Thứ Ba, 17/12/2024 13:23

Cần có chính sách vượt trội để sớm hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những quyết sách chính trị lớn để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, tinh thần là chúng ta phải làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực chất, hiệu quả để sớm hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những quyết sách chính trị lớn để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Sáng ngày 17/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành chức năng, địa phương (TPHCM và Đà Nẵng) về kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị (Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam) và lãnh đạo Chính phủ, trên cơ sở nội dung Đề án về thành lập TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam được Bộ Chính trị phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, địa phương và các đối tác liên quan triển khai một số nhiệm vụ theo chỉ đạo, trong đó có trình lãnh đạo Chính phủ: Dự thảo Kế hoạch hành động về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về TTTC khu vực và quốc tế và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước có kinh nghiệm tư vấn phát triển TTTC (Viện Tony Blair, TheCityUK...) để kết nối các tổ chức, nhà đầu tư tiềm năng chuẩn bị triển khai các nhiệm vụ được giao.

Phải có các cơ chế, chính sách vượt trội

Theo kế hoạch dự kiến, TTTC quốc tế sẽ được thành lập tại TPHCM và TTTC khu vực sẽ được thành lập tại Đà Nẵng.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã đóng góp các ý kiến cụ thể đối với các nhiệm vụ chuẩn bị, triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; khẳng định yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện, nhất quán quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung của Đề án xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương tại Thông báo số 47 trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ để bứt phá.

Đồng thời, cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động trọng tâm, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp gắn với dự kiến sản phẩm đầu ra và thời gian hoàn thành cụ thể; đề nghị lãnh đạo UBND TPHCM cũng như Đà Nẵng xây dựng kế hoạch hành động, tập trung thể chế hóa các giải pháp, mô hình, chính sách áp dụng để xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bày tỏ thống nhất cao cao với dự thảo kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; khẳng định 2 thành phố đã và đang có sự chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng cho thành lập TTTC khu vực và quốc tế, trong đó có sự chuẩn bị chu đáo, tập trung nghiên cứu về cơ chế chính sách; nghiên cứu lập các tổ chức liên quan; xác định các nhiệm vụ đầu tư về hạ tầng; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức các nhóm học tập kinh nghiệp quốc tế…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ở nước ta, việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, song các bộ, ngành địa phương đã rất chủ động, quyết tâm và nỗ lực vào cuộc để triển khai; nêu rõ việc triển khai xây dựng TTTC khu vực và quốc tế cần được thực hiện trên tinh thần không cầu toàn, không nóng vội nhưng phải rất quyết liệt, khẩn trương; phải có các cơ chế, chính sách vượt trội; nêu rõ "các cơ chế chính sách phải là những cái người ta cần không phải là những cái chúng ta có" vì thế phải thông qua tư vấn, qua hoạt động kết nối để biết được thông tin nhà đầu tư cần gì, qua đó xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi.

'Cú hích' mạnh đối với nền kinh tế

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, là một trong những quyết sách chính trị lớn để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; tạo ra cơ chế, nguồn lực mới, là "cú hích" mạnh đối với nền kinh tế. Vì vậy, tinh thần là chúng ta phải làm việc hết sức khẩn trương, quyết liệt, thực chất, hiệu quả để sớm hình thành TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam với hệ thống các dự thảo văn bản được chuẩn bị công phu, chu đáo, chất lượng, đồng thời hoan nghênh các bộ, ngành, địa phương tham dự cuộc họp đã phát biểu, thể hiện rõ chính kiến, trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ quan trọng của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện Kế hoạch và các văn bản liên quan trong triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải chuẩn bị, thực hiện tốt công tác truyền thông và xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo đồng thuận xã hội, trong các cấp, các ngành, các cơ quan về thành lập TTTC; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về TTTC trong kêu gọi, thu hút đầu tư - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

"Chúng ta phải thực hiện nghiêm Kết luận của Bộ Chính trị, đây là trách nhiệm và bổn phận của chúng ta; phải rất nhanh chóng, quyết liệt, khẩn trương, không cầu toàn nhưng phải chín chắn nhất có thể. Chúng ta có lợi thế của người đi sau, những gì chúng ta chưa có kinh nghiệm thì chúng ta có thể học hỏi, tìm hiểu ở các TTTC lớn của khu vực và thế giới", Phó Thủ tướng phát biểu.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhất trí với đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về TTTC để chỉ đạo định hướng, chiến lược, điều phối bảo đảm vận hành thông suốt, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt là giai đoạn xây dựng cơ chế, chính sách; đồng thời cũng nhất trí với đề xuất thành lập Tổ công tác xây dựng TTTC tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng để lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập và vận hành TTTC.

Đề nghị tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về TTTC, trong đó có các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTC, dự thảo các văn bản quy định và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về TTTC…

Quan tâm bố trí, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển TTTC; chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước phục vụ cho quản lý, vận hành TTTC.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: "Phải làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho TTTC, nguồn nhân lực trong nước thì phải có kế hoạch đạo tạo cụ thể, cho đi học hỏi, thực tập; nguồn nhân lực nước ngoài phải có cơ chế để thu hút, mời gọi; phải bảo đảm khi vào việc, chúng ta có bộ máy ngay".

Đồng thời, phải chuẩn bị, thực hiện tốt công tác truyền thông và xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo đồng thuận xã hội, trong các cấp, các ngành, các cơ quan về thành lập TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam trong kêu gọi, thu hút đầu tư.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng cho ý kiến cụ thể đối với dự thảo Kế hoạch hành động về các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng TTTC tại Việt Nam, lộ trình triển khai, phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan; cho ý kiến về dự thảo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo về TTTC, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Tổng cục Hải quan: Tổng giá trị xuất nhập khẩu năm 2024 có thể vượt 780 tỷ USD (16/12/2024)

>   Bộ Chính trị cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hoà Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai (13/12/2024)

>   Kinh tế Việt Nam – Sức ép từ bất ổn bên ngoài đến những khó khăn nội tại (13/12/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm khó khăn cho dự án điện năng lượng tái tạo trước tháng 2/2025 (12/12/2024)

>   Bộ GTVT dự kiến giải ngân 87.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2025 (12/12/2024)

>   Nhiều cục, vụ thuộc Bộ Công Thương sẽ hợp nhất và có tên gọi mới (12/12/2024)

>   Chính phủ yêu cầu tăng tốc, bứt phá để đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024 (12/12/2024)

>   Standard Chartered: USD tăng mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6.7% trong năm 2025 (12/12/2024)

>   Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Muốn vươn mình thì bộ máy phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (11/12/2024)

>   Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là là 6.5% (11/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật