Thứ Ba, 31/12/2024 11:35

Hà Nội sẽ làm 15 tuyến đường sắt đô thị

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành hơn 410km đường sắt đô thị, đến năm 2065 mạng lưới đường sắt đô thị sẽ gồm 15 tuyến/đoạn tuyến với tổng chiều dài hơn 616km.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành GTVT vào chiều 30/12, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của Hà Nội gồm 15 tuyến/đoạn tuyến với tổng chiều dài khoảng 616,9km.

Đến nay, Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác 21,5km của tuyến số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông, dài 13km) và tuyến số 3 trên cao (đoạn Nhổn - Cầu Giấy, dài 8,5km), chiếm khoảng 4% trên tổng số 616,9km.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội. Ảnh: T. Hải

Ông Thường cho biết, nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%, UBND TP đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ GTVT xây dựng, hoàn chỉnh Đề án tổng thể đầu tư xây dựng ĐSĐT Thủ đô.

Hiện nay đề án đã được Chính phủ xem xét, thống nhất báo cáo Bộ Chính trị thông qua và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025 làm cơ sở cho TP Hà Nội triển khai theo đúng tiến độ yêu cầu của Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 410,8km ĐSĐT theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô.

Giai đoạn tiếp theo (2036-2045), phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 200,7km, nâng tổng số chiều dài hệ thống ĐSĐT lên khoảng 616,9km.

Ông Thường nhìn nhận, đây là kế hoạch đầy thách thức, do đó, Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm ưu tiên bố trí vốn đầu tư; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô; rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án.

Các giải pháp phát triển hệ thống đường sắt đô thị

Về giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống ĐSĐT tại Thủ đô, ông Thường đề xuất hàng loạt giải pháp, gồm:

Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; xây dựng, ban hành khung chính sách thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án.

Trong đó, tập trung, ưu tiên tối đa bố trí vốn đầu tư cho đường sắt đô thị; đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt, kết hợp đa dạng hóa nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để giảm áp lực huy động vốn từ nguồn ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chuyên ngành cho đường sắt đô thị. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt và công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; tăng cường, đa dạng hóa liên kết, hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt, đặc biệt là công nghệ ĐSĐT và đường sắt tốc độ cao.

Cuối cùng là tuyển chọn tư vấn quốc tế có đủ trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và quản lý dự án.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành hơn 410km đường sắt trên cao. Ảnh: H. Hiếu 

Thay mặt UBND TP, ông Thường kiến nghị Bộ GTVT: Chủ trì, phối hợp, hỗ trợ Thủ đô hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư tổng thể toàn bộ mạng lưới ĐSĐT của thành phố và các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện.

Sớm hoàn thiện quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu đầu mối TP Hà Nội bảo đảm đồng bộ, có tính kết nối với mạng lưới quy hoạch đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng của TP Hà Nội.

Chủ trì, phối hợp với TP Hà Nội trong công tác xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến ĐSĐT của thành phố, hướng tới hoàn thiện bộ khung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ĐSĐT của cả nước.

Xây dựng chiến lược và thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung quy hoạch, xây dựng, phát triển các khu công nghiệp đường sắt, ĐSĐT nhằm bảo đảm tính liên thông, đồng bộ cho toàn bộ hệ thống.

10 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch GTVT Thủ đô gồm:

Tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên dài hơn 38km;

Tuyến số 2, Nam Thăng Long (kéo dài đi Sóc Sơn) dài hơn 47km;

Tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, kéo dài Xuân Mai dài 33km;

Tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, kéo dài đến Sơn Tây dài 57km;

Tuyến số 4, Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà dài 54km;

Tuyến số 5, Văn Cao - Hòa Lạc dài 38km;

Tuyến số 6, Nội Bài - Ngọc Hồi dài 43km;

Tuyến số 7, Hà Đông - Mê Linh dài 28km;

Tuyến số 8, đoạn Sơn Động - Mai Dịch, kéo dài đến Dương Xá dài 39km;

Tuyến số 9, Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai dài 32km.

5 tuyến bổ sung theo điều chỉnh Quy hoạch chung gồm:

Tuyến 1A, Ngọc Hồi - sân bay thứ 2 phía Nam dài 29 km;

Tuyến số 9, Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá dài 48km;

Tuyến số 10, Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 12km;

Tuyến số 11, vành đai 2 - trục phía Nam - sân bay thứ 2 phía Nam, dài 42km;

Tuyến số 12, Xuân Mai - Phú Xuyên dài 45km.

N. Huyền

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Đồng Nai chốt làm cầu Cát Lái (31/12/2024)

>   19 dự án giao thông quan trọng sẽ khởi công trong năm 2025 (30/12/2024)

>   Đưa vào khai thác gần 15km cầu cạn Vành đai 3, đoạn qua TP Thủ Đức cuối năm 2025 (30/12/2024)

>   Bắc Giang có thêm khu công nghiệp thứ 6 được chấp thuận đầu tư trong năm 2024 (29/12/2024)

>   Bãi bỏ 12 thông tư về tài chính đất đai (28/12/2024)

>   Thêm một khu công nghiệp rộng hơn 287ha tại Đồng Nai được chấp thuận đầu tư (29/12/2024)

>   Đầu tư hơn ngàn tỷ mở rộng Khu công nghiệp Rạch Bắp thêm 360ha (28/12/2024)

>   3 công trình cùng về đích ngày 30/12, kéo giảm ùn tắc khu Nam TPHCM (27/12/2024)

>   Tính toán lại khả năng cân đối vốn khi đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt (25/12/2024)

>   Loạt tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành được đôn đốc xử lý vướng mắc (24/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật