Thứ Năm, 12/12/2024 13:35

Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tăng tổng mức đầu tư lên hơn 24,000 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu gồm 3 dự án thành phần và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư nên bắt buộc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Mặt bằng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu được bàn giao vẫn chưa đảm bảo công địa để triển khai thi công đồng loạt trên hiện trường - Ảnh: Báo Lao động

Công tác bàn giao mặt bằng để thi công Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2 (do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản) đến nay đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, mặt bằng được bàn giao vẫn chưa đảm bảo công địa để triển khai thi công đồng loạt trên hiện trường bởi Dự án thành phần 1 mới bàn giao được khoảng 67% mặt bằng, Dự án thành phần 2 bàn giao được khoảng 93.43%.

Các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1 (trên địa bàn thành phố Biên Hòa) chưa triển khai xây dựng; các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 2 (trên địa bàn huyện Long Thành) chưa hoàn thành. Công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật triển khai chậm, việc di dời, hoàn trả sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục (đặc biệt là các công trình đường điện trên 35KV, đường ống cấp nước đường kính trên 500), do đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.

Ưu tiên bàn giao các vị trí cần xử lý nền đất yếu

Trước tình hình trên, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc, khẩn trương, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư (đặc biệt là 2 khu tái định cư trên địa bàn thành phố Biên Hòa); tập trung ưu tiên bàn giao trước các vị trí cơ bản đã đủ thủ tục pháp lý, các vị trí xử lý nền đất yếu, cầu vượt, cống, hầm chui để các nhà thầu tổ chức triển khai thi công; đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền cho người dân... để có thể sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng.

Đối với nguồn vật liệu đất đắp, tỉnh Đồng Nai mới chấp thuận chủ trương khai thác được mỏ khu vực xã Phước Bình và phường Tam Phước với trữ lượng khai thác được khoảng 1.2/5.2 triệu m3 nhu cầu cho cả Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2. Dự án còn thiếu khoảng 4 triệu m3 đất đắp, nên cần phải sớm tìm được nguồn bổ sung để hoàn thành dự án đáp ứng tiến độ.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài khoảng 53.7km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34.2km; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 19,5km), đầu tư theo quy mô đường cao tốc 100km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4-6 làn xe theo từng đoạn; giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe.

Dự án được đặt mốc tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026 theo yêu cầu của nghị quyết Quốc hội và Chính phủ.

Bộ GTVT đề nghị tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận cho phép tiếp tục khai thác 2 mỏ khu vực xã Phước Bình và phường Tam Phước theo trữ lượng đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn, cho phép các nhà thầu thi công khảo sát và thực hiện các thủ tục để khai thác theo cơ chế đặc thù tại các mỏ khác (như khu vực đồi Pê Nôi, đồi 309 thuộc xã Cẩm Mỹ).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi vật liệu san lấp tại một phần khu vực quy hoạch (187ha) nhà ga T3 Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, Sở Tài nguyên và môi trường vẫn chưa có văn bản tham mưu và xem xét có ý kiến chính thức về phương án sử dụng nguồn đất đắp này để phục vụ thi công dự án.

Phải điều chỉnh chủ trương đầu tư

Với chi phí giải phóng mặt bằng tăng; bổ sung nút giao, cầu, hệ thống trạm thu phí... Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cũng bắt buộc phải bổ sung điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện nay của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng 4,080 tỷ đồng so với chi phí giải phóng mặt bằng tại tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 59/2022/QH15. Việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng vượt sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án cần bổ sung nút giao Mỹ Xuân-Ngãi Giao (giao với đường tỉnh đường tỉnh 991) tại Dự án thành phần 3 với tổng số tiền là 1,581 tỷ đồng; cập nhật chi phí xây dựng; bổ sung một số cầu trong nút giao, hệ thống trạm thu phí, trạm cân kiểm soát tải trọng xe... là 619 tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức đầu tư dự án dự kiến điều chỉnh tăng khoảng 6,280 tỷ đồng so với chủ trương của Quốc hội từ 17,837 tỷ đồng lên 24,117 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ về việc tăng chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư tại Dự án thành phần 1 và 2 để có cơ sở hoàn thiện công tác thẩm định nội bộ và hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, trình cấp có tham quyền theo quy định.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Sẽ có đường kết nối từ Hà Nội tới sân bay Gia Bình rộng 80-100m (11/12/2024)

>   Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Làng Vân gần 44 ngàn tỷ tại Đà Nẵng (10/12/2024)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương mở rộng toàn tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (10/12/2024)

>   Nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn thiếu vật liệu (09/12/2024)

>   Thẩm định dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành tốc độ 120km/h (09/12/2024)

>   Thủ tướng: Không lấy đấu thầu làm nơi trú ẩn cho quân xanh, quân đỏ (06/12/2024)

>   Công nhận thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại 2 (06/12/2024)

>   Lập khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng quy mô 20,000ha (06/12/2024)

>   3 công trình giải cứu kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất vỡ tiến độ về đích cuối năm (04/12/2024)

>   TPHCM điều chỉnh giấy tờ thế nào khi sáp nhập 80 phường? (03/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật