn, hễ ai bỏ lệnh vào là được khớp ngay sau khi gặp “tín hiệu”. Đợt ba sẽ trở lại khớp lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa của thị trường. Như vậy, NĐT sẽ lựa chọn đưa ra lệnh vào lúc nào thì có lợi cho họ nhất.
* Ông cũng từng nói trung tâm sẽ tiến tới việc giao dịch “không sàn”, bỏ qua giai đoạn gõ thủ công đang gây tình trạng “thắt nút cổ chai” của hệ thống giao dịch hiện nay?
- Kế hoạch nâng cấp sàn giao dịch của chúng tôi gồm ba giai đoạn. Giai đoạn một là khớp lệnh liên tục, mà giao dịch buổi sáng chưa xong thì chúng tôi có thể nghiên cứu mở sang cả buổi chiều.
Ở giai đoạn hai chúng tôi sẽ chuyển một số đại diện tại sàn về lại công ty chứng khoán và nhập lệnh từ đó.
Giai đoạn ba sẽ cho phép NĐT gõ lệnh tại nhà, lệnh đi vào hệ thống công ty chứng khoán, tại đó sẽ được kiểm tra số tiền và cổ phiếu có trong tài khoản, sau đó đi thẳng vào hệ thống giao dịch. Đây là hình thức giao dịch điện tử, dự kiến cuối năm nay sẽ triển khai.
* Nhưng hạ tầng công nghệ của thị trường chứng khoán rõ ràng đang khập khiễng, phần mềm của trung tâm được nâng cấp trong khi các công ty chứng khoán chưa chạy theo kịp?
- NĐT phải sàng lọc, nơi nào có hạ tầng đáp ứng yêu cầu của họ tốt nhất thì họ đến. Chúng tôi sẽ bàn với các công ty chứng khoán để họ chọn đối tác cung cấp các giải pháp phần mềm có thể kết nối với trung tâm.
* Giao dịch của NĐT nước ngoài sẽ như thế nào, thưa ông? Làm sao kiểm soát được tỉ lệ sở hữu của họ khi lệnh cứ “chạy” liên tục như thế?
- Luật chơi đối với NĐT nước ngoài có khác đi một chút. Đối với NĐT trong nước, sau khi lệnh mua bỏ vào hệ thống thì sẽ chờ cho đến khi khớp, còn NĐT nước ngoài nếu không khớp tự động được thì công ty chứng khoán sẽ báo lại ngay để họ đặt lệnh lại.
* Ông có lời khuyên nào cho NĐT cá nhân trong nước không?
- Hãy chuẩn bị chu đáo! Tôi đã gặp nhiều tổ chức đầu tư, họ than nếu NĐT trong nước “cứ thế này” thì họ sẽ bỏ thị trường đi mất. Họ nói họ không thể theo kịp sự thay đổi trong hành vi mua bán của NĐT trong nước, và họ cũng không thể mua với bất kỳ giá nào như cách NĐT trong nước đang làm. Tôi cũng gặp một số NĐT trong nước rồi, trong lòng cũng cảm thấy bất an khi có người bày tỏ tham gia chơi chứng khoán vì vài tháng sau muốn mua một... ngôi nhà. Chính những người này đã làm thị trường không ổn định, muốn mua là mua khiến giá nhiều loại cổ phiếu từ đầu năm đến nay tăng đến 40-50%. Đâu dễ dữ vậy!
Giá chứng khoán tăng lại
Với 71 mã chứng khoán tăng giá, 17 đứng giá và 21 giảm giá trong phiên giao dịch ngày 4-4, chỉ số VN của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã tăng lại 23,37 điểm (2,27%), đạt 1.050,9 điểm.
Nếu như phiên ngày 3-4 một loạt cổ phiếu bluechip mất phong độ đã khiến kịch bản thị trường càng khó đoán định và chỉ số VN giảm mạnh thì phiên giao dịch ngày 4-4, với sự tăng giá của nhiều mã chứng khoán nằm trong nhóm này đã kéo chỉ số VN tăng: đợt 1 chỉ số VN chỉ tăng 3,16 điểm thì đến đợt 2 đã tăng lên 10,03 điểm và kết thúc phiên 3 là 23,37 điểm.
Theo nhiều nhà đầu tư lâu năm, giá cổ phiếu giảm mạnh và không ít nhà đầu tư nhận định đây là mức giá “đầu tư được” và kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi nên đã quyết định mua vào.
Một số qui định đối với việc thực hiện giao dịch khớp lệnh đang được Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM trình lên Ủy ban Chứng khoán nhà nước và khi được phép sẽ áp dụng từ 7-5:
1. Thời gian giao dịch:
+ Từ 8g30 - 9g: khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa
+ Từ 9g - 10g: khớp lệnh liên tục
+ Từ 10g - 10g30: khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa
+ Từ 10g30 - 11g: giao dịch thỏa thuận
+ 11g: đóng cửa
2. Đơn vị giao dịch:
- Đơn vị giao dịch khớp lệnh lô chẵn: 100 cổ phiếu, chứng chỉ quĩ (hiện nay là 10).
- Khối lượng giao dịch thỏa thuận: từ 20.000 cổ phiếu, chứng chỉ quĩ (hiện nay là 10.000).
Tuổi trẻ
|