Chủ Nhật, 19/01/2025 16:29

Chuyên gia: Việt Nam cần đối thoại với Mỹ để giảm rủi ro từ các chính sách của Trump

Năm 2025, Việt Nam tiếp tục đối mặt với cả cơ hội và thách thức trong bối cảnh thế giới chuyển động không ngừng. Đặc biệt, với sự tái đắc cử của ông Donald Trump, các chính sách thương mại và địa chính trị của Mỹ dự báo sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam - một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Mỹ.

Thách thức trước sự phân cực hệ thống tiền tệ

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giám đốc chương trình đào tạo Thị trường chứng khoán, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), xu hướng phi đô la hóa trên thế giới đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết, đặc biệt dưới tác động của các quốc gia lớn như Trung Quốc và khối BRICS.

Những nỗ lực xây dựng hệ thống tiền tệ mới để thay thế hoặc trở thành đối trọng với hệ thống SWIFT đang tạo ra sự phân cực trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Trung Quốc, với vai trò đầu tàu, không chỉ tăng cường dự trữ vàng mà còn thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân

Cuộc xung đột Nga – Ukraine, theo ông Huân, đã vô tình đẩy Nga vào thế phải liên kết sâu hơn với Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện để các quốc gia BRICS manh nha xây dựng một hệ thống tài chính riêng biệt.

"Theo tôi đó là sai lầm của Mỹ", ông nói và cho biết, trật tự kinh tế thế giới dần chuyển dịch từ đơn cực sang đa cực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ vẫn chi phối đồng USD trên thị trường quốc tế.

Đối với Việt Nam, những thay đổi này không chỉ mang lại cơ hội mà còn tạo ra thách thức. Trung Quốc và Mỹ đều là các đối tác quan trọng hàng đầu, và Việt Nam đang cố gắng duy trì thế cân bằng giữa 2 quốc gia này do Việt Nam đang nhập khẩu nguyên vật liệu chủ yếu từ Trung Quốc nhưng lại xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, việc tận dụng lợi thế từ cả hai phía mà không bị cuốn vào các xung đột lợi ích là bài toán chiến lược cho Việt Nam.

Đẩy mạnh đối thoại với Mỹ

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ thời Trump 1.0 tiếp tục định hình dòng chảy thương mại toàn cầu. Chiến lược “Trung Quốc +1” của Mỹ đã buộc các tập đoàn đa quốc gia phải phân tán sản xuất sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc để né thuế. Trong khi đó, Việt Nam, nhờ vào vị trí địa lý và chi phí lao động cạnh tranh, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh từ năm 2018, mở ra cơ hội thúc đẩy công nghiệp và thương mại.

Tuy nhiên, ông Huân nhấn mạnh rằng việc tái đắc cử của ông Trump đã xoay chuyển cục diện. Thị trường kỳ vọng vào chính sách tập trung phát triển nội địa của ông Trump, từ đó làm tăng giá trị đồng USD và hút dòng tiền quay trở lại Mỹ. Điều này có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động lớn, đặc biệt khi Mỹ tiếp tục áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại hoặc đưa Việt Nam diện thao túng tiền tệ hoặc vào thế tương đồng với các quốc gia hiện nay như Mexico, Canada thì sẽ rất rủi ro.

Ông Huân nhận định, để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam cần đẩy mạnh đối thoại với Mỹ để duy trì lợi thế xuất khẩu, đồng thời đa dạng hóa thị trường nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào một quốc gia. 

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chính hiện nay của Việt Nam. Chính vì vậy, việc giữ quan hệ tốt với nước này thông qua những kết nối và đối thoại để làm sao không rơi vào tình trạng như Mexico hay Trung Quốc là một vấn đề “sống còn” vì xuất khẩu đang là động lực chính. "Chúng ta cố gắng cân bằng cán cân này trong giai đoạn tới", ông nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào cải cách thể chế và hạ tầng, đặc biệt là các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam, và trung tâm tài chính TP.HCM. Những dự án này không chỉ mang lại nguồn vốn nước ngoài mà còn tạo ra đòn bẩy quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Với mục tiêu GDP năm 2025 đạt 8%, thậm chí phấn đấu ở mức hai con số, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để tận dụng các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đang hiện hữu. "Nếu chúng ta tiếp tục có những đối thoại tốt với Mỹ và tạo thiện cảm với chính quyền của Trump thì xuất khẩu sẽ là mũi nhọn và là cơ hội của Việt Nam trong năm 2025. Theo tôi, đó sẽ là động lực chính để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% và thậm chí là hai con số", chuyên gia chốt lại.  

Tử Kính

FILI - 15:27:00 19/01/2025

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Phan Văn Mãi: TPHCM sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng trung tâm tài chính (17/01/2025)

>   Chính phủ ban hành Nghị quyết về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 (16/01/2025)

>   Ông Dương Văn An bị cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (15/01/2025)

>   Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (15/01/2025)

>   Việt Nam 2025: Đổi mới sáng tạo là 'chìa khóa' mở cánh cửa tăng trưởng (14/01/2025)

>   Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm (14/01/2025)

>   Phương án dự kiến về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ (14/01/2025)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh (13/01/2025)

>   3 thách thức cho tăng trưởng năm 2025 (14/01/2025)

>   Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ (13/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật