Hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể phải tham gia BHXH bắt buộc?
Luật BHXH hiện hành không bắt buộc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, từ 1/7/2025 khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực, đây là nhóm đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc.
Số lượng lớn nhưng thu nhập không ổn định
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp sáu lần số doanh nghiệp với 1,7 triệu hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đang đóng thuế.
Hiện nay, hộ kinh doanh cá thể chưa phải đóng BHXH bắt buộc, chỉ có rất ít hộ tham gia BHXH tự nguyện.
Để tăng diện bao phủ của chính sách BHXH, Luật BHXH mới đưa đối tượng này vào diện bắt buộc tham gia BHXH. Tuy nhiên, nhóm chủ hộ kinh doanh được xem là khá phong phú và đa dạng, do vậy luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Nhiều hộ kinh doanh cá thể có mức thu nhập không ổn định. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Vũ.
|
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, theo quy định của Luật BHXH mới, từ 1/7/2025 các hộ kinh doanh cá thể là nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, do nhóm này thu nhập không ổn định, vì vậy nếu quy định mức đóng bắt buộc như các nhóm khác sẽ rất khó khăn.
BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH đánh giá mức thu nhập của các nhóm đối tượng hộ kinh doanh cá thể để có chính sách phù hợp, lộ trình nhất định để việc tham gia BHXH bắt buộc của các hộ kinh doanh cá thể mang tính khả thi.
“Nghị định nên xây dựng theo hướng có lộ trình quy định các mức tham gia với nhóm nào trước, nhóm nào tham gia sau. Việc này có thể đánh giá qua số liệu thuế từ các ngành nghề, nhóm hộ kinh doanh”, ông Hào cho biết.
Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Phương án 1, chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai mà có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.
Phương án 2, chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.
Đại diện BHXH tỉnh Ninh Bình đề xuất nên chọn phương án người tham gia BHXH bắt buộc là “Chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai”. Bởi đây là nhóm có thu nhập ổn định.
Đóng mức nào để mọi đối tượng đều có thể tham gia?
Chị Nguyễn Thị Xuân ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) là chủ một cửa hàng buôn bán tạp hoá chia sẻ, theo quy định của Luật BHXH mới, từ 1/7/2025 tất cả hộ kinh doanh cá thể đều phải đóng BHXH bắt buộc.
Thế nhưng, do thu nhập từ hoạt động kinh doanh của gia đình không ổn định nên việc quy định bắt buộc tham gia BHXH thực sự là khó khăn không nhỏ. Chị cho rằng, việc đóng tự nguyện sẽ phù hợp hơn.
Đồng quan điểm, anh Hồ Ngọc Đại, chủ hộ kinh doanh quán ăn ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, do các hộ kinh doanh cá thể thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định, do vậy nên quy định đóng BHXH tự nguyện thay vì bắt buộc sẽ phù hợp hơn. Trong trường hợp Luật bắt buộc phải đóng thì chỉ nên quy định mức thấp để chủ hộ kinh doanh tham gia không bị gián đoạn.
Theo đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), mức đóng của chủ hộ kinh doanh đã được quy định rõ trong Luật BHXH 2024. Theo đó, chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Vũ Điệp
VietNamNet
|