Bà Hoàng Việt Phương (SSI): Yếu tố nội tại sẽ giúp chứng khoán Việt Nam tích cực hơn trong năm 2025
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo 2025 là năm khó lường đối với kinh tế thế giới và kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ có sự biến động mạnh - theo sát hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các chính sách mới từ Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng với vĩ mô và thị trường chứng khoán (TTCK).
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI
|
Chứng khoán kỳ vọng vào nội tại của nền kinh tế
Sang năm 2025, tình hình vĩ mô toàn cầu có tác động thuận lợi tới TTCK Việt Nam không, thưa bà? Dòng vốn ngoại liệu sẽ quay lại thị trường Việt Nam trong năm tới?
Bà Hoàng Việt Phương: 2025 chưa phải là năm tích cực đối với bối cảnh vĩ mô toàn cầu - khi kỳ vọng tăng trưởng của các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, chậm lại và những rủi ro bất định liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Trump hay rủi ro về địa chính trị.
Tuy nhiên, điểm sáng từ sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam hay sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc sẽ là yếu tố giúp TTCK Việt Nam duy trì được câu chuyện riêng, bên cạnh câu chuyện nâng hạng. Đây là các yếu tố có thể thu hút dòng tiền khối ngoại quay trở lại Việt Nam trong năm 2025, khi dòng tiền chuyển dịch tìm tới thị trường đang phát triển.
Bà đánh giá mức độ rủi ro từ biến động tỷ giá đối với TTCK Việt Nam năm 2025 ra sao?
Như đã đề cập, 2025 là năm khó lường đối với kinh tế thế giới và kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ có sự biến động mạnh. Biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng mạnh tới tâm lý đầu tư. Tuy nhiên, điểm tích cực là NHNN sẽ tiếp tục chính sách điều hành một cách linh hoạt, tương tự năm 2024 vừa qua, nhằm duy trì lãi suất ở mức hợp lý trong khi chính sách tài khóa nghiêng về trạng thái mở rộng.
Làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc liệu có mang lại cơ hội đáng kể nào cho Việt Nam? Ngoài ra, nhiệm kỳ Tổng thống Trump tiếp theo có thể tác động gì đến kinh tế vĩ mô và TTCK?
Câu chuyện về làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng được kỳ vọng sẽ tiếp diễn, nhưng sẽ có sự chọn lọc hơn giai đoạn trước, khi các chính sách ưu đãi của Chính phủ đang tập trung thu hút dòng vốn FDI chất lượng vào lĩnh vực công nghệ cao và đầu tư xanh. Điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng để có thể trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước thu nhập cao vào năm 2045.
Hiện nay, các chính sách dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump tiếp theo vẫn chưa được công bố rõ ràng, đặc biệt là chính sách thuế quan. Nhưng nhìn chung, điều này sẽ đem lại cả thách thức và cơ hội đối với Việt Nam, khi khả năng Việt Nam nằm trong nhóm bị đánh thuế cao hơn là có thể, vì cán cân thặng dư lớn với Mỹ.
Trước mắt, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có thể hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh nhập hàng trước khi chính sách thuế quan được công bố. Về trung và dài hạn, với lợi thế về địa lý và chính sách ngoại giao linh hoạt, nhóm bất động sản khu công nghiệp có khả năng là ngành hưởng lợi lớn nhất.
Khả năng Fed cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với TTCK Việt Nam trong năm 2025?
Cuộc họp FOMC gần nhất đã đưa ra tín hiệu Fed sẽ giảm tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm 2025, với việc chỉ thực hiện 2 đợt cắt giảm do tỷ lệ thất nghiệp tương đối ổn định và lạm phát gần đây không có nhiều cải thiện.
Chính sách thận trọng của Fed trước mắt sẽ có tác động không tích cực tới tỷ giá USD/VND; từ đó, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, nhằm ổn định cân đối vĩ mô. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất ở Mỹ, nếu duy trì ở mức cao thì vẫn đủ sức hấp dẫn khiến dòng tiền đầu tư khó chuyển hướng sang các quốc gia khác, đặc biệt là thị trường đang phát triển.
Theo bà, TTCK Việt Nam có triển vọng ấm trở lại trong năm 2025 không? Những yếu tố nào sẽ hỗ trợ dòng tiền quay trở lại thị trường?
Trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài khó lường, các động lực từ nội tại được kỳ vọng sẽ giúp TTCK Việt Nam tích cực hơn trong năm 2025. Trong đó, chính sách tiền tệ linh hoạt (tăng trưởng tín dụng từ 15% trở lên) và chính sách tài khóa nới lỏng (tăng trưởng đầu tư công ước tính khoảng 17%) sẽ là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng; giúp tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có sự bứt phá trong năm 2025, với ước tính từ SSI là tăng gần 20% và có sự phân bố đồng đều hơn giữa các nhóm ngành.
