Thứ Tư, 25/12/2024 22:58

Tính toán lại khả năng cân đối vốn khi đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

Bộ GTVT có văn bản báo cáo Chính phủ về việc đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo quy hoạch, tổng chiều dài tuyến Nha Trang - Liên Khương dài khoảng 99 km (điểm đầu giao cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà; điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương - Prenn tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất trước mắt đầu tư đoạn tuyến Nha Trang - Đà Lạt dài 80.8km (điểm đầu giao cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà; điểm cuối giao với Quốc lộ 27C tại ngã ba Đarahoa, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh (chiều rộng nền đường 22-24.75m), vận tốc thiết kế 80 - 100km/h. Đoạn còn lại dài 18.2km sẽ đầu tư khi có nhu cầu và cân đối về nguồn lực.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25,058 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 1,171 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị 18,889 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 1,511 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng 427 tỷ đồng; chi phí dự phòng 3,060 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án năm 2024-2028, trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2024-2025; giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026-2028.

Địa phương chưa báo cáo về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn dự án

Bộ GTVT khẳng định quy mô đầu tư dự án là phù hợp theo quy hoạch được duyệt. Theo nghiên cứu sơ bộ trong hồ sơ, lưu lượng xe trên cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đến năm 2030 khoảng 7,334 xe/ngày/đêm (tương ứng 2 làn xe), đến năm 2035 khoảng 10,827 xe/ngày/đêm (tương ứng với 4 làn xe). Như vậy, việc đầu tư dự án trước năm 2030 theo đề xuất của địa phương để đáp ứng nhu cầu vận tải là có cơ sở.

Theo đề nghị của địa phương, dự án được đề xuất hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của ngành GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết khả năng cân đối vốn để đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trong giai đoạn 2026-2030 rất khó khăn. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cho dự án từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Mặt khác, các địa phương chưa báo cáo về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án nên chưa có cơ sở xem xét, đánh giá việc triển khai đầu tư dự án trước năm 2030 nên cần bổ sung đánh giá về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.

Cần tính toán lại suất đầu tư

Về sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25,058 tỷ đồng, chi phí xây dựng của dự án này được xác định trên cơ sở suất vốn đầu tư của Dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, chi phí thiết bị được xác định theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác được xác định bằng 8% chi phí xây dựng và thiết bị; chi phi phí dự phòng khoảng 15% là phù hợp theo quy định.

Bộ GTVT đánh giá suất đầu tư của dự án khoảng 290 tỷ đồng/km đang cao hơn suất vốn đầu tư Dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 (275 tỷ đồng/km) và cao hơn suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành (193 tỷ đồng/km). Vì vậy, cơ quan này khuyến cáo trong bước lập chủ trương đầu tư sẽ cần tính toán, chuẩn xác lại tổng mức đầu tư.

Với việc Chính phủ đã đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc có vốn đầu tư công, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hoà làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hoà) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo hình thức PPP.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các bước tiếp theo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án; trong đó lưu ý tiếp thu những nội dung nêu trên để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1.5 - 2 giờ (so với hiện tại khoảng 3.5 - 4 giờ).

Đồng thời, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc.

Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt hơn 25 ngàn tỷ

Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   Loạt tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành được đôn đốc xử lý vướng mắc (24/12/2024)

>   Metro số 1 vận hành ngày đầu: Lượng khách gấp 5 lần dự kiến (24/12/2024)

>   Khởi công đường Vành đai 1 thành phố Long Khánh hơn 1.3 ngàn tỷ (23/12/2024)

>   Khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới với tổng mức đầu tư 635 tỷ (21/12/2024)

>   Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đủ điều kiện vận hành thương mại (21/12/2024)

>   Metro số 1 đã về đích và hơn 500 km phía trước (20/12/2024)

>   Hà Nội điều chỉnh quy hoạch khu đô thị S5 thuộc huyện Thanh Trì (19/12/2024)

>   Huế sắp có 2 khu du lịch nghỉ dưỡng tổng diện tích hơn 770ha (18/12/2024)

>   Chính phủ yêu cầu chuẩn bị khởi công mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trong Quý 2/2025 (18/12/2024)

>   Năm 2025, triển khai xây dựng metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (17/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật