Thành lập Ban chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo Nghị quyết số 18 của Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, chiều 06/08/2024. Ảnh minh họa
|
Nghị quyết 18 năm 2017 của Trung ương hướng tới xây dựng một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức hành chính nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế. Việc giảm biên chế cũng được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Theo Nghị quyết, Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược. Các bộ, ngành chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ.
Chính phủ sẽ giảm bớt các ban quản lý dự án, hợp nhất các đơn vị làm việc giống nhau để giảm chi phí. Các cơ quan nhà nước được giao một nhiệm vụ cụ thể và phải chịu trách nhiệm với kết quả làm việc. Một số việc mà nhà nước không nhất thiết phải làm sẽ được giao cho các doanh nghiệp và tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Tháng 3/2023, Bộ Chính trị ban hành Thông báo 50 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 18. Bốn tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99 về Chương trình hành động nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các Bộ, ngành và địa phương được giao kiện toàn tổ chức thông qua việc rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ của các cơ quan, loại bỏ tình trạng chồng chéo, trùng lắp; hoàn thiện dự thảo Quyết định về chức năng, quyền hạn của Tổng cục và tổ chức tương đương.
Bộ Nội vụ có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo nguyên tắc "một việc, một cơ quan chủ trì". Các vấn đề còn giao thoa giữa các Bộ, ngành sẽ được giải quyết. Các địa phương kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Thời gian qua, các bộ ngành Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm được 90% phòng trong vụ.
Trong bài viết "Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả" mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời đặt ra "yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Tổng Bí thư đánh giá sau 7 năm thực hiện nghị quyết 18, Việt Nam đạt được một số kết quả, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ; một số bộ ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; nhiệm vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn chồng chéo...
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, để đạt được những mục tiêu chiến lược vào thời điểm 100 năm Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm lập nước không chỉ đòi hỏi "những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi". "Cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị", Tổng Bí thư khẳng định.
Tùng Phong
FILI
|