Thứ Tư, 05/02/2025 13:02

Tổng Giám đốc Chứng khoán Shinhan Việt Nam: Việt Nam có thể hút 4-7 tỷ USD từ các quỹ đầu tư thụ động

Bước sang năm 2025, Tổng Giám đốc Han Bok Hee tin rằng, Việt Nam sẽ phát huy sức mạnh nội tại, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa để duy trì mức tăng trưởng cao 7% mà Quốc hội đã đề ra. Cùng với đó là thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh và công nghệ cao, mở ra kỷ nguyên tăng trưởng mới cho Việt Nam.

Dù năm 2024, tình hình thế giới còn nhiều căng thẳng, kinh tế Việt nam vẫn tăng trưởng ấn tượng và ghi được nhiều dấu ấn với các con số vượt chỉ tiêu.

Tăng trưởng kinh tế, thu hút các dòng vốn FDI, cải cách pháp lý, đẩy mạnh các dự án đầu tư công... được xem là tiền đề cho năm 2025 bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới.

Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư Hàn Quốc lâu năm tại Việt Nam, ông Han Bok Hee - Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Chứng Khoán Shinhan Việt Nam (SSV) chỉ ra những yếu tố tiềm năng để tăng trưởng kinh tế, dòng vốn và thu hút đầu tư trong năm 2025.

Nhìn lại năm 2024, theo ông, đâu là điểm sáng đáng chú nhất của nền kinh tế Việt Nam?

Ông Han Bok Hee: Tăng trưởng kinh tế ấn tượng, vượt qua mọi dự báo. Tôi cho rằng, đây là điểm sáng đáng chú ý nhất của kinh tế Việt Nam trong năm qua, bất chấp kinh tế thế giới nhiều rủi ro bất định, xung đột quân sự leo thang bên cạnh thời tiết cực đoan, thiên tai, lũ lụt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 đạt 7.09% - cao hơn mức dự báo quanh 6-6.5% của các tổ chức quốc tế và vượt kế hoạch Quốc hội đã đề ra. Quy mô nền kinh tế năm 2024 tương đương 476.3 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới và được dự báo lọt vào top 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á trong năm 2025, top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030, theo số liệu của IMF.

Năm 2024 cũng là năm đánh dấu sự đột phá trong cải cách pháp lý của Việt Nam, với hàng loạt luật, bộ luật được sửa đổi và ban hành, liên quan đến nhiều lĩnh vực trọng yếu như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, điện lực, đầu tư công… nhằm tháo gỡ khó khăn, giải phóng các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ máy của hệ thống chính trị cũng đang được gấp rút tinh gọn, để nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.

Đâu là ẩn số lớn nhất có thể tác động nhiều nhất lên tăng trưởng kinh tế năm 2025?

Bước sang năm 2025, tôi tin Việt Nam sẽ phát huy sức mạnh nội tại, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa để duy trì mức tăng trưởng cao 7% mà Quốc hội đã đề ra. Cùng với đó là thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh và công nghệ cao, mở ra kỷ nguyên tăng trưởng mới cho Việt Nam.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, nhằm hạ lãi suất cho vay, để hỗ trợ phát triển kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16% trong năm 2025 - cao hơn so với mục tiêu 15% của năm 2024, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025.

Thị trường đồng thuận dự báo về sự phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2025 nhờ pháp lý được khai thông. Tôi tin đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy cầu tín dụng, đặc biệt phân khúc khách hàng cá nhân cũng như tạo tâm lý tích cực hơn trong chi tiêu, tiêu dùng của người dân.

Cùng với mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm 2025, Quốc hội cũng nâng mức lạm phát mục tiêu lên 4.5%, hàm ý áp lực lạm phát cao hơn trước tác động của việc tăng lương tối thiểu, tăng giá điện, nước sinh hoạt… Với việc lạm phát đã được kiểm soát tốt trong năm 2024, CPI bình quân chung tăng 3.63% trong khi CPI lõi chỉ tăng 2.71%, tôi kỳ vọng lạm phát năm 2025 sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt quanh mức 4% và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ẩn số lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 có thể là biến động trong lĩnh vực xuất khẩu. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được dự báo suy giảm trong năm 2025, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất, trong bối cảnh ngành sản xuất chế biến, chế tạo châu Á đối diện với rủi ro thương mại toàn cầu gia tăng dưới thời Trump 2.0. Hiện tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP của Việt Nam chiếm 24.1% và do đó, Việt Nam cần linh hoạt ứng phó với các thay đổi thương mại toàn cầu cũng như chủ động đẩy mạnh đầu tư công lẫn tiêu dùng nội địa để bù đắp tương xứng với bất kỳ mức độ sụt giảm nào (nếu có) từ lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Nhìn ra quốc tế, đâu sẽ là những yếu tố có thể tác động lên nền kinh tế Việt Nam, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thưa ông?

Kinh tế thế giới được dự báo là sẽ có nhiều bất ổn trong năm 2025, với những rủi ro bất ngờ từ các hàng rào thuế quan của chính quyền Trump lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Do đó, lạm phát Mỹ cũng có nguy cơ tăng trở lại, làm chậm tiến trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng USD tiếp tục mạnh lên và gây áp lực lên chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Ở thời điểm hiện tại, khó đưa ra đánh giá toàn diện về mức độ tác động của các chính sách mới từ chính quyền Donald Trump lên xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng như sự dịch chuyển của dòng vốn FDI toàn cầu, nhưng việc đồng USD đã mạnh lên trở lại từ trước bầu cử Mỹ đến nay là thật và đã gây nhiều áp lực lên tỷ giá.

Trong năm 2024, NHNN đã tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và nhiều lần thông báo bán ngoại tệ can thiệp để hạ nhiệt tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô. VND mất giá khoảng 5% trong năm 2024 nhưng mất gần 8% kể từ đầu năm 2023 và được dự báo tiếp tục mất giá thêm 3% nữa trong năm 2025. Điều này sẽ gây bất lợi cho dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) nước ngoài vào Việt Nam, khi các nhà đầu tư buộc phải đòi hỏi một mức sinh lời cao hơn để bù đắp rủi ro tỷ giá.

Ông có thể cho biết, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào? Lĩnh vực đầu tư nào thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại nhất và trong năm 2025?

Nếu nhìn vào tình hình thu hút FDI trong năm 2024, có thể khẳng định niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong năm 2024, tổng lượng vốn FDI đăng ký đạt 38.23 tỷ USD (-3% so với năm trước), giảm nhẹ 1.16 tỷ USD so với năm 2023, chủ yếu do góp vốn, mua cổ phần giảm mạnh 4.21 tỷ USD (tương đương mức giảm 48%). Trong khi đó, tổng vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh đạt 33.69 tỷ USD, vẫn tăng 10% so với năm trước.

Vốn FDI thực hiện tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2024 với 25.35 tỷ USD (+9.4% so với năm trước). Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành thu hút vốn ngoại nhiều nhất với mức giải ngân kỷ lục 20.62 tỷ USD, chiếm 81.4% tổng FDI thực hiện trong năm 2024, với xu hướng tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11.6 tỷ USD.

Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến của các dự án bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) sau “cú hích” từ thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam vào ngày 05/12/2024.

Ông đánh giá gì hoạt động của khối ngoại nói chung và riêng các quỹ đầu tư ngoại trong năm 2024 trên thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao? Dự báo cho năm 2025, xu hướng hoạt động của khối ngoại như thế nào?

Khối ngoại đã rút ròng kỷ lục 3.7 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024. Động thái rút ròng vốn không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở thị trường các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines… chủ yếu do sự mạnh lên của đồng USD. Điểm tích cực là tất cả các quỹ ETF nội và ngoại đều bị rút ròng, nhưng một số quỹ mở đầu tư chủ động vẫn thu hút được dòng tiền ròng, cho thấy khối ngoại vẫn đánh giá tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trước thềm nâng hạng thị trường mới nổi.

Fed đã bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất từ tháng 9/2024, dù chậm hơn dự báo, nhưng chênh lệch lãi suất giữa đồng VNDUSD đã dần thu hẹp. Điều này sẽ giúp giảm áp lực bán ròng của khối ngoại trong thời gian tới.

Xu hướng vốn ngoại thậm chí có thể sớm đảo ngược, đón sóng nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam, dự kiến được FTSE thực hiện vào tháng 9/2025 và MSCI vào năm 2026, sau những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy giải pháp không cần ký quỹ trước giao dịch cho khối ngoại (non-prefunding) và tiến tới triển khai mô hình thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), sớm đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào vận hành. Qua đó, Việt Nam có thể thu hút 4-7 tỷ USD từ các quỹ đầu tư thụ động, với ước tính tỷ trọng của cổ phiếu của Việt Nam trong rổ Chỉ số thị trường mới nổi MSCI khoảng 0.7-1.2%.

Ông dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 sẽ diễn biến như thế nào?

VN-Index kết thúc năm 2024 ở mức 1,266.78 điểm, tăng 12.11% so với cuối năm 2023. Tôi cho rằng, mức tăng này chưa tương xứng với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài.

Với dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức 20% trong năm 2025, VN-Index hiện đang giao dịch với P/E forward 11x, thấp hơn 25-30% so với P/E trung bình của chỉ số này trong 10 năm qua, mở ra cơ hội phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025, đặc biệt giai đoạn nửa cuối năm - khi có những tín hiệu rõ ràng hơn về tác động của chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xu hướng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng như cơ hội nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam.

Cùng với sự chuyển mình của nền kinh tế, chúng tôi kỳ vọng năm 2025 cũng sẽ là năm đánh dấu bước ngoặt cho giai đoạn phát triển mới, vươn tầm khu vực và thế giới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư trên nên có chiến lược như thế nào?

Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết khả quan và thị trường chứng khoán đang ở vùng định giá hấp dẫn thì đây là giai đoạn phù hợp để nhà đầu tư cân nhắc giải ngân.

Các doanh nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ, doanh nghiệp đi đầu trong xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ là lựa chọn phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Ngoài ra, các lĩnh vực được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư và tiêu dùng nội địa trong năm 2025 như ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản, bán lẻ, dịch vụ tài chính… được đánh giá tích cực với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình thị trường chung. Đây cũng là những nhóm ngành có khả năng hấp thụ dòng vốn lớn từ khối ngoại nhờ lợi thế quy mô vốn hóa và room ngoại khi Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi.

Ngoài chứng khoán, theo ông, kênh đầu tư nào có nhiều lợi thế hút vốn trong năm 2025?

Với triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán, VN-Index có nhiều khả năng chinh phục lại vùng đỉnh cũ 1,500 điểm, tương ứng với mức tăng hơn 18% trong năm 2025 thì kênh cổ phiếu sẽ có nhiều lợi thế để thu hút vốn đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiền gửi có thể vẫn duy trì ở mức thấp (trung bình 5.5% cho kỳ hạn 12 tháng) và vàng đã tăng đột biến khoảng 30% trong năm 2024.

Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ấm trở lại và trở thành kênh hút vốn trong năm 2025, nhờ những quy định mới từ Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp và thêm lớp chắn bảo vệ trái chủ.

Thị trường bất động sản dù được dự báo bước vào pha phục hồi, nhưng chưa thể bùng nổ trong năm 2025, khi nguồn cung mới dự kiến phục hồi chậm, nhất là tại khu vực TPHCM.

Tài sản số đang dần trở nên phổ biến hơn và dưới thời Tổng thống Doanld Trump, các tài sản số cũng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn so với các tài sản khác. Chính vì thế, đây có thể vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng đầy rủi ro. Nên phân bổ tài sản đầu tư với các loại tài sản khác, tùy theo khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông.

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI - 12:00:00 05/02/2025

Các tin tức khác

>   PHS: Định giá hấp dẫn và nâng hạng tạo ra cơ hội lớn trong bối cảnh nhiều rủi ro ngoại biên (17/01/2025)

>   Góc nhìn 16/01: Rung lắc? (15/01/2025)

>   VNDIRECT Research: VN-Index đóng cửa trong khoảng 1,340 - 1,670 cuối năm 2025 (15/01/2025)

>   Thị trường chứng khoán chờ đợi chính sách của chính quyền ông Donald Trump (15/01/2025)

>   Góc nhìn 15/01: Xuống ngưỡng 1,200? (14/01/2025)

>   Hưởng lợi chính sách, thị phần doanh nghiệp dược nội địa có thể gia tăng năm 2025 (15/01/2025)

>   Ông Trương Hiền Phương (KIS Việt Nam): Nâng hạng là “từ khóa” của thị trường chứng khoán năm 2025 (15/01/2025)

>   Tháng 1 giảm điểm mở ra nhiều cơ hội "sắm Tết" cho chứng sĩ (14/01/2025)

>   Góc nhìn 14/01: Xu hướng phục hồi đang dần được củng cố? (13/01/2025)

>   Nâng hạng TTCK là điều kiện có trước để phát triển trung tâm tài chính quốc tế (13/01/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật