Cập nhật
Góc nhìn 15/01: Xuống ngưỡng 1,200?
Cho rằng thị trường hiện tại vẫn khá rủi ro, BSC lưu ý nhà đầu tư không nên bỏ qua trường hợp VN-Index tiếp tục lùi xuống ngưỡng 1,200.
Giảm dưới vùng 1,245-1,255
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Xu hướng ngắn hạn VN-Index suy giảm dưới vùng kháng cự gần nhất 1,245-1,255 điểm. Xu hướng ngắn hạn chỉ cải thiện khi vượt lên lại kháng cự này.
Trong ngắn hạn, nên hạn chế bán khi VN-Index điều chỉnh về vùng giá 1,200-1,220 điểm. Nhiều mã ở vùng giá tương đối hấp dẫn so với nội tại doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng trung dài hạn, có thể dần xem xét tích lũy. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.
Điều chỉnh là chủ đạo
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Tâm lý thận trọng vẫn đang chi phối phần lớn các bên cầm tiền, và dòng tiền bắt đáy mới chỉ cho thấy tín hiệu thăm dò nhất định. Mặc dù thanh khoản khớp lệnh bán chủ động chỉ đạt ngưỡng thấp, VN-Index tạm thời chưa thoát khỏi xu hướng giằng co với thế điều chỉnh là chủ đạo, khi thiếu vắng lực cầu nâng đỡ.
Thăm dò cung cầu
CTCK Rồng Việt (VDSC): Thị trường thận trọng tại vùng 1,235-1,240 điểm và lùi bước trở lại. Quá trình thăm dò cung cầu có thể tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo (15/01). Tuy nhiên, tín hiệu hỗ trợ vào ngày 13/01 có thể vẫn còn tác động nâng đỡ thị trường trong thời gian tới.
Nhà đầu tư vẫn cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro hoặc cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro cho đến khi thị trường có diễn biến tạo nền hỗ trợ tốt.
Tiếp tục rung lắc
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước sẽ tiếp tục diễn biến rung lắc trong phiên 15/01 và các phiên sắp tới cho đến khi các yếu tố vĩ mô ổn định trở lại. Tuy nhiên, theo quan điểm Aseansc, những bất ổn về vĩ mô đang đi vào những giai đoạn cuối cùng, nhà đầu tư nên sẵn sàng lượng tiền mặt để thiết lập vị thế danh mục chắc chắn trước bối cảnh thanh khoản thị trường cạn kiệt và định giá rất hấp dẫn, có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực.
Aseansc đánh giá cao TTCK Việt Nam trong trung và dài hạn với nhiều điều kiện hỗ trợ như triển vọng nâng hạng thị trường và tiềm năng tăng trưởng tốt của nội tại nền kinh tế, đồng thời về dài hạn, DXY giảm vẫn sẽ là xu hướng tất yếu trong môi trường nới lỏng chính sách tiền tệ, dòng vốn vẫn sẽ dần quay trở lại thị trường đầu tư mới nổi và có tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam.
Áp lực bán vẫn còn
CTCK Tiên Phong (TPS): VN-Index tạo một vị thế khá tiêu cực khi một lần nữa giảm về ngưỡng 1,230 điểm. Chỉ báo RSI của VN-Index và VN30 đều đang hướng đến ngưỡng quá bán và trong ngắn hạn, áp lực bán vẫn còn và khả năng giá sẽ tìm xuống những vùng ở dưới như vùng 1,220 điểm. Khi thanh khoản chưa có sự tăng trưởng ổn định, các nhịp rung lắc sẽ rất dễ xảy ra. Đối với nhà đầu tư có mức độ chịu đựng rủi ro thấp, nên đợi phiên tăng có thanh khoản bùng nổ để tham gia giải ngân.
Lực cầu bắt đáy chưa rõ nét
CTCK Đông Á (DAS): Chỉ số VN-Index đã giảm về mức thấp nhất một tháng qua nhưng lực cầu bắt đáy chưa rõ nét. Trong 9 tháng qua, VN-Index đã đạt mức đỉnh trung hạn 1,300 điểm rồi chuyển sang đi ngang với biên độ rộng, trong đó nhiều lần nỗ lực nhưng không vượt đỉnh.
Chiến lược giao dịch nhà đầu tư có thể nắm giữ danh mục đầu tư trung dài hạn. Đối với các giao dịch ngắn hạn có thể chờ đợi thêm tránh rủi ro cao do diễn biến thị trường thanh khoản thấp mùa nghỉ lễ.
Xuống ngưỡng 1,200
CTCK BIDV (BSC): Sau khi hoàn thành mô hình hai đỉnh, VN-Index đang dò đáy trong vùng 1,225-1,235. Trong phiên 15/01 và những phiên tới, chỉ số cần giao dịch với biên độ chặt chẽ hơn để hình thành đáy.
Thị trường hiện tại vẫn khá rủi ro, nhà đầu tư không nên bỏ qua trường hợp VN-Index tiếp tục lùi xuống ngưỡng 1,200.
Chưa thể đảo chiều giảm
CTCK Agribank (Agriseco Research): Xu hướng ngắn hạn vẫn đang là giảm điểm và chưa thể đảo chiều bởi cần tín hiệu xác nhận. Tuân thủ kỷ luật chốt lời/cắt lỗ nếu cổ phiếu gãy xu hướng và chưa thực hiện giải ngân mới nếu tỷ trọng cổ phiếu >50%.
Biến động gần vùng 1,230-1,240
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động gần vùng 1,230-1,240 điểm trong phiên kế tiếp (15/01). Đồng thời, các chỉ báo đã giảm về vùng quá bán nên thị trường vẫn có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong những phiên tới và các nhà đầu tư cần hạn chế bán ra ở giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang bi quan.
Chiến lược ngắn hạn (dưới 1 tháng): Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu 40-50% danh mục và quan sát (tức là hạn chế mua/bán trong giai đoạn này).
Phục hồi đến vùng 1,250 ở kịch bản tích cực
CTCK Vietcap (VCI): Trong ngày mai (15/01), ngưỡng 1,220 (+/-5) điểm là hỗ trợ và kháng cự trong phiên là vùng giá 1,235 điểm. Tiếp tục chịu áp lực bán và đóng cửa vi phạm hỗ trợ sẽ xóa bỏ nỗ lực tăng giá trong phiên 13/01 và đưa chỉ số về vùng giá thấp (1,200 điểm) trong những phiên tiếp theo. Tuy nhiên, ở kịch bản tích cực, đóng cửa vượt kháng cự đi kèm thanh khoản cải thiện sẽ sẽ tạo điều kiện cho hoạt động mua mới gia tăng và hình thành giai đoạn phục hồi đến vùng giá 1,250 điểm.
Tùng Phong
FILI - 18:21:50 14/01/2025
|