Thứ Ba, 31/12/2024 11:30

Đồng Nai chốt làm cầu Cát Lái

Sau khi tính toán phương án là cầu và hầm để thay thế phà Cát Lái kết nối TPHCM và Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất lựa chọn phương án xây cầu.

Ngày 30/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng chủ trì buổi làm việc với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo tiến độ thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái) theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Theo đơn vị tư vấn, dự án Cầu Cát Lái có điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy, thành phố Thủ Đức, TPHCM khoảng 400m; điểm cuối dự án kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Tổng chiều dài tuyến nghiên cứu hơn 11.3km, quy mô mặt cắt ngang gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Đối với phần hướng tuyến đường dẫn cầu Cát Lái trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, quá trình triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hướng tuyến dự án theo quy hoạch có sự chồng lấn của một số dự án, khu di tích lịch sử quốc gia với chỉ giới xây dựng tuyến đường.

Trong đó, trường hợp chồng lấn quy hoạch giữa tuyến đường với khu dân cư Tân Phú Hữu, khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt, đơn vị tư vấn đề xuất phương án sẽ điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Riêng với phần diện tích chồng lấn giữa tuyến đường với khu vực bảo vệ di tích địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn, đơn vị tư vấn đưa ra các phương án xây dựng cầu cạn trên cao, xây dựng hầm chui và điều chỉnh nắn tuyến qua khu vực này. Qua phân tích các yếu tố liên quan, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án điều chỉnh hướng tuyến qua khu vực bảo vệ di tích địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn. Cụ thể, phương án được kiến nghị lựa chọn là tuyến điều chỉnh về phía Tây của tuyến quy hoạch, cơ bản bám theo hướng tuyến quy hoạch.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với phương án điều chỉnh hướng tuyến mà đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp với Sở Xây dựng, huyện Nhơn Trạch tiếp tục khảo sát để hoàn thiện phương án điều chỉnh hướng tuyến vừa tránh được khu vực bảo vệ di tích địa điểm vụ thảm sát Giồng Sắn cũng như hệ thống lưới điện trong khu vực.

Phà Cát Lái nối Đồng Nai và TPHCM

Dự án xây dựng cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh tính đến nay đã được ấp ủ khoảng 20 năm, nhằm thay thế phà Cát Lái.

Bà Nguyễn Thị Hoàng giao Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai và đơn vị tư vấn làm việc với ngành chức năng Thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất phương án xây dựng cầu Cát Lái. Các đơn vị xem xét, hoàn thiện hướng tuyến dẫn lên cầu Cát Lái, hạn chế tối đa tuyến đường đi qua các công trình tôn giáo, chồng lấn với các quy hoạch khác.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án thay thế phà Cát Lái gồm xây cầu; hầm dìm và hầm khoan vượt sông. Tất cả các phương án này đều bao gồm phần cầu và đường dẫn 2 đầu cầu (gọi chung là dự án).

Dự án có vận tốc thiết kế từ 80-100 km/h, gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; chiều dài dự án hơn 11km, điểm đầu của tuyến tại đường Nguyễn Thị Định (thành phố Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh), điểm cuối kết nối với cao tốc Bến Lức-Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Trong đó, dự án xây cầu có tổng chi phí đầu tư hơn 19,000 tỷ đồng, làm hầm dìm chi phí trên 24,500 tỷ đồng, hầm khoan chi phí trên 33,000 tỷ đồng.

Với phương án hầm dìm, hầm sẽ được xây dựng ở độ sâu khoảng 3 m so với mặt đất hiện hữu, chiều dài hầm qua sông 800m (gấp đôi so với hầm Thủ Thiêm-Thành phố Hồ Chí Minh, hầm vượt sông duy nhất ở Việt Nam). Do hầm dài nên quá trình xây dựng có nhiều thách thức.

Về hầm khoan, sẽ được xây dựng ở độ sâu hàng chục mét so với mặt đất hiện hữu mới đảm bảo an toàn (trong khi độ sâu nước sông đoạn làm hầm chỉ khoảng 18 m), quá trình thi công hầm khoan rất phức tạp, chỉ phù hợp khi phải làm hầm dài nhiều km.

Theo đơn tư vấn, hầm vượt sông khi hoàn thành mỗi năm cần khoảng 100 tỷ đồng để vận hành, bảo dưỡng, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng cầu khoảng 10 tỷ đồng/năm. Nếu làm cầu Cát Lái, cầu sẽ có chiều dài hơn 3,000m, rộng 33m. Việc xây cầu Cát Lái có nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật.

Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   19 dự án giao thông quan trọng sẽ khởi công trong năm 2025 (30/12/2024)

>   Đưa vào khai thác gần 15km cầu cạn Vành đai 3, đoạn qua TP Thủ Đức cuối năm 2025 (30/12/2024)

>   Bắc Giang có thêm khu công nghiệp thứ 6 được chấp thuận đầu tư trong năm 2024 (29/12/2024)

>   Bãi bỏ 12 thông tư về tài chính đất đai (28/12/2024)

>   Thêm một khu công nghiệp rộng hơn 287ha tại Đồng Nai được chấp thuận đầu tư (29/12/2024)

>   Đầu tư hơn ngàn tỷ mở rộng Khu công nghiệp Rạch Bắp thêm 360ha (28/12/2024)

>   3 công trình cùng về đích ngày 30/12, kéo giảm ùn tắc khu Nam TPHCM (27/12/2024)

>   Tính toán lại khả năng cân đối vốn khi đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt (25/12/2024)

>   Loạt tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành được đôn đốc xử lý vướng mắc (24/12/2024)

>   Metro số 1 vận hành ngày đầu: Lượng khách gấp 5 lần dự kiến (24/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật