Thứ Sáu, 03/01/2025 10:02

Cưỡng ép khách hàng mua bảo hiểm sẽ bị phạt 100 triệu đồng

Doanh nghiệp bảo hiểm không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm hoặc đe dọa, cưỡng ép mua bảo hiểm sẽ bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2025.

Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền. Mức xử phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.

Đe doạ, cưỡng ép khách hàng mua bảo hiểm bị phạt từ 60 đến 100 triệu đồng. Ảnh minh hoạ.

Đe doạ, cưỡng ép mua bảo hiểm bị phạt từ 60 đến 100 triệu đồng

Nghị định nêu rõ, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua; hoặc đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm sẽ bị xử phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Ngoài ra, nếu không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm, không cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm cũng sẽ bị xử phạt tương tự. Biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu và giải thích đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm cho bên mua.

Thông đồng thụ hưởng bảo hiểm trái quy định bị phạt từ 20 đến 200 triệu đồng

Nghị định cũng quy định mức xử phạt vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm. Hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; hay giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu số tiền chiếm đoạt dưới 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 20 triệu đồng.

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 10 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.

Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng với số tiền chiếm đoạt từ 15 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng với các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm của pháp nhân thương mại mà số tiền chiếm đoạt dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 400 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm buộc hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.

Nghị định 174 nêu rõ quy định phạt từ 140 triệu đồng đến 180 triệu đồng đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm vi phạm quy định về người quản lý, bao gồm Phó Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng hoặc trưởng bộ phận nghiệp vụ không đáp ứng tiêu chuẩn theo luật; Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Tổng giám đốc không đủ tiêu chuẩn theo quy định; thay đổi các vị trí quản lý mà không có sự chấp thuận của Bộ Tài chính.

Đối với hành vi quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt 80-100 triệu đồng.

Theo quy định cũ, các hành vi như cung cấp tài liệu giới thiệu sản phẩm hay tài liệu minh họa không rõ ràng và chính xác cho người mua bảo hiểm chỉ bị xử phạt cảnh cáo. Các hành vi như không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc không thông báo tình trạng hợp đồng cho khách hàng cũng chỉ chịu mức phạt 40-50 triệu đồng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh. Trong đó, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Năm vừa rồi, Bộ Tài chính thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 2 đơn vị bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với ngân hàng là Mirae Asset Prévoir và Cathay Life Việt Nam

Minh Trúc

PLTPHCM - 18:04:00 02/01/2025

Các tin tức khác

>   Không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm các quyền lợi bị phạt tới 100 triệu đồng (02/01/2025)

>   Tin vui cho người tham gia BHXH tự nguyện: Đề xuất hỗ trợ 50% với hộ nghèo (25/12/2024)

>   Nợ bảo hiểm xã hội 28 tỉ, công ty đóng tàu mở thủ tục phá sản (09/12/2024)

>   Doanh thu bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm (06/12/2024)

>   Đề xuất 2 phương án hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (05/12/2024)

>   Đề xuất Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm tự nguyện tới 50% (29/11/2024)

>   Ép mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc bị phạt tới 500 triệu đồng (28/11/2024)

>   Quyền lợi của người tham gia BHYT từ đầu năm 2025 có gì đáng chú ý? (26/11/2024)

>   Hãng bảo hiểm làm khó chủ xe (17/11/2024)

>   Chốt mức đóng bảo hiểm tai nạn với lao động tự do từ 1/1/2025 (14/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật