Chủ thương hiệu Điện Quang lỗ kỷ lục do tăng trích lập dự phòng
CTCP Tập đoàn Điện Quang (HOSE: DQC) - đơn vị gắn liền với câu khẩu hiệu “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” - lỗ ròng gần 103 tỷ đồng trong năm 2024, mức cao nhất từ trước đến nay.
Doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chủ yếu do trích lập dự phòng hàng tồn kho, nợ khó đòi và đầu tư tài chính, dù không công bố chi tiết.
Riêng quý 4/2024, doanh thu DQC đạt 229 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, nhưng trích lập dự phòng hàng tồn kho có thể là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 31.4% xuống 24.2%. Tương tự, dự phòng nợ phải thu khó đòi khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến 477% lên gần 126 tỷ đồng, làm lỗ ròng nặng 97 tỷ đồng.
Tính chung cả năm, DQC lỗ ròng 103 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Doanh thu năm 2024 đạt 819 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2023, và là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại, chỉ thực hiện được 83% kế hoạch. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng theo đó cũng không khả thi.
Cuối năm 2024, tổng tài sản của Doanh nghiệp ở mức 1,334 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Khoản dự phòng phải thu khó đòi tăng mạnh từ 11 tỷ đồng lên 115 tỷ đồng, nhưng không được thuyết minh cụ thể. Việc trả cổ tức cùng khoản lỗ lớn khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 70 tỷ đồng, làm cổ phiếu DQC đứng trước nguy cơ bị cảnh báo.
Lợi nhuận DQC liên tục đi xuống từ năm 2014 |
|
Lợi nhuận DQC đạt đỉnh vào năm 2014, sau đó liên tục giảm, chỉ còn 14 tỷ đồng vào năm 2022 trước khi thua lỗ 2 năm liên tiếp. Cổ phiếu DQC cũng mất giá mạnh, hiện giao dịch quanh mức 11,000 đồng/cp (sau điều chỉnh), thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ và giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh hơn 60,000 đồng/cp.
DQC từng bị Cơ quan CSĐT Công an thành phố Biên Hòa khởi tố vụ án vào năm 2022 để điều tra hành vi gây ô nhiễm môi trường tại Xí nghiệp Đèn ống ở KCN Biên Hòa 1 (Đồng Nai). Đây cũng có thể xem là một trong những yếu tố khiến giá cổ phiếu lao dốc trong thời gian qua.
Thành lập năm 1973, DQC ban đầu là nhà máy sản xuất bóng đèn thuộc sở hữu của Nhà nước trước khi trở thành công ty cổ phần vào năm 2005 và niêm yết trên HOSE năm 2008. Những năm gần đây, tình hình kinh doanh sa sút trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn, buộc Doanh nghiệp phải tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài. Một trong những dự án chiến lược được nhắc đến là cung cấp thiết bị chiếu sáng cho sân bay quốc tế Phnom Penh (Campuchia), dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Trước áp lực kinh doanh, DQC tái cấu trúc theo hướng tập đoàn công nghệ với 5 lĩnh vực gồm chiếu sáng, điều khiển thông minh, gia dụng, thiết bị điện và năng lượng mặt trời. Ba mảng kinh doanh chính bao gồm B2C phục vụ người tiêu dùng, B2B dành cho doanh nghiệp và tổ chức, cùng B2O tập trung vào công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu. Năm 2023, Công ty đổi tên từ CTCP Bóng đèn Điện Quang thành CTCP Tập đoàn Điện Quang nhằm phản ánh mô hình hoạt động mới.
Nói về khoản lỗ năm 2023, Chủ tịch HĐQT DQC Hồ Quỳnh Hưng từng chia sẻ ngành bất động sản đi xuống khiến kinh doanh không thuận lợi, việc bán hàng gặp khó khăn. Dù vậy, ông nhấn mạnh các đối tác nước ngoài đánh giá cao năng lực đầu tư của Doanh nghiệp, đồng thời kỳ vọng việc mở rộng đầu tư sẽ mang lại kết quả tích cực trong năm 2025. "Muốn hái quả thì phải đợi đến năm 2025", ông Hưng phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Kinh doanh thua lỗ và đơn vị thành viên bị điều tra khiến DQC mãi "dậm chân" quanh mệnh giá |
|
Tử Kính
FILI - 11:19:30 14/02/2025
|