3 thách thức cho tăng trưởng năm 2025
Đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng cho năm 2025, nhưng những lực kéo tăng trưởng của Việt Nam trong những năm gần đây có thể phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn tới, đặc biệt một số khu vực mới vừa phục hồi có thể rơi vào vòng xoáy khó khăn trở lại.
Lo ngại lớn nhất
Sau khi đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ 8% trong năm 2022, bất ngờ suy yếu chỉ còn tăng 5.1% trong năm 2023, tăng trưởng năm 2024 đã phục hồi tích cực với tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt 7.1%, trong đó chủ yếu nhờ vào mức tăng mạnh 7.43% trong quý 3/2024 và đặc biệt là mức tăng 7.55% của quý 4 vừa qua. Diễn biến này khá bất ngờ khi nền kinh tế đã chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cơn bão Yagi diễn ra vào đầu tháng 9.
Dù vậy, với những thiệt hại chủ yếu rơi vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, vốn chiếm tỷ trọng thấp là 5.37% trong tổng mức tăng trưởng chung của cả năm 2024, nên cũng phần nào hiểu được kết quả trên. Theo đó, một trong những động lực tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2024 là dựa vào hoạt động thương mại, với đơn hàng xuất khẩu đã phục hồi trở lại với xuất siêu hàng hóa đạt mức gần 24.8 tỷ USD.
Nhìn về năm 2025, Chính phủ đang đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng còn cao hơn ở 8%, cao hơn chỉ tiêu Quốc Hội đã thông qua là 6.5-7%. Trước sự tự tin này, các tổ chức quốc tế gần đây cũng tăng dự báo GDP năm 2025 của Việt Nam. Trong khi hầu hết dự báo đưa ra con số 6.5%, mới đây ngân hàng UOB đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6.6% lên 7%. Thậm chí một số CTCK trong nước như BSC hay VCBS cho rằng trong kịch bản tốt nhất Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 7.4-7.5%.
Dù vậy, sẽ có một số thách thức mà nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt và ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng trong năm 2025 này. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra hôm 08/01/2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng bên cạnh động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, dựa vào cầu nước ngoài như những năm qua, NHNN đề xuất cần có giải pháp khai thác mạnh mẽ cầu trong nước.
Hoạt động xuất khẩu trong năm 2025 có lẽ cũng đang là mối lo ngại lớn nhất trong giai đoạn tới, khi Việt Nam có thể bị kéo vào cuộc thương chiến Mỹ - Trung một cách không mong muốn. Nằm trong nhóm đạt thặng dư thương mại hàng hóa hàng đầu với Hoa Kỳ, rủi ro bị áp hàng rào thuế quan trong nhiệm kỳ thứ 2 của tổng thống Trump đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang nền kinh tế số 1 thế giới thật sự lo lắng.
Theo giới quan sát, nếu chẳng may rơi vào nhóm bị áp thuế, hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng là tất yếu. Trong trường hợp Việt Nam tìm cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ để 2 nước cân bằng thương mại hơn, con số xuất siêu trong năm 2025 có thể thu hẹp. Ngoài ra, khi hàng hóa Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ bị áp thuế cao hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy lượng hàng dư thừa vào các quốc gia lân cận trong khu vực, khi đó mức độ thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng.
Trong năm 2024 vừa qua, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ là 104.6 tỷ USD tăng 25.6% so với năm trước và xuất siêu sang EU 35.4 tỷ USD, tăng 23.2%. Ngược lại, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 83.7 tỷ USD, tăng đến 69.5%, trong số này không loại trừ khả năng một lượng lớn hàng hóa đã tận dụng Việt Nam như là một cứ điểm trung gian để xuất khẩu sang các quốc gia khác nhằm được hưởng mức thuế suất ưu đãi hơn từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Dư địa chính sách và những điểm nghẽn
Như đã nói, với động lực tăng trưởng có lực kéo mạnh mẽ từ xuất khẩu trong những năm gần đây với thặng dư thương mại, nếu hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn hơn trong thời gian tới, tăng trưởng của Việt Nam cũng bị tác động tiêu cực.
Đáng lưu ý là ngoài xuất khẩu, một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong năm 2024 vừa qua là sự phục hồi của khu vực công nghiệp, với các hoạt động sản xuất và đầu tư đã phục hồi tích cực hơn khi các doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng hoạt động trở lại. Đó cũng là nhờ vào chính sách tiền tệ tiếp tục tăng cường độ nới lỏng, với tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt gần 15.1% và mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được kéo xuống và duy trì ổn định ở mức thấp. Dù vậy, lực kéo này cũng có thể suy yếu trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0.96%/năm so với cuối năm 2023, với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ hiện đang ở mức 6.7 – 9.1%/năm, thấp nhất kể từ năm 2021. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất huy động đầu vào đã tăng trở lại từ đầu quý 2/2024 đến nay, nhiệm vụ giảm thêm lãi suất cho vay, thậm chí là giữ ổn định như hiện nay cũng là một thách thức không nhỏ.
Thực tế tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV diễn ra vào đầu tháng 11, Thống đốc NHNN khi trả lời chất vấn cũng cho rằng thời gian qua lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, thời gian tới lãi suất cho vay khó giảm thêm do dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều. Vì vậy, nếu lãi suất cho vay bắt đầu xu hướng tăng trở lại dĩ nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến các động lực đầu tư và tăng trưởng.
Cùng với dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều, các doanh nghiệp cũng có thể đối mặt với thách thức chi phí đầu vào tăng trở lại có thể ảnh hưởng lên các hoạt động sản xuất, một trong số đó là chi phí vận chuyển. Một số ý kiến gần đây cho rằng với những quy định mới tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông không chỉ đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp lên cao hơn, mà thời gian vận chuyển cũng sẽ lâu hơn nếu tình trạng tắc nghẽn giao thông tiếp tục kéo dài.
Khi chi phí đầu vào tăng lên, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để san sẻ gánh nặng lên vai người tiêu dùng. Hệ quả kế tiếp là cầu tiêu dùng với mới chớm khởi sắc có thể lại suy yếu, nhất là khi thị trường lao động vẫn chưa phục hồi như giai đoạn trước. Ngoài ra, tương tự doanh nghiệp, thu nhập người lao động cũng có thể chịu tác động trước các mức xử phạt quá cao vượt xa thu nhập bình quân, do đó nhiều người sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu để đề phòng khi rủi ro xảy ra. Tất cả đều có thể khiến vòng quay hàng hóa và tiêu thụ chậm lại, kế tiếp sẽ quay lại ảnh hưởng tiêu cực lên các hoạt động sản xuất.
Trước những thách thức này, chính sách tài khóa đang được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295 ngàn tỷ, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300 ngàn tỷ. Nếu có thể giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng. Tương tự, Dragon Capital mới đây cũng cho rằng năm 2025 đầu tư công sẽ bứt phá và đóng vai trò dẫn dắt cho đầu tư tư nhân.
Cùng với dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều, các doanh nghiệp cũng có thể đối mặt với thách thức chi phí đầu vào tăng trở lại có thể ảnh hưởng lên các hoạt động sản xuất, một trong số đó là chi phí vận chuyển. Một số ý kiến gần đây cho rằng với những quy định mới tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông không chỉ đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp lên cao hơn, mà thời gian vận chuyển cũng sẽ lâu hơn nếu tình trạng tắc nghẽn giao thông tiếp tục kéo dài. |
Phan Thụy
FILI - 08:00:00 14/01/2025
|