Thứ Ba, 18/02/2025 09:12

Ngành gỗ 2024: Tăng trưởng không đồng đều, lợi nhuận chia hai ngả

Năm 2024, ngành gỗ Việt Nam đạt kỷ lục xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp "ăn nên làm ra" sau giai đoạn khó khăn, nhưng không ít cái tên vẫn bị chững lại, chật vật với lỗ lũy kế.

Công nhân sản xuất giường xuất khẩu tại Savimex (TP HCM). Ảnh minh họa

Xuất khẩu gỗ lập kỷ lục

Năm 2024 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành gỗ Việt Nam sau giai đoạn chạm đáy năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16.3 tỷ USD, tăng 20.9% so với năm trước, vượt xa mục tiêu 15.2 tỷ USD đề ra. Đây cũng là con số cao kỷ lục, vượt mức 15.8 tỷ USD năm 2022.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 56% tổng trị giá xuất khẩu, kim ngạch đạt 9.1 tỷ USD, tăng 24% so với năm trước. Nhóm 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành gỗ gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU chiếm 87.5% tổng kim ngạch.

Sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu đã tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ trong năm 2024. Tổng doanh thu của 14 doanh nghiệp trên các sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt hơn 17,800 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023. Lãi ròng tăng mạnh 55%, đạt 1,453 tỷ đồng. Biên lãi gộp trung bình của nhóm đạt 20.1%, tăng 0.2 điểm % so với cùng kỳ.

Dù vậy, bức tranh lợi nhuận của ngành gỗ vẫn còn những điểm sáng tối xen kẽ. Mức độ tăng trưởng giữa các doanh nghiệp không đồng đều, có doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng cũng có những doanh nghiệp còn khó khăn, chưa tìm được cơ hội phục hồi.

Ai đang dẫn đầu cuộc đua?

Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (NHT), đạt mức tăng trưởng 4 con số, lãi ròng 20.7 tỷ đồng, tăng tới 3,850% so với năm 2023. Biên lãi gộp cũng phục hồi , đạt 19.6%, tăng 6.7 điểm % so với cùng kỳ. Sự bứt phá này chủ yếu do Công ty tổ chức lại quy mô kinh doanh sau năm 2023 bị suy giảm và công ty con Miền Quê có thu nhập từ hoạt động cho thuê nhà xưởng.

Gỗ Đức Thành (GDT) có biên lãi gộp cao nhất ngành, đạt 40%, tăng 11 điểm % so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 336 tỷ đồng, tăng 8%, giúp lãi ròng tăng 51%, lên 55.4 tỷ đồng. Việc tối ưu hóa chi phí quản lý khi dồn 3 nhà máy thành 1, đồng thời có thêm lợi nhuận từ cho thuê nhà xưởng đã góp phần tăng lợi nhuận ròng.

Phú Tài (PTB) cũng có một năm tăng trưởng. Lãi ròng năm 2024 đạt gần 371 tỷ đồng, tăng 44%, nhờ sản lượng tiêu thụ đá và gỗ tăng, chi phí tài chính giảm và hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.

Mảng gỗ của Phú Tài chiếm 60% tổng doanh thu, đạt 3,629 tỷ đồng, tăng 30%. Biên lãi gộp mảng này cải thiện 2.4 điểm % lên 24.2%. Mảng đá đóng góp 1,778 tỷ đồng doanh thu, giữ ổn định so với năm trước nhưng biên lãi gộp co hẹp từ 28.8% xuống còn 15.1%.

Riêng quý 4, Phú Tài đạt doanh thu kỷ lục 1,936 tỷ đồng, tăng 25%; lãi ròng tăng 436% lên 91.7 tỷ đồng, mức cao nhất trong 2 năm qua, chủ yếu do cùng kỳ năm 2023 Công ty phải trích lập dự phòng công nợ khó đòi của khách hàng Noble House Home Furnishings LLC (Mỹ).

Kết quả kinh doanh hàng quý của PTB giai đoạn 2020-2024

Xuân Hòa (XHC) ghi nhận lãi ròng 53.2 tỷ đồng năm 2024, tăng 40%. Riêng quý 4, lợi nhuận tăng đột biến 778%, dù doanh thu giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng thấp nhưng Công ty đã tiết kiệm các chi phí đã giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Đầu tư BKG Việt Nam (BKG) cũng bứt phá với lãi ròng tăng 149% trong quý 4, giúp cả năm đạt gần 15 tỷ đồng, tăng 41%. Doanh thu đạt 289 tỷ đồng, tăng 55%, là mức tăng trưởng cao nhất trong ngành.

BKG lý giải, do số lượng  thành phẩm tăng lên dẫn đến doanh thu tăng, trong khi các chi phí khác đều không có sự biến động nhiều so với cùng kỳ, qua đó lợi nhuận ròng tăng.

Ai đã trở lại sau khủng hoảng...

Năm 2024 cũng chứng kiến sự khởi sắc của một số doanh nghiệp sau giai đoạn thua lỗ, như Savimex (SAV) đạt lãi ròng 54 tỷ đồng sau khi lỗ 10 tỷ đồng năm trước.

Gỗ Trường Thành (TTF) lãi 12.5 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 134 tỷ đồng năm 2023, nhưng vẫn còn gánh nặng lỗ lũy kế hơn 3,234 tỷ đồng, kéo dài từ những năm thua lỗ trước đây. TTF vẫn trong quá trình tái cấu trúc và tìm kiếm đơn hàng mới tại EU, Mỹ và châu Á. Công ty cũng bắt đầu tham gia các dự án bất động sản của các chủ đầu tư lớn.

Doanh nghiệp của "đại gia" Mai Hữu Tín đã liên tục thua lỗ từ năm 2016-2023

Sao Thái Dương (SJF) lãi 5.1 tỷ đồng sau khi lỗ 39 tỷ đồng năm trước. Còn Gỗ MDF VRG - Quảng Trị (MDF) lãi 3.4 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ 25 tỷ đồng. Sự phục hồi này cho thấy tín hiệu tích cực, nhưng vẫn cần thêm thời gian để đạt mức tăng trưởng ổn định.

…ai còn chậm nhịp?

Gỗ An Cường (ACG) tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận ngành với 420 tỷ đồng, nhưng chỉ tăng nhẹ 2% so với năm trước. Riêng quý 4, lãi ròng giảm 44% do gia tăng chi phí dự phòng và  nhân sự.

Trong bối cảnh kinh doanh đi xuống, ACG gây bất ngờ khi thông báo chấm dứt hoạt động của chi nhánh 5 của Công ty tại Bình Hưng Hòa, Bình Tân, TPHCM kể từ ngày 10/02/2025, với lý do sắp xếp lại bộ máy hoạt động.

Pisico Bình Định (PIS)Gỗ Thuận An (GTA) có lợi nhuận giảm lần lượt 14% và 17%, chủ yếu do giá cước vận tải biến động, gây khó khăn trong sắp xếp kế hoạch xuất hàng.

Ngành gỗ 2025 sẽ tiến nhanh hay chững lại?

Đánh giá triển vọng năm 2025, Chứng khoán MB (MBS) nhận định thị trường nhà ở Mỹ phục hồi sẽ tiếp tục là động lực chính giúp xuất khẩu gỗ Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.

MBS kỳ vọng các chính sách thuế của nhiệm kỳ Tổng thống Trump về trung và dài hạn sẽ giúp các sản phẩm gỗ của Việt Nam giành thêm thị phần từ xu hướng chuyển dịch của người tiêu dùng tại Mỹ. Ngoài ra, giá cước vận chuyển giảm kết hợp với nhu cầu tăng cao dự kiến sẽ giúp cải thiện lượng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Chứng khoán FPT (FTS) dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ năm 2025 có thể đạt 18.3 tỷ USD, tăng 13.5% so với cùng kỳ, tương đương mức 91.5% kế hoạch kim ngạch 20 tỷ USD theo Đề án phát triển ngành tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/03/2022.

Điểm rơi tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu dự kiến trong quý 2 và quý 3/2025 dưới kịch bản các chính sách áp thuế của Mỹ với Trung Quốc được triển khai trong thời gian này cùng với xu hướng gia tăng đơn đặt hàng để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Thế Mạnh

FILI - 08:10:51 18/02/2025

Các tin tức khác

>   Hai “sắc thái” lợi nhuận của ngành cao su (17/02/2025)

>   KBC lên kế hoạch lãi năm 2025 gấp 7 lần năm trước (14/02/2025)

>   "Mưa" cổ tức từ nhóm doanh nghiệp sách, NXB Giáo dục Việt Nam "bội thu" (14/02/2025)

>   Chủ thương hiệu Điện Quang lỗ kỷ lục do tăng trích lập dự phòng (14/02/2025)

>   Lợi nhuận ngân hàng 2024 tiếp tục vượt đỉnh, trông chờ gì ở năm 2025? (14/02/2025)

>   HPD: Báo cáo tài chính năm 2024 (14/02/2025)

>   POB: Nghị quyết Hội đồng quản trị (14/02/2025)

>   POB: Nghị quyết Hội đồng quản trị (14/02/2025)

>   Sanest Khánh Hòa báo lãi thấp nhất 7 năm, đặt kế hoạch hồi phục trong 2025 (14/02/2025)

>   NOS: Nghị quyết Hội đồng quản trị (14/02/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật