Thứ Sáu, 13/12/2024 09:02

Kinh tế Việt Nam – Sức ép từ bất ổn bên ngoài đến những khó khăn nội tại

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đột phá hơn trong năm 2025. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, cũng cần lường trước những bất ổn, khó khăn và thách thức sẽ phải đối mặt, để chuẩn bị các giải pháp hóa giải khi cần thiết.

Bối cảnh bất ổn bên ngoài

8% là mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) mà Chính phủ sẽ phấn đấu đạt được cho năm 2025, nhằm tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030. Con số này cao hơn so với kế hoạch tăng trưởng quanh 7% được Quốc Hội thông qua trong kỳ họp vào tháng 11. Và để thực hiện mục tiêu này, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu sẽ tiếp tục được củng cố, làm mới.

Tuy nhiên, dự báo của các tổ chức quốc tế không lạc quan được như vậy. Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam công bố ngày 12/12/2024, Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6.7% vào năm 2025, với mức tăng nửa đầu năm đạt 7.5% so với cùng kỳ năm trước và 6.1% trong nửa cuối năm, giữ nguyên so với dự báo gần nhất. Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) và HSBC cũng có cùng dự báo GDP Việt Nam năm 2025 có thể tăng 6.5%.

Bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu khó lường trong năm sau có lẽ là lý do khiến các tổ chức đưa ra những dự báo thận trọng. Trong khi cuộc chiến Nga - Ukraine chưa biết khi nào mới kết thúc, căng thẳng âm ỉ giữa Irsael với Iran và các đồng minh đang đe dọa xung đột quân sự lan rộng và có diễn biến khó lường hơn tại Trung Đông, mà diễn biến mới nhất là cuộc đảo chính tại Syria có thể mở ra những cuộc chiến mới tại khu vực.

Trong khi đó, ngay cả những nước phát triển cũng phát ra tín hiệu bất ổn. Lệnh thiết quân luật gần đây tại Hàn Quốc đã đẩy nền chính trị nước này vào thế rối ren, kéo theo áp lực khủng hoảng lên nền kinh tế và thị trường tài chính nước này. Còn tại cựu lục địa, Đức và Pháp cũng đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chính trị, khiến kinh tế khu vực liên minh châu Âu đối mặt với không ít sức ép.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ đã có một kỳ bầu cử tổng thống suôn sẻ và thành công, nhưng những chính sách khó lường về ngoại giao, kinh tế và thương mại của tân tổng thống Donald Trump dự kiến áp đặt không chỉ gây ra sự e ngại cho toàn cầu, ngay cả những đồng minh thân cận, mà còn có thể đặt nước Mỹ vào thế đối mặt với bóng ma lạm phát quay trở lại, cũng như sự trả đũa về kinh tế hay thương mại của các nước khác.

Tất cả những yếu tố này có thể khiến lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phải chậm lại, trong bối cảnh tăng trưởng và sức cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi vững chắc, trong đó một số quốc gia vẫn chưa thoát khỏi suy thoái như nước Đức. Các bất ổn chính trị trong nước cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nước, cũng như tác động đến các chính sách thương mại, từ đó ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, với tăng trưởng kinh tế những năm gần đây ngày càng phụ thuộc vào hoạt động thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tình trạng bất ổn địa chính trị và các chính sách bảo hộ thương mại nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam trong giai đoạn tới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Khó khăn nội tại

Ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, nội tại kinh tế Việt Nam cũng có thể đối mặt với không ít thách thức. Các căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự hay chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây áp lực lên giá năng lượng, nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào cho hoạt động sản xuất trong nước, cùng với chi phí vận tải và logistics neo cao. Tất cả điều này có thể gây thêm áp lực lên lạm phát trong năm sau.

Ngoài nguy cơ rơi vào tầm ngắm áp thuế từ phía Hoa Kỳ khi Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn với nước này, hoạt động xuất khẩu cũng đối mặt với sức ép cạnh tranh và các rào cản phi thuế quan ngày càng gia tăng. Những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, EU) đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng để duy trì và mở rộng thị trường, trong khi sự thay đổi này cần có thời gian cũng như chi phí chuyển đổi.

Theo đó, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước sức ép từ lạm phát, cũng như tỷ giá, khi đồng đô la Mỹ được dự báo sẽ mạnh trở lại dưới các chính sách của ông Trump. Vì vậy, mà gần đây đã xuất hiện một số dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể phải tăng lãi suất điều hành trong năm sau, mới đây nhất là Standart Chartered cho rằng lạm phát có thể tăng trở lại bắt đầu từ quý 2/2025 và NHNN sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý 2/2025. Như vậy, việc giữ được ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát sẽ là thách thức để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định môi trường đầu tư.

Ngoài nguy cơ rơi vào tầm ngắm áp thuế từ phía Hoa Kỳ khi Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn với nước này, hoạt động xuất khẩu cũng đối mặt với sức ép cạnh tranh và các rào cản phi thuế quan ngày càng gia tăng. Những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, EU) đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng để duy trì và mở rộng thị trường, trong khi sự thay đổi này cần có thời gian cũng như chi phí chuyển đổi.

Trong khi đó, các nguy cơ về biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường ô nhiễm và sự khan hiếm tài nguyên sẽ là những thách thức dài hạn cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt ở các ngành nông nghiệp, thủy sản, du lịch sẽ chịu tác động mạnh. Việt Nam cũng cần đầu tư vào hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải, nhưng những việc này sẽ phải tốn chi phí và nguồn lực không nhỏ, trong khi bài toán thiếu hụt năng lượng vẫn đang là một điểm nghẽn.

Đối với lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, Việt Nam đang chứng tỏ là một trong những quốc gia thích nghi và tiếp nhận nhanh nhất các công nghệ mới, cũng như tích cực số hóa ở cả khu vực Chính phủ lẫn tư nhân. Thời gian gần đây, Việt Nam cũng tăng cường thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, dịch vụ để nâng cao năng suất. Dù vậy, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là rào cản cho việc nâng tầm chuỗi giá trị.

Cuối cùng, định hướng tinh gọn bộ  máy đang mang đến sự hào hứng vì sẽ mang lại những lợi ích lâu dài, khi không chỉ giúp tiết kiệm chi thường xuyên để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, mà còn có thể giúp cắt giảm các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Tuy nhiên, bộ máy sau chuyển đổi, sáp nhật có lẽ cần có thời gian để vận hành trơn tru và suôn sẻ, trước khi thật sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm khó khăn cho dự án điện năng lượng tái tạo trước tháng 2/2025 (12/12/2024)

>   Bộ GTVT dự kiến giải ngân 87.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2025 (12/12/2024)

>   Nhiều cục, vụ thuộc Bộ Công Thương sẽ hợp nhất và có tên gọi mới (12/12/2024)

>   Chính phủ yêu cầu tăng tốc, bứt phá để đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024 (12/12/2024)

>   Standard Chartered: USD tăng mạnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6.7% trong năm 2025 (12/12/2024)

>   Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Muốn vươn mình thì bộ máy phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (11/12/2024)

>   Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là là 6.5% (11/12/2024)

>   TP Hồ Chí Minh phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 8.500 USD trong 2025 (11/12/2024)

>   ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam (11/12/2024)

>   TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào năm 2025 (09/12/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật