Chủ tịch Phan Văn Mãi: TPHCM sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng trung tâm tài chính
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng trung tâm tài chính (TTTC), xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ TTTC.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo.
|
Tại Hội thảo "Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam" diễn ra tại Đà Nẵng vào chiều ngày 16/1, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ về những thuận lợi để phát triển TTTC quốc tế tại TPHCM.
Theo đó, thứ nhất về quy mô kinh tế, TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước với quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2024 ước khoảng 73.8 tỷ USD, tương đương 15.5% GDP cả nước. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 ước thực hiện 508,553 tỷ đồng, đóng góp gần 25% thu ngân sách cả nước.
Thứ hai về quy mô dân số, đây cũng là thành phố có quy mô dân số lớn nhất cả nước (hơn 9.5 triệu người). Với dân số đông và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, TPHCM là thị trường lớn cho các sản phẩm dịch vụ tài chính, bảo hiểm, và đầu tư…
Thứ ba về cơ sở hạ tầng, TPHCM đóng vai trò là đầu mối giao thông liên kết vùng và là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển và sân bay lớn. Cùng với việc triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm kết nối như xây dựng và sớm đưa vào khai thác sân bay Long Thành-Đồng Nai, và một loạt các dự án hạ tầng khác như hoàn thiện hệ thống đường Vành đai 3, 4; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ … sẽ tạo thêm khả năng kết nối hiệu quả, mở ra không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cũng như quốc tế.
Thứ tư về quy mô thị trường vốn, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đến cuối năm 2024 đạt khoảng 3.9 triệu tỷ đồng, bằng 2.2 lần so với GRDP của thành phố.
Thứ năm về quy mô thị trường chứng khoán, đến hết năm 2024, giá trị vốn hóa cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đạt hơn 5.2 triệu tỷ đồng, chiếm 93.92% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Số lượng chứng khoán niêm yết tại HOSE là 527 mã chứng khoán niêm yết, trong đó có 40 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Thứ sáu về nguồn nhân lực, yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của các TTTC, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Theo đánh giá của các chuyên gia, TPHCM có lực lượng lao động trẻ, trình độ cao nhưng có chi phí phải chăng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và lập trình. Thành phố cũng là nơi tập trung mạng lưới các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp nhân lực về khoa học công nghệ, tài chính...
TPHCM là trung tâm dịch vụ tài chính số của Việt Nam, thị trường dẫn đầu về tỉ lệ áp dụng các công nghệ tài chính cùng hệ sinh thái tài chính.
|
Bên cạnh đó, TPHCM cũng là trung tâm dịch vụ tài chính số của Việt Nam, thị trường dẫn đầu về tỉ lệ áp dụng các công nghệ tài chính cùng với hệ sinh thái tài chính tập trung hơn 50% công ty khởi nghiệp Fintech, cùng với lực lượng lao động, lập trình viên có trình độ, tay nghề cao với mức chi phí rất cạnh tranh so với các nước trong khu vực; có thể tạo được lợi thế và hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho TTTC quốc tế Việt Nam.
Báo cáo xếp hạng các TTTC toàn cầu cũng đánh giá TPHCM là TTTC mới nổi, đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên còn thiếu tính kết nối, đa dạng và chuyên môn hóa.
"Vì vậy, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành TTTC quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho thành phố, không chỉ là quyết tâm, trách nhiệm mà còn đòi hỏi nỗ lực thực hiện, vừa học vừa làm, phối hợp cùng nhau giữa Trung ương, các bộ, ngành và các thành phố", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trao đổi về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng TTTC, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ TTTC.
Cùng với đó là xây dựng và triển khai phương án đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho TTTC; phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và thành lập tổ chức bộ máy quản lý, điều hành TTTC...
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức hoạch định tài chính, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, hợp tác trong việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để TTTC bắt kịp chuẩn mực thông lệ quốc tế. Từ đó, hiện thực hóa được mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
"Cao hơn là kỳ vọng trong tương lai các TTTC của Việt Nam sẽ đóng vai trò là TTTC quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, có đủ năng lực để tận dụng cơ hội dịch chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế, kết nối các thị trường tài chính và trở thành một TTTC toàn diện được quốc tế công nhận", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ.
Nhật Quang
FILI - 08:28:00 17/01/2025
|