Thứ Bảy, 11/01/2025 12:38

Đứng trước Trump 2.0, Việt Nam "tranh thủ" được nhiều hơn là rủi ro

Ông Phạm Quang Vinh, người từng có thời gian làm đại sứ Việt Nam tại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhận định chính quyền của vị Tổng thống Mỹ này tới đây sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội để “tranh thủ” hơn là rủi ro.

Tranh thủ từ phân tách Mỹ - Trung về công nghệ

Phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025, ông Vinh nhận định nhiệm kỳ mới của ông Trump sẽ có cách tiếp cận thực dụng hơn về kinh tế, thương mại và địa chính trị, trong đó cạnh tranh với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Thời gian tới, sự tập trung của ông Trump có thể sẽ nhiều hơn vào Trung Quốc và các đồng minh châu Âu, trong khi Việt Nam không phải đối tượng ưu tiên mà là “đối tượng tranh thủ”. Và dù có thặng dư thương mại lớn với Mỹ nhưng Việt Nam không tồn tại các khúc mắc lớn khác với chính quyền Trump.

Điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam nhờ hàng hóa có khả năng cạnh tranh nhất định tại Mỹ, đặc biệt khi chính quyền Trump 2.0 dự kiến sẽ áp thuế 60% với Trung Quốc và 10% tùy trường hợp với các nước khác.

"Nếu nhìn chung lại mà nói, mặt thuận để tranh thủ của Việt Nam đang nhiều hơn khi Mỹ đánh thuế Trung Quốc và các quốc gia khác. Dù chúng ta có một số mặt hàng cũng đang chịu thuế nhưng sức cạnh tranh vào thị trường Mỹ vẫn rất tốt", ông lạc quan và tiếp tục chỉ ra, bên cạnh việc tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam còn có thể hưởng lợi khi phân tách giữa Mỹ - Trung về mặt công nghệ đang lớn dần.

Điều quan trọng hiện nay là Việt Nam cần đặt trọng tâm xây dựng môi trường thương mại công bằng và minh bạch hơn, bao gồm cả minh bạch về xuất xứ hàng hóa thay vì ưu tiên giảm thâm hụt. Việc tuân thủ quy định xuất xứ không chỉ giúp tránh các nghi ngại từ phía Mỹ mà còn là lợi thế để tiếp cận sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam đang có mối quan hệ hợp tác kinh doanh thuận lợi với các nhà đầu tư Mỹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần sử dụng “đòn bẩy” chính trị để duy trì lợi thế trong bối cảnh thương mại giữa 2 cường quốc tiếp tục căng thẳng. “Nhiệm kỳ đầu tiên khi tôi làm đại sứ ở đó, Chính phủ chúng ta cũng mua máy bay, khí hóa lỏng và một số nông sản của Mỹ…”, ông Vinh nhớ lại.

“Ông Trump cũng chỉ có 4 năm”

Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc thay vì chỉ gói gọn trong nội bộ như trước đây là điều mà “chúng ta đã lường trước”, theo lời nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Căng thẳng Mỹ - Trung xảy ra đang khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam, trở thành một cơ hội.

Tuy nhiên, rủi ro hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” qua Việt Nam để vào Mỹ vẫn là mối quan tâm lớn dù trong hơn một thập kỷ qua, Mỹ chưa tìm ra trường hợp gian lận xuất xứ nào đáng kể. “Chúng ta cũng thường tự nói với nhau như vậy trên báo chí, hoặc tìm ra một vài trường hợp và đặt ra nghi vấn, nhưng trên thực tế hải quan Mỹ đã nghi vấn từ rất lâu, nhưng chưa tìm ra được bất kỳ một trường hợp nào như vậy cả”, ông Khánh quả quyết nhưng cũng cho rằng điều này không đồng nghĩa với việc có thể chủ quan mà “buông lỏng cảnh giác”.

Quan điểm về tìm kiếm thị trường thay thế Mỹ và Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro không phải là điều đơn giản, đặc biệt với các mặt hàng kim ngạch lớn như điện thoại hay điện tử do sức tiêu thụ khổng lồ của 2 quốc gia này mang lại.

Trong kịch bản xấu nhất, xuất khẩu của Việt Nam có thể chịu tác động trong 2-3 năm, nhưng không phải tất cả mặt hàng đều bị đánh thuế. Và Mỹ cũng chỉ “nhạy cảm” với một số mặt hàng như ô tô, sắt thép hay pin mặt trời. Dẫu vậy, các biện pháp này sẽ cần thời gian để triển khai, ít nhất đến năm 2026.

Dù trong bất kỳ trường hợp nào thì ông Trump cũng chỉ có 4 năm, với bất kỳ biện pháp nào áp dụng thì cũng ít nhất từ năm 2026 vì cần thời gian để chuẩn bị, điều tra, tham vấn…”, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định và thêm rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược ứng phó hợp lý, Việt Nam vẫn có khả năng phòng ngừa, hạn chế tác động tiêu cực từ các chính sách của chính quyền Trump 2.0.

Nhìn chung, các cơ hội để tranh thủ từ chính quyền này vẫn đang nhiều hơn rủi ro, và đây là lúc Việt Nam cần tận dụng tối đa thời cơ để tiếp tục khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Tử Kính

FILI - 11:36:46 11/01/2025

Các tin tức khác

>   Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo Bí thư Vĩnh Phúc Dương Văn An (10/01/2025)

>   Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vốn đã là hai chữ số? (09/01/2025)

>   UOB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 lên 7% (09/01/2025)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 2025 tối thiểu 8% (08/01/2025)

>   Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An (08/01/2025)

>   Lối thoát nào cho bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam? (09/01/2025)

>   Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế (08/01/2025)

>   Năm 2025 cần 'tăng tốc và bứt phá' để tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2026-2030 (08/01/2025)

>   Hoạt động khởi đầu cụ thể cho “Kỷ nguyên mới” (08/01/2025)

>   Quốc hội sẽ họp bất thường xem xét lập một số bộ, cơ cấu thành viên Chính phủ khóa mới (07/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật