Xuất khẩu thủy sản tăng tốc trở lại: Tự tin vượt mục tiêu 10 tỷ USD
Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Nga với mức tăng 94,8%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Thái Lan với mức giảm 10,1%.
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thủy sản Minh Phú. (Ảnh: TTXVN)
|
Các thị trường chủ lực đang gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, giúp cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ghi nhận sự tăng tốc trở lại với mức tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu thủy sản đang tự tin sẽ đạt và vượt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024.
Quý 3 năm 2024 là giai đoạn đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam.
Hai thị trường lớn, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam trở về quỹ đạo tăng trưởng.
Bước sang quý 4, ngay tháng đầu tiên của quý này (tháng 10), xuất khẩu thủy sản đã đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên sau hơn 2 năm (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 năm 2024 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 18,5%, 16,8% và 15,4%.
Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Nga với mức tăng 94,8%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Thái Lan với mức giảm 10,1%.
Riêng trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng.
Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động như xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, Hàn Quốc 13%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những năm gần đây, Hoa Kỳ luôn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong 5 năm qua dao động từ 1,5-2,1 tỷ USD mỗi năm.
Mặc dù luôn phải đối mặt với các chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ vẫn rất lớn. Cùng với đó, chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Tứ Hải, thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: TTXVN phát)
|
Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ thời gian tới.
Tính tới cuối tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ mang về 1,85 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Trung Quốc có khả năng vượt Hoa Kỳ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì.
Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng này, Trung Quốc có thể trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam, VASEP dự báo.
Dù nền kinh tế châu Âu hồi phục chậm hơn so với Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng tín hiệu tích cực từ mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục, cho thấy triển vọng khả quan cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đến cuối tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại EU, thủy sản Việt Nam đang có thuận lợi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Những mặt hàng thủy sản được hưởng ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực đã cho những kết quả tăng trưởng xuất khẩu khả quan.
Điển hình, thuế hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU được giảm xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong khi Thái Lan, Ấn Độ chưa có FTA, Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%...
Ngay tại EU, bên cạnh những thị trường xuất khẩu chủ lực và truyền thống như Hà Lan, Đức, Pháp…, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa và cơ hội để khai thác hiệu quả hơn một số thị trường tiềm năng, thị trường ngách tại EU.
Thị trường EU có xu hướng phục hồi trở lại, giá cả thị trường và tiêu dùng ổn định hơn. Dự báo nhu cầu nhập khẩu và tiêu dùng mặt hàng thủy sản của EU những tháng cuối năm có thể tiếp tục tăng.
Cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU trong thời gian tới dự kiến sẽ có nhiều chuyển biến khi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tích cực đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản được hưởng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA trong khi phía đối tác cũng ưu tiên lựa chọn sản phẩm thủy sản từ Việt Nam do có mức giá cạnh tranh hơn và nguồn nguyên liệu ổn định.
Xét về mặt hàng, tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng lớn. Theo VASEP, tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi cá tra gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%.
Chỉ riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26% và 24%, vượt xa cá ngừ và mực bạch tuộc.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, năm 2024, cả tôm và cá tra sẽ tiếp tục là những sản phẩm chủ lực và có triển vọng tích cực, nhờ vào nhu cầu tăng trưởng và giá cả hồi phục tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Australia.
Dù ngành tôm và cá tra đang trong mùa cao điểm nhập khẩu, nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu trong nước. Các doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và các nguồn cung thay thế để tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thủy sản 10 tháng đạt gần 7,9 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Riêng nuôi trồng đạt trên 4,6 triệu tấn, tăng 3,8%; trong đó cá tra 1,44 triệu tấn, tăng 4,7%; tôm trên 1,1 triệu tấn, tăng 5%.
Tuy có những tín hiệu xuất khẩu tích cực, nhưng ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho rằng, giá thành sản xuất, chi phí thức ăn và thuốc thú y cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm ở Việt Nam còn khá cao.
Các quốc gia như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia cũng có ngành tôm phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ. Các rào cản thương mại và yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.
Thêm vào đó, việc kiểm soát chi phí, dịch bệnh, môi trường chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc giá tôm Việt Nam chưa đủ cạnh tranh so với các nước khác. Ngành hàng tôm Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để có vị thế trên thị trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, với mức tăng trưởng ấn tượng những tháng gần đây, đặc biệt trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản đã vượt 1 tỷ USD. Nếu 2 tháng còn lại của năm đạt 1,8 tỷ USD thì xuất khẩu thủy sản đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu năm 2024 là 10 tỷ USD./.
Bích Hồng
(TTXVN/Vietnam+)
|