Các nỗ lực từ cơ quan quản lý thị trường và đánh giá tích cực của FTSE Russell sẽ là yếu tố có thể thu hút dòng tiền khối ngoại quay trở lại Việt Nam trong năm 2025 với câu chuyện nâng hạng, khi dòng tiền chuyển dịch tìm tới thị trường đang phát triển.
Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ mở ra cơ hội cho các sản phẩm mới
Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ có tác động cụ thể như thế nào đến TTCK trong năm 2025 và xa hơn là cho trung và dài hạn?
Quốc hội, trong kỳ họp thứ 8 vừa qua, theo quy trình rút gọn, đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực tài chính, trong đó có Luật Chứng khoán. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Chứng khoán, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vốn, để đạt các mục tiêu trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 (Quyết định 1726/QĐ-TTg).
Các điều khoản làm rõ quy định có hiệu lực ngày từ 1/1/2025 liên quan đến hành vi thao túng TTCK hay nâng cao trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân tư vấn, kiểm toán trong quá trình phát hành và chào bán chứng khoán, nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và tăng tính minh bạch cho thị trường.
Các sửa đổi về quy định giao dịch và phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và riêng lẻ giúp tạo nền tảng để thị trường phát triển bền vững sau những đổ vỡ trong năm 2022.
Đặc biệt, Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung quy định nền tảng trong hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) - một bước tiến gần hơn đến việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế và mở ra cơ hội với các sản phẩm mới trên thị trường như bán khống...
Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ thúc đẩy việc nâng hạng thị trường như thế nào? Các thay đổi chính sách có thể trở thành nền tảng để Việt Nam nâng hạng thị trường trong năm 2025 không?
Trên thực tế, cơ sở để Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell trong năm 2025 không cần đến việc áp dụng các quy định mới trong Luật Chứng khoán sửa đổi vừa qua. Chính phủ, Bộ Tài Chính, UBCK và các thành viên thị trường đã có nhiều nỗ lực nhằm triển khai Thông tư 68 liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền - 1 trong 2 tiêu chí mà Việt Nam chưa đạt được. Bước tiếp theo là việc xử lý các giao dịch thất bại - tiêu chí cuối cùng để FTSE Russell xem xét ra quyết định nâng hạng với Việt Nam.
Việc sửa đổi Luật Chứng khoán đã tạo tiền đề pháp lý cho mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán và đồng thời với việc sửa đổi Nghị định 155/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán sẽ có mục tiêu xa hơn, bao gồm giới thiệu các sản phẩm giao dịch mới đến thị trường và từng bước thỏa mãn các tiêu chí trong việc nâng hạng của MSCI.
VN-Index hướng đến ngưỡng 1,450 điểm
Bà dự báo 2 chỉ số chính trên TTCK (VN-Index và HNX-Index) sẽ chạm mức cao nhất trong năm 2025 là bao nhiêu?
VN-Index có khả năng hướng đến ngưỡng quanh 1,450 điểm trong năm 2025, dựa trên triển vọng Việt Nam được nâng hạng và lợi nhuận sau thuế của các công ty trong danh sách theo dõi của SSI tăng 18-20% trong năm 2025.
Sự kiện/vấn đề trong nước nào bà cho rằng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến TTCK Việt Nam năm 2025?
Hệ thống KRX dự báo vận hành trong nửa đầu 2025 sẽ là bước tiến tiếp theo trong hành trình đưa TTCK Việt Nam được nâng hạng. Dự kiến thị trường Việt Nam có khả năng được nâng hạng bởi FTSE Russel vào tháng 9/2025.
Thanh khoản trung bình thị trường có thể đạt năm 2025?
Thanh khoản trung bình toàn thị trường đạt gần 18 ngàn tỷ đồng/phiên trong 6 tháng cuối năm 2024. Hiện tại, có thể dự báo vào năm 2025, thanh khoản bình quân thị trường có thể biến động và tăng nhẹ quanh mức này.
Theo bà, mức định giá của TTCK Việt Nam đang là đắt hay rẻ?
Định giá P/E của VN-Index đang ở mức 11.8 lần dựa trên ước tính lợi nhuận 1 năm tới, thấp hơn mức 13 lần của bình quân 5 năm. Mức định giá này là rẻ khi đặt trong bối cảnh có những diễn biến tích cực về cải cách và phát triển kinh tế trong năm 2025 và giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Nhóm ngành nào sẽ là điểm sáng trong năm 2025?
Công nghệ thông tin, bất động sản, đầu tư công và các ngành có liên quan là các nhóm ngành có thể diễn biến nổi bật trong năm 2025.
|
Chí Kiên
FILI - 08:00:00 03/02/2025
|