Thứ Sáu, 20/12/2024 10:02

Metro số 1 đã về đích và hơn 500 km phía trước

Ngày 22/12 tới, người dân TP.HCM sẽ chào đón một trong những sự kiện có ý nghĩa đối với thành phố, đó là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại từ ngày 22/12, đúng như cam kết của lãnh đạo thành phố là không để leo qua năm 2025 và không thể thất hứa thêm lần thứ 6 với người dân thành phố.

Song song với các công đoạn cuối cùng trong việc chỉnh trang các ga dừng, khu vực bãi xe, các trạm xe buýt điện trung chuyển… thì ở một chiều không gian khác, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 còn đang cùng với Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast) thực hiện "số hóa" tuyến metro số 1. Đó là các công đoạn quét 3D laser scan, khảo sát bằng máy bay không người lái kết hợp Lidar và máy ảnh chụp 3D đặc biệt, độ phân giải siêu cao, đa lens. Chúng sẽ không thể thực hiện được tại nhiều khu vực khi tàu bắt đầu lăn bánh, để đảm bảo an toàn tuyệt đối đồng thời giúp tối ưu hóa công tác vận hành, khai thác và đặc biệt là việc bảo trì công trình tuyến metro số 1.

Với việc đưa vào khai thác tuyến metro số 1 - cũng là tuyến metro đầu tiên của TP.HCM và khu vực phía Nam, diện mạo thành phố nói chung, hệ thống giao thông công cộng nói riêng sẽ có nhiều thay đổi, khởi sắc. Ngoài góp phần giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, kéo giãn vấn nạn kẹt xe trên toàn tuyến, nhất là các điểm cửa ngõ thành phố; gia tăng tốc độ vận chuyển từ trung tâm đến các điểm trên cung đường phía Đông thì kéo theo là sự đổi thay để tương thích với tính chất, công năng của loại hình phương tiện giao thông hiện đại này.

Đó là chưa nói đến bản thân người dân khi tham gia phương tiện metro cũng sẽ tính toán, sắp xếp lại thời gian, lộ trình, chi phí để thích ứng với cách di chuyển mới này. Hiệu quả đầu tiên là thời gian di chuyển từ Suối Tiên lên tới Bến Thành sẽ nhanh hơn và rẻ hơn nhiều so với các phương tiện giao thông cá nhân.

Ngày 18/12, Ban Quản lý Đường sắt đô thị cho biết đơn vị thi công đang chạy đua nước rút để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời, đấu nối đóng điện tuyến cáp ngầm cao thế 110kV phục vụ xây dựng nhà ga S2 - Tao Đàn, dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Tại ga S4-Hòa Hưng, nhà thầu đang thực hiện thi công hào cáp và hầm nối, kéo cáp dự kiến hoàn thành trước ngày 26/12 và thi công kéo cáp, đấu nối điện hoàn thành trước 20/1/2025. Hiện UBND quận 3, Tân Bình cũng đã bàn giao mặt bằng cuối cùng để sẵn sàng triển khai các công đoạn cuối, chuẩn bị cho lễ khởi công dự án vào năm 2026.

Được biết, ga S2-Tao Đàn có vai trò quan trọng khi nó tiếp nối với ga Bến Thành để tuyến metro số 2 vận hành.

Như vậy, ngay trước khi metro số 1 chính thức vận hành thì metro số 2 đã khởi động những hạng mục cơ bản ở các vị trí nhà ga quan trọng, để làm sao đảm bảo tiến độ khởi công metro số 2 sau 1 năm metro số 1 khai thác thương mại.

Cũng trong ngày 22/12 này, dự kiến Bộ Chính trị sẽ ban hành kết luận sau khi Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải đã thông qua tờ trình của 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM về phát triển mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2035, tầm nhìn 2045. Tờ trình này đã được Bộ trình Bộ Chính trị vào ngày 9/12 vừa qua.

Theo đó, tại TP.HCM, mục tiêu từ nay đến năm 2035, sẽ phải hoàn thành 350 km, đến năm 2045 hoàn thành thêm 155 km. Cụ thể: Depot Long Bình - Bến Thành - An Hạ 40.8 km; Củ Chi - Thủ Thiêm 62.17 km; Bến Thành - An Hạ 45.81 km; Đông Thạnh - Khu đô thị Hiệp Phước 47.3 km; Long Trường - depot Đa Phước 53.9 km; Vành đai trong 53 km; Đa Phước - Bình Mỹ Củ Chi 42.8 km; An Hạ - Bình Triệu 28.3 km; Vành đai ngoài 83.94 km.

Như vậy là sau khu vực phía Đông được metro số 1 bao phủ thì metro số 2 và các tuyến tiếp theo sẽ có độ phủ rộng khắp cả khu vực phía Tây Bắc và khu Nam thành phố. Để kịp về đích mà không phải kéo dài 20 năm (trên 20 km metro số 1) thì lộ trình được đặt ra cụ thể như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công phải hoàn thành vào năm 2027-2028; các công đoạn chuẩn bị dự án phải hoàn tất từ năm 2025-2027. Công trình phải được khởi công từ năm 2027 và chậm nhất vào năm 2028.

Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, đã có 43 cơ chế, chính sách đột phá được trình. Bao gồm 32 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền về cho địa phương.

Rõ ràng, hiệu ứng đầu tiên chính là sự nhanh nhạy, quyết liệt thông qua chủ trương đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của Bộ Chính trị; tiếp đến các Bộ, Ban ngành đã nhập cuộc bằng việc chủ động đề xuất các cơ chế cởi trói, phân công đầu việc đi kèm quyền hạn, thực lực cho trung ương, địa phương. Và tất nhiên, 2 thành phố lớn phải thật sự xem những tuyến metro vừa qua là một bài học xương máu để tập trung cho những cung đường metro phía trước.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Hà Nội điều chỉnh quy hoạch khu đô thị S5 thuộc huyện Thanh Trì (19/12/2024)

>   Huế sắp có 2 khu du lịch nghỉ dưỡng tổng diện tích hơn 770ha (18/12/2024)

>   Chính phủ yêu cầu chuẩn bị khởi công mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trong Quý 2/2025 (18/12/2024)

>   Năm 2025, triển khai xây dựng metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (17/12/2024)

>   Lời giải nào cho vấn nạn kẹt xe khi vào Vinhomes Grand Park? (16/12/2024)

>   Thủ tướng: Dứt khoát thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025 (16/12/2024)

>   Phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (14/12/2024)

>   Bình Phước: Động thổ Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành (14/12/2024)

>   Duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 3 hơn 1,400ha (14/12/2024)

>   Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tăng tổng mức đầu tư lên hơn 24,000 tỷ đồng (12/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật