Thị trường bảo hiểm Việt Nam: “Sau cơn mưa, trời lại sáng”
Năm 2024 là một năm của thách thức và điều chỉnh, nhưng đó cũng chính là tiền đề để năm 2025 trở thành giai đoạn phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Sự kết hợp giữa quy định pháp lý chặt chẽ, minh bạch cùng chiến lược kinh doanh linh hoạt và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ định hình một ngành bảo hiểm đóng vai trò không thể thay thế trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiều giải pháp ngăn chặn sự sụp đổ niềm tin
Tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm Phạm Thu Phương cho biết, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính qua giai đoạn 2023-2024 là giai đoạn có nhiều khó khăn và biến động đối với thị trường bảo hiểm và đạt được nhiều kết quả theo hướng phát triển chất lượng hơn, minh bạch, bền vững hơn. Dù tốc độ phục hồi còn chậm, đã có những tín hiệu về triển vọng tích cực của thị trường.
Năm 2024, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm tiếp tục rà soát, hoàn thiện để trình Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, Cục đã tham mưu, trình Bộ ban hành sửa đổi, bổ sung 1 thông tư quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Cục cũng đã trình Bộ cấp phép thành lập và hoạt động đối với 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 3 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, tính chung năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 227.5 nghìn tỷ đồng, giảm 0.25% so với năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt 149.2 nghìn tỷ đồng, giảm 5%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 78.3 nghìn tỷ đồng, tăng 10.2%.
Tính đến hết năm 2024, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 93.9 nghìn tỷ đồng, tăng 15.766% so với năm 2023. Trong đó, chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.5 nghìn tỷ đồng, giảm 6.3%; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 71.4 nghìn tỷ đồng, tăng 25%.
Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước tăng 13.1% so với năm 2023; tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới tăng 8.3%; tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng 10.8%.
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Nguyễn Trãi
|
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Nguyễn Trãi đánh giá, thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2024 đã trải qua những thay đổi quan trọng với tác động từ các cuộc thanh tra toàn diện và quy định cấm bán bảo hiểm kèm khoản vay. Đây không chỉ là sự điều chỉnh mang tính pháp lý mà còn là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự minh bạch, bảo vệ lợi ích của người dân và khách hàng khi tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm. Những biện pháp này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thị trường bảo hiểm trước đây gặp phải nhiều phản ánh tiêu cực, như việc bán bảo hiểm kèm khoản vay không rõ ràng hoặc quyền lợi của khách hàng không được đảm bảo.
Việc thanh tra đã tạo áp lực lớn, buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải rà soát lại toàn bộ quy trình kinh doanh và cải thiện chất lượng dịch vụ. Đồng thời, việc cấm bán bảo hiểm kèm khoản vay giúp loại bỏ những sản phẩm không cần thiết hoặc áp đặt; giúp khách hàng hiểu rõ và có sự lựa chọn phù hợp hơn. Mặc dù tác động ngắn hạn có thể dẫn đến sự sụt giảm doanh thu, chính những biện pháp này đã ngăn chặn được sự đổ vỡ niềm tin - yếu tố có thể làm chậm lại hoặc thậm chí hủy hoại sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Trong năm 2024, bão Yagi cũng tạo ra những thách thức lớn với ngành bảo hiểm. Đây là một trong những cơn bão gây thiệt hại nghiêm trọng nhất trong 3 thập niên, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành. Đối với các công ty bảo hiểm, chi phí bồi thường lớn đã ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn. Tuy nhiên, với những công ty có sự phản ứng kịp thời, hỗ trợ nhanh chóng khách hàng bù đắp tổn thất thì đây không chỉ là một thử thách mà còn là cơ hội vàng để khẳng định thương hiệu. Khách hàng không chỉ cần một hợp đồng bảo hiểm mà còn mong muốn có một đối tác đáng tin cậy, đồng hành và hỗ trợ trong những thời điểm khó khăn nhất. Những công ty nào làm tốt điều này sẽ có được niềm tin từ khách hàng hiện hữu và tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Thị trường bảo hiểm năm 2025 sẽ bước sang giai đoạn lành mạnh hơn
Nhìn về năm 2025, ông Nguyễn Quang Huy dự báo, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Sự hỗ trợ từ hành lang pháp lý chặt chẽ không chỉ đảm bảo tính minh bạch mà còn tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, nơi các công ty bảo hiểm có thực lực sẽ có cơ hội khẳng định mình. Đồng thời, việc thị trường được “thanh lọc” cũng giúp loại bỏ những doanh nghiệp hoạt động thiếu chuyên nghiệp hoặc không đảm bảo quyền lợi khách hàng, qua đó củng cố niềm tin của người dân vào vai trò của ngành bảo hiểm.
Năm 2025 cũng là thời điểm các công ty bảo hiểm cần tận dụng cơ hội để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trong quản lý dữ liệu và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Các giải pháp số hóa sẽ giúp tối ưu hóa quy trình xử lý yêu cầu bồi thường và mang lại sự minh bạch, nhanh chóng trong cung cấp dịch vụ. Đây là yếu tố quyết định để ngành bảo hiểm giữ vững vị trí của mình trong bối cảnh nền kinh tế số hóa ngày càng phát triển.
Từ góc độ xã hội và kinh tế, thị trường bảo hiểm vừa là công cụ chia sẻ rủi ro vừa là nhân tố quan trọng hỗ trợ sự phát triển của người dân và doanh nghiệp. Khi có sự đồng hành của bảo hiểm, các doanh nghiệp và cá nhân có thể yên tâm hơn để tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu những rủi ro bất ngờ. Với sự cải cách và minh bạch hóa như hiện nay, bảo hiểm sẽ ngày càng được nhìn nhận là “người bạn lớn” đồng hành, góp phần tạo nên một nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, cùng với các yếu tố nền tảng vĩ mô, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam thì định hướng chiến lược và khuôn khổ pháp lý mới tạo kỳ vọng lớn để thị trường bảo hiểm Việt Nam có được “cú hích” về quy mô và chất lượng phát triển trong năm 2025 lẫn các năm tiếp theo.
Dự kiến trong năm 2025, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 2.65%; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tăng 6.6% so với năm 2024. Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 5.77%, từ các doanh nghiệp nhân thọ ước tăng 5.4% so với năm 2024.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 239,636 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2024. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 85,938 tỷ đồng (tăng 9.77%), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 153,698 tỷ đồng (tăng 3%).
Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước tăng 0.8% so với năm 2024. Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm ước tăng 7.9% so với năm 2024.
Cát Lam
FILI - 08:16:00 20/01/2025
|