Chủ Nhật, 10/11/2024 10:45

Lối ra nào cho các dự án điện mặt trời đang gặp vướng?

Hàng loạt dự án điện mặt trời đã xây dựng vẫn chưa thể vận hành hiệu quả do các vướng mắc về thủ tục hành chính, trong đó có giá FIT.

Tôi mới đọc thông tin tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư (sửa đổi) diễn ra ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra thực trạng đáng lo ngại về “rừng thủ tục” hành chính tại Việt Nam, về sự lãng phí thời gian, nguồn lực và cơ hội đang đè nặng lên doanh nghiệp và người dân ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Đây còn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ.

Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, hàng loạt dự án điện mặt trời đã xây dựng vẫn chưa thể vận hành hiệu quả do các vướng mắc về thủ tục hành chính, trong đó có giá ưu đãi (FIT). 

Nhiều dự án điện mặt trời đang cần gỡ vướng. Ảnh: Thạch Thảo

Loạt chỉ đạo gỡ vướng cho các dự án điện mặt trời

Bộ Công Thương đang được giao các giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các dự án năng lượng tái tạo, trong đó lưu ý phải vì lợi ích chung, cho khắc phục các sai phạm để đưa các dự án vào vận hành càng sớm càng tốt.

Theo đó, với các dự án điện mặt trời, điện gió đã được hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu của chủ đầu tư thì giao cho EVN là đơn vị công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) rà soát từng dự án và thống nhất với chủ đầu tư về phương án xử lý theo đúng kết luận thanh tra, nghĩa là dừng ngay hưởng giá FIT và chuyển sang hưởng giá chuyển tiếp. Còn tiền chênh lệch đã hưởng thì sẽ trả lại cho Nhà nước theo lộ trình để đảm bảo các dự án công trình vẫn vận hành được.

Với các dự án chồng lấn quy hoạch khoáng sản, thuỷ lợi và các quy hoạch khác thì các bộ, ngành chức năng chủ trì, phối hợp với các địa phương đánh giá lại lợi ích chung của việc phát triển điện trên địa bàn và các lĩnh vực kinh tế khác để điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành nhằm đảm bảo lợi ích chung, tránh lãng phí.

Với các dự án điện mặt trời được nêu tại Kết luận thanh tra số 1027/KL-BCT của Thanh tra Chính phủ ngày 28/4/2023 là không có căn cứ cơ sở pháp lý về quy hoạch thì có thể giao cho Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ, ngành địa phương rà soát, cập nhật quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong kỳ rà soát năm 2025.

Trong quá trình triển khai Kết luận 1027 và thực hiện cơ chế đặc thù này, nếu phát hiện các sai phạm của các tổ chức cá nhân liên quan thì cương quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Minh bạch hoá, thượng tôn pháp luật và cần “thấu tình đạt lý”

Việc cần phải có biện pháp khắc phục các sai phạm để minh bạch hóa, tạo ra môi trường kinh doanh bình đằng và thượng tôn pháp luật là chính xác. Tuy nhiên làm cách nào để sử dụng hiệu quả và phát huy đầy đủ, đồng đều các nguồn lực xã hội, áp dụng quy định pháp luật và chế tài pháp lý một cách “thấu tình đạt lý”, tạo sự ổn định và thịnh vượng của xã hội mới là điều nhân dân, doanh nghiệp mong mỏi các cấp lãnh đạo để tâm xem xét. 

Các đề xuất xử lý như trên cần được xem xét kỹ lưỡng, dưới góc độ thực tế, để không gây ra các hệ quả tiêu cực.

Đặc biệt, đề xuất liên quan đến việc dừng hưởng giá FIT, chuyển sang giá chuyển tiếp và trả lại tiền chênh lệch đã hưởng đối với các dự án chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận kết quả kiểm tra nghiệm thu.

Các dự án được triển khai với mục tiêu hưởng ưu đãi giá FIT, thực hiện với mặt bằng giá, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính tại từng thời điểm. Khi những dự án này bị cắt giảm giá bán điện về giá chuyển tiếp (tương ứng bị giảm từ 35% - 50% đối với điện mặt trời) cộng thêm việc phải trả lại tiền chênh lệch dẫn đến nguy cơ rất lớn các dự án sẽ sụp đổ, phá sản, tạo nhiều hệ lụy.

Trước hết, ảnh hưởng về an ninh, an toàn cung cấp điện: Với tổng công suất năng lượng tái tạo theo Bộ Công Thương thống kê lên tới 21.664 MW, chiếm 12,75% sản lượng toàn hệ