“Bão thuế quan” của Trump làm rung chuyển chứng khoán toàn cầu, Nikkei 225 giảm hơn 2%
Làn sóng bán tháo cổ phiếu đã lan sang châu Á sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố vẫn giữ mức thuế 25% với Mexico và Canada, làm dấy lên nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các chỉ số chứng khoán tại Sydney, Tokyo và Hồng Kồng đều giảm mạnh vào đầu phiên ngày 04/03 sau khi S&P 500 chứng kiến đợt bán tháo tồi tệ nhất trong năm nay với mức giảm gần 2%.

Vào đầu phiên 04/03, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản rơi 2.43%, trong khi Topix mất 1.48%. Tại Hàn Quốc, Kospi chỉ giảm 0.13%, còn chỉ số vốn hóa nhỏ Kosdaq lùi sâu 1.42%. Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng mở phiên với mức giảm 1.58%.
Giữa tâm bão này, các nhà đầu tư đang ồ ạt chạy đến nơi trú ẩn an toàn - thị trường trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống.
Mới đây, Tổng thống Mỹ tuyên bố Mexico và Canada vẫn sẽ bị áp thuế 25% từ ngày 04/03, đồng thời ký sắc lệnh tăng gấp đôi thuế đối với Trung Quốc lên 20%.
"Không còn chỗ cho Mexico hay Canada nữa", Trump nói với các phóng viên trong ngày 03/03 (giờ Mỹ) khi được hỏi liệu các nước láng giềng Bắc Mỹ có thể đạt được thỏa thuận hay không. "Tất cả đã được định đoạt. Thuế sẽ có hiệu lực vào ngày 04/03".
Các nhà đầu tư ngày càng thận trọng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và nguy cơ xảy ra cuộc chiến “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và các quốc gia.
Ngay trong ngày 04/03, Bộ Thương mại Trung Quốc đã nhanh chóng tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đối phó. Trong khi đó, tờ Global Times tiết lộ Bắc Kinh đang cân nhắc các biện pháp trả đũa nhắm vào sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ.
"Mức độ lo lắng của thị trường đã tăng lên, và chúng tôi thấy các trader phải phản ứng nhanh chóng và linh hoạt", Chris Weston, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone Group Ltd., viết trong một báo cáo. "Dù thế nào đi nữa, biến động trên thị trường đang gia tăng và chúng ta cần chuẩn bị cho các tin tức có thể xuất hiện bất cứ lúc nào”.
Đêm qua, chỉ số S&P 500 giảm 1.8% và chỉ số của nhóm Magnificent Seven (bao gồm 7 công ty công nghệ hàng đầu) giảm 3.1%.
Cũng trong ngày 03/03, Trump cũng tuyên bố sẽ áp thuế lên các sản phẩm nông nghiệp từ nước ngoài bắt đầu từ ngày 02/04, nối tiếp những lời đe dọa áp thuế kể từ khi ông nhậm chức. Ông không nêu chi tiết những sản phẩm nào sẽ bị ảnh hưởng hoặc liệu có bất kỳ ngoại lệ nào không.
* Ông Trump sẽ áp thuế nông sản, kêu gọi nông dân Mỹ hãy "sản xuất thật nhiều"
Điều đó đã đẩy giá khô đậu nành Trung Quốc - được sử dụng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi - tăng 2.6% trong ngày 03/03, là mức tăng cao nhất trong hơn ba tuần. Sự gián đoạn đối với lô hàng đậu nành Mỹ có thể làm giảm nguồn cung ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thị trường tiền tệ cũng không thoát khỏi vòng xoáy. Đồng Đôla Canada và Peso Mexico đồng loạt sụt giảm, trong khi các đồng tiền châu Á đang phát triển như Baht Thái Lan và Won Hàn Quốc đã giảm khoảng 2% trong tuần qua. Trump còn trực tiếp chỉ trích Nhật Bản và Trung Quốc đang đặt Mỹ vào thế bất lợi không công bằng khi họ làm suy yếu đồng tiền của mình.
Giữa bối cảnh này, mọi ánh mắt đang đổ dồn về Bắc Kinh, nơi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc sẽ khai mạc vào ngày 05/03. Giới phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ công bố mục tiêu thâm hụt ngân sách ở mức cao nhất trong hơn ba thập kỷ, bơm hàng ngàn tỷ Nhân dân tệ vào một nền kinh tế đang vật lộn với giảm phát, khủng hoảng bất động sản và giờ đây là cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ở một diễn biến khác, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới, cho biết họ có kế hoạch đầu tư thêm 100 tỷ USD vào các nhà máy tại Mỹ, điều này sẽ thúc đẩy sản lượng chip của họ trên đất Mỹ và hỗ trợ mục tiêu của Trump về việc tăng cường sản xuất trong nước.
Dù vậy, dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn đang gửi những tín hiệu đáng lo ngại. Chỉ số sản xuất công bố trong ngày 03/03 tiếp tục cho thấy sự suy yếu của hoạt động sản xuất, nối tiếp các số liệu đáng thất vọng, từ thị trường nhà ở suy yếu, yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tăng đến chi tiêu cá nhân giảm.
David Solomon, Giám đốc điều hành Goldman Sachs, vẫn lạc quan khi cho rằng có một cơ hội "rất nhỏ" nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, bất chấp bất ổn từ chính sách thương mại toàn cầu.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI - 09:47:57 04/03/2025
|