Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vốn đã là hai chữ số?
Tăng trưởng kinh tế 2 con số đối với Việt Nam là hoàn toàn khả thi nếu có thể nhận diện và xóa bỏ những rào cản đang tồn tại.
Động lực chính nằm ở doanh nghiệp nhỏ và vừa
Năm 2025 được xác định là thời điểm “tăng tốc và bứt phá” để đạt các mục tiêu kinh tế của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt trên 8% và thậm chí hai con số nếu các điều kiện thuận lợi.
Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển. "Muốn bứt tốc hay đạt được bất cứ điều gì, trước hết cần đảm bảo ổn định", ông nói và cho biết nếu không giữ vững an sinh xã hội cho số đông, rất khó để đạt được tăng trưởng bền vững.
Ông Đặng Huy Đông chia sẻ tại diễn đàn. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
|
Ông Đông tin rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số là hoàn toàn khả thi. "Chúng ta hiện đã đạt 6-7% mỗi năm dù còn nhiều điều chưa làm đúng”, đồng thời nhận định nếu làm đúng thì việc tăng thêm 1-2% nữa là trong tầm tay. Ngoài ra, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ trở thành 2 động cơ có thể giúp bổ sung thêm 1-2% nữa. “Với nền tảng làm đúng, việc tăng trưởng đạt 10-11% là thực tế", ông tự tin khẳng định.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Hiếu cho rằng tiềm năng tăng trưởng hai con số của Việt Nam vốn đã có sẵn, nhưng hiện đang bị cản trở bởi một số quy định và thủ tục hành chính.
Chẳng hạn về vấn đề “chủ trương đầu tư”, một doanh nghiệp muốn tăng vốn đầu tư phải mất 2-3 tháng để điều chỉnh chủ trương đầu tư, dẫn đến nguồn tiền giải ngân có thể không còn khả năng đáp ứng. Hoặc khi doanh nghiệp cần thay đổi sản phẩm do thị trường không còn phù hợp, họ lại phải xin sửa đổi chủ trương đầu tư.
“Những quy định này liệu còn cần thiết trong bối cảnh mới không? Những điều đang cản trở chúng ta phát triển hai con số trước hết đơn giản chỉ cần xóa bớt đi đã. Theo tôi, đây đã là giải pháp mang tính đột phá”, ông nói.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một yếu tố thiết yếu khác mà các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. Hiện nay, doanh nghiệp tại Việt Nam được phép làm những gì pháp luật không cấm nhưng ông Hiếu cho rằng đang tồn tại một “vùng xám” đó là “pháp luật chưa quy định”, có thể gây cản trở cho những sáng tạo và đổi mới.
“Một môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả không chỉ là nơi có chi phí tuân thủ thấp, thủ tục nhanh chóng mà còn phải là nơi doanh nghiệp có sự tự do sáng tạo trong những lĩnh vực pháp luật chưa cấm và chưa quy định” ông nói và thêm rằng, những ý tưởng kinh doanh mới sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới và phần còn lại của Nhà nước là chỉ cần thúc đẩy.
Không thể thành công nếu không cải thiện chất lượng nhân lực
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên tại Đại học Fulbright Việt Nam, để đạt được tăng trưởng bền vững và ở mức cao, động lực phải đến từ phía cung của nền kinh tế, đó là phải cải thiện được năng lực sản xuất và hiệu quả sản xuất. Yếu tố quyết định giúp các quốc gia trên thế giới thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thành công là chất lượng nguồn nhân lực, mà ông nhận định đang là “điểm nghẽn” ở Việt Nam.
Ông dẫn chứng một chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế bán dẫn 4 năm cần tối thiểu 50 triệu đồng/năm, nhưng nhiều người chỉ muốn chi 10 triệu đồng thì không thể đảm bảo chất lượng. “Nhưng xã hội chúng ta hiện nay đều không chấp nhận trả chi phí đó”, ông đúc kết, “Không thể nào trở thành nước thu nhập cao mà chất lượng nguồn nhân lực không cải thiện”.
Để giải quyết bài toán này, ông Thành đề xuất xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, không phân biệt trường công hay tư, miễn là được kiểm định chất lượng quốc tế. Học phí sẽ được hỗ trợ thông qua quỹ học bổng quốc gia, với sự đóng góp từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và áp dụng chuẩn mực quốc tế cao nhất cho từng ngành nghề, đảm bảo các chương trình đào tạo tại Việt Nam đạt chất lượng toàn cầu.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số của Việt Nam không chỉ là tham vọng mà hoàn toàn có cơ sở. Với những thay đổi cần thiết trong môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách chính sách và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam có thể hiện thực hóa tiềm năng vốn đã có sẵn.
Như ông Đặng Huy Đông khẳng định: "Trong tay chúng ta đã có đầy đủ mọi yếu tố. Chỉ cần thay đổi cách làm, tăng trưởng hai con số sẽ không còn là điều xa vời."
Tử Kính
FILI - 14:52:23 09/01/2025
|