Thứ Sáu, 10/01/2025 11:25

Triển vọng tích cực của ngành ngân hàng năm 2025 

Báo cáo mới nhất của VinaCapital cho rằng cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá vượt trội so với VN-Index trong năm 2024, kỳ vọng giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt, nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn và mức định giá thấp (1.3x P/B so với 16% ROE).

Cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng 40% trong VN-Index và trong năm 2024, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng vượt trội so với VN-Index. VinaCapital tin rằng giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt nhờ tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn, nhất là khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam dịch chuyển từ xuất khẩu và du lịch vào năm 2024 sang tiêu dùng, hạ tầng và bất động sản vào năm 2025.

 

VinaCapital dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm nay sẽ chậm lại, bù lại tăng trưởng của các yếu tố trong nước như đầu tư hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng sẽ cải thiện. Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều tới các ngân hàng trong nước. Hơn nữa, các ngân hàng vẫn sẽ là bên hưởng lợi từ sự chuyển dịch sang tăng trưởng GDP nhờ vào các yếu tố nội tại vì:

  • Ngân hàng Việt Nam tài trợ gần như tất cả lĩnh vực của nền kinh tế trong nước.
  • Ngân hàng cũng cho vay nhiều đối với bất động sản và tiêu dùng, những lĩnh vực sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2025.

VinaCapital kỳ vọng Chính phủ có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường bất động sản, nhờ đó dự kiến tăng trưởng cho vay mua nhà có thể tăng gấp đôi từ khoảng 10% năm trước lên gần 20% năm nay. Thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, kéo theo các mảng cho vay tiêu dùng có biên lãi ròng cao như cho vay mua ô tô và mua sắm trả góp. Sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục cải thiện tâm lý tiêu dùng và thúc đẩy cho vay tiêu dùng.

Chính phủ cũng dự định hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nhờ đó kỳ vọng mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tổng hòa của việc đẩy mạnh đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, củng cố biên lãi ròng (NIM) và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Cải thiện chất lượng tài sản và cơ cấu cho vay

VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng 17% trong năm nay, nhờ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15% và NIM tăng nhẹ (tăng 6 điểm cơ bản so với năm trước lên 355 điểm cơ bản). Chất lượng tài sản tiếp tục phục hồi cũng như những cải thiện trong cơ cấu cho vay cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngành. 

Dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025, trong đó tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến tăng tốc từ khoảng 12% năm trước lên 15% năm nay. Kỳ vọng năm nay, các ngân hàng sẽ cho vay dài hạn nhiều hơn thông qua việc cho vay các dự án hạ tầng vốn có kỳ hạn dài. Việc mở rộng sang cho vay dài hạn này sẽ hỗ trợ NIM, do ngân hàng thường thu được chênh lệch lãi suất từ việc huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn.

Cuối cùng, cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến tiếp tục dẫn dắt, nhất là khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn (trước đây, các trái phiếu này đã được các công ty bất động sản phát hành cho các nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư khác ngoài ngân hàng).

NIM chịu ảnh hưởng từ những yếu tố trái chiều

VinaCapital kỳ vọng NIM của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong năm 2025. Cho vay cá nhân và cho vay hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy NIM, cũng như sự phục hồi của thị trường bất động sản có nghĩa là các ngân hàng sẽ không cần tiếp tục tài trợ ở mức lãi suất thấp cho những khách hàng đang gặp khó khăn nữa. Sang năm 2025, nhu cầu tín dụng phục hồi kỳ vọng giúp các ngân hàng lấp đầy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thực chất hơn, giảm bớt áp lực lên NIM.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 25/12/2024 đã cao hơn tăng trưởng tiền gửi tới 5 điểm phần trăm (tăng trưởng cho vay khoảng 14% so với đầu năm, còn tăng trưởng tiền gửi chỉ ở mức 9%), gây ra áp lực tăng lên lãi suất tiền gửi. Tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay có thể được mô tả là “thắt chặt nhưng không đến mức căng thẳng”. Cần lưu ý, sự mất giá của VNĐ (5% trong năm 2024) cũng đang tạo áp lực tăng đối với lãi suất tiền gửi, và mức lạm phát trung bình 3.6% trong năm 2024 không tác động đáng kể đến lãi suất tiền gửi.

VinaCapital cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trung bình của ngành ngân hàng sẽ tăng 50-70 điểm cơ bản trong năm nay, lên gần 5% vào cuối năm 2025. Mức tăng nhẹ này của lãi suất tiền gửi nghĩa là NIM chỉ có thể tăng nhẹ trong năm 2025.

Chất lượng tài sản cải thiện

Áp lực về chất lượng tài sản của các ngân hàng đã tăng mạnh vào năm 2023, sau sự kiện của Ngân hàng SCB vào cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chính thức toàn hệ thống (không tính các ngân hàng yếu kém) dao động quanh mức 2% kể từ đó, phần nào nhờ một số biện pháp gia hạn nợ. Đến nay, có nhiều dấu hiệu tích cực (như tỷ lệ nợ nhóm 2 và tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm) cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành khả năng cao bắt đầu giảm. Ngoài ra, một số ngân hàng đã bắt đầu ghi nhận thu nhập từ việc thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý, nguồn đóng góp vào khoảng 10% tổng lợi nhuận của ngành trong năm 2024. Các yếu tố này cho thấy áp lực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng đã thuyên giảm.

Các khoản thu từ nợ đã xử lý này được tính vào thu nhập ngoài lãi, chiếm khoảng 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. VinaCapital kỳ vọng thu nhập ngoài lãi tăng hơn 10% trong năm nay, nhờ các khoản thu từ nợ đã xử lý và các nguồn khác như phí môi giới bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí tín dụng (được tính bằng chi phí dự phòng/tổng dư nợ) có thể chỉ giảm nhẹ từ 1.3% năm ngoái xuống còn 1.2% năm nay. Điều này do tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) bình quân của các ngân hàng đã giảm từ trên 150% khoảng 2 năm trước xuống còn khoảng 100% hiện nay (nếu xét mức trung vị của LLR thì mức này khoảng 70% và một số ngân hàng có LLR thấp hơn nhiều so với mức 100%).

Trước đó, các ngân hàng đã trích lập khá nhiều dự phòng trước khi xảy ra sự kiện của SCB, sau đó giảm dần tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu trong các năm 2023-2024 để tiết chế chi phí dự phòng và duy trì lợi nhuận báo cáo không bị ảnh hưởng quá lớn trong bối cảnh khó khăn. Các ngân hàng sẽ cần bắt đầu bồi đắp LLR trở lại, đó là lý do tại sao VinaCapital không kỳ vọng chi phí tín dụng giảm mạnh trong năm nay, mặc dù chất lượng tài sản dự kiến được cải thiện.

Cổ phiếu ngân hàng tiềm năng

Cổ phiếu các ngân hàng ở Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức P/B 1.3 lần với dự phóng cho năm 2025, cùng tỷ lệ ROE dự phóng ở mức 16%. Mức P/B này đang thấp hơn gần 2 độ lệch chuẩn so với mức P/B trung bình quá khứ 5 năm của ngành ngân hàng.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến định giá ngân hàng ở mức rẻ là do giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FOL) đối với ngân hàng chỉ 30%, khiến các nhà đầu tư cá nhân trong nước trở thành người có vai trò chủ đạo trong việc quyết định giá cổ phiếu ngân hàng.

Việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng cũng được định hướng dựa trên kỳ vọng về triển vọng kinh tế trong nước năm nay - rằng tăng trưởng của các yếu tố nội tại sẽ có lợi cho hầu hết các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng cho vay lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng cao, cũng như những ngân hàng cho vay các dự án hạ tầng (như ngân hàng quốc doanh).

Nhìn chung, cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá vượt trội so với VN-Index trong năm 2024, và VinaCapital kỳ vọng giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt, nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn và mức định giá thấp (1.3x P/B so với 16% ROE). Dù vậy, diễn biến giá cổ phiếu của từng ngân hàng riêng lẻ dự kiến có sự phân hóa rõ rệt do những khác biệt lớn về định giá, chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận. 

Hàn Đông

FILI - 10:23:06 10/01/2025

Các tin tức khác

>   SSI Research: Cải cách mạnh mẽ và kỳ vọng nâng hạng giúp VN-Index chạm 1,450 điểm (10/01/2025)

>   Góc nhìn 10/01: Xu hướng giảm chiếm ưu thế? (09/01/2025)

>   TPS Research: 3 kịch bản cho VN-Index năm 2025, từ thấp nhất 1,080 đến cao nhất 1,450 (09/01/2025)

>   SGI Capital cảnh báo nguy cơ “vỡ mộng” vốn ngoại dù thị trường được nâng hạng (09/01/2025)

>   Góc nhìn 09/01: Nên thận trọng và hạn chế mua? (08/01/2025)

>   Vietstock LIVE #15: Đầu tư gì trong năm 2025? (08/01/2025)

>   Góc nhìn 08/01: Ưu tiên sự thận trọng (07/01/2025)

>   Doanh số bán hàng 2025 của các chủ đầu tư niêm yết sẽ đến từ những dự án nào? (07/01/2025)

>   Giá căn hộ mới tại TPHCM, Hà Nội dự kiến tăng 5% và 8% trong năm 2025? (07/01/2025)

>   Thị trường chứng khoán 2025: Vươn mình (08/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật