Thứ Tư, 08/01/2025 10:32

Hoạt động khởi đầu cụ thể cho “Kỷ nguyên mới”

Không phải ngẫu nhiên khi trong cùng 1 ngày, 4-1, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự cả hai hội nghị công bố về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam và công bố quy hoạch TP.HCM nhiệm kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Trước đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đối với đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Cũng như việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định rõ tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao. Đồng thời sẽ là hạt nhân của vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và là cực tăng trưởng của cả nước.

Có thể hình dung về một thời kỳ phát triển mới của TP.HCM, trong đó không chỉ đơn thuần là vấn đề hạ tầng đô thị, không chỉ là tầm vóc mở rộng đa chiều không gian của thành phố mà còn ở chất (đi cùng) lượng phát triển, dòng vốn đi cùng mô hình, giá trị và hiệu quả dẫn dắt, huy động, sử dụng ra sao thì sự ra đời của định chế Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại thành phố là một “bước nhảy vọt” có tính quy luật đồng thời là đòi hỏi của thị trường và xu thế phát triển.

Chắc hẳn một “đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á” thì không thể thiếu một trung tâm tài chính quốc tế với sự phát triển vừa đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới vừa phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Như một “tiếng gọi lịch sử”, cũng chẵn 40 năm trước, hệ thống ngân hàng - tài chính quốc gia đã có những khởi đầu từ thành phố này, sau sự ra đời đầu tiên của một ngân hàng thương mại cổ phần thì tiếp đến, các mô hình ngân hàng liên doanh, xuất nhập khẩu rồi cả trung tâm đầu tư tài chính nhà nước - tiền thân của HFIC bây giờ; và tới đây là một trong những “trụ đỡ” của Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.

Hơn nữa, ranh giới Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM được xác định là khu vực trung tâm hiện hữu quận 1 và Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Nó là sự tiếp nối trên “nền nhà” của cả khu vực “phố Wall” ở khu vực lõi trung tâm thành phố và Thủ Thiêm - vùng đất mới, cả sau những hàn gắn, sắp xếp cần thiết để phát triển theo đúng mục tiêu.

Vấn đề còn lại là ở cả cấp độ quốc gia lẫn địa phương - cụ thể là TP.HCM cần sớm hoạch định các nhóm đầu việc để hoàn thiện các điều kiện cần và đủ cho một trung tâm tài chính quốc tế vận hành theo đúng chuẩn. Trong đó từ cơ sở hạ tầng như nâng cấp hệ thống giao thông đường sá, cầu cống, mạng lưới giao thông công cộng đảm bảo cho giao thương, di chuyển thông suốt đến hạ tầng mềm công nghệ. Gia cố ưu thế mang lưới internet tốc độ cao, trung tâm dữ liệu và các công nghệ tài chính (Fintech) để hỗ trợ hoạt động giao dịch và thanh toán.

Cụ thể là các công đoạn đấu giá, đấu thầu đất công tại Thủ Thiêm cần xúc tiến nhanh để kịp triển khai xây dựng hạ tầng theo đúng yêu cầu, tiến độ. Bởi ở đó không chỉ là các tòa nhà văn phòng mà còn là cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính đa dạng cùng với tổ hợp khách sạn, khu dân cư cao cấp đi kèm các dịch vụ phụ trợ, tiện ích xã hội…

Hay tại “khu phố Wall”, trên hạ tầng số, thành phố còn phải tính tới việc xây dựng các khu vực tài chính chuyên biệt, nơi tập trung các tổ chức tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán để tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Đặc biệt quan trọng là cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, bảo hiểm, chứng khoán để đảm bảo hoạt động của thị trường diễn ra minh bạch và hiệu quả. Quyết liệt rút gọn thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí kinh doanh, tạo ra môi trường minh bạch và công bằng để thu hút đầu tư. Nâng cao năng lực cạnh tranh: Tăng cường đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính mới.

Lõi của cơ chế, bộ máy vận hành nói trên là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh tìm mọi cách thu hút, tập hợp nhân tài khu vực, quốc tế thì chú trọng đào tạo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, quản lý rủi ro để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đa dạng, bao trùm, có tính chuyên môn hóa cao để đảm bảo phát triển thị trường vốn, thị trường ngoại hối, thị trường bảo hiểm. Tất nhiên, không thể thiếu là giao lưu, học hỏi, hội nhập từng bước các trung tâm tài chính lớn trong khu vực và quốc tế cũng như hiện diện ở hầu hết các hiệp định thương mại tự do để kéo gần khoảng cách liên kết kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hơn thế, như phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vào sáng 4-1” “Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là nơi tập trung các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay đầu tư mà còn là nơi hội tụ của tri thức, công nghệ và sự kết nối toàn cầu”.

Quả thực, thông qua việc hình thành các cơ chế ưu đãi, các công cụ tài chính hiện đại như sàn giao dịch phái sinh, giao dịch hàng hóa và thị trường vốn xanh… Trung tâm này sẽ là nơi cải thiện, nâng chất và đảm bảo cho dòng vốn từ các nơi đổ về Việt Nam - TP.HCM qua các dự án lớn, các lĩnh vực trọng điểm trong chiến lược phát triển quốc gia - thành phố, kể cả khu vực Đông Nam Bộ và phía Nam.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% vào năm 2025 đặt ra nhiệm vụ cho TP.HCM phải huy động khoảng 600,000 tỷ đồng, trong đó 100,000 tỷ đồng là vốn đầu tư công và 500,000 tỷ đồng từ các nguồn vốn xã hội. Vì vậy, sự ra đời của Trung tâm tài chính Quốc tế toàn diện tại TP.HCM kịp lúc cho nhiệm vụ nặng nề nói trên. Và để thực thi, rất cần các chính sách đặc thù bao gồm ưu đãi thuế, miễn giảm chi phí thuê đất và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính, bảo hiểm, kiểm toán. Cần giảm thiểu độ trễ của các khung chính sách, các cơ chế đảm bảo cho sự vận hành xây dựng Trung tâm sớm đi vào hoạt động từ năm 2026 trở đi.

Quốc Học

FILI - 09:30:00 08/01/2025


 
Các tin tức khác

>   Quốc hội sẽ họp bất thường xem xét lập một số bộ, cơ cấu thành viên Chính phủ khóa mới (07/01/2025)

>   Đề xuất 6 chính sách trong cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (07/01/2025)

>   TP Hồ Chí Minh cần huy động 620.000 tỷ đồng cho mục tiêu tăng trưởng trên 10% (07/01/2025)

>   Toàn cảnh kinh tế xã hội Việt Nam 2024: GDP vượt mục tiêu, vốn FDI đạt kỷ lục (06/01/2025)

>   Shinhan Bank: GDP Việt Nam năm 2025 tăng 6.1% nhờ đầu tư công và dòng vốn FDI (06/01/2025)

>   Năm 2024, CPI tăng 3.63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (06/01/2025)

>   GDP của Việt Nam năm 2024 tăng 7.09% (06/01/2025)

>   Ai sẽ quyết định đối tượng nghỉ việc do sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế? (06/01/2025)

>   Kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam (04/01/2025)

>   'Cơ hội vàng' để tham gia 'cuộc chơi' tài chính toàn cầu (04/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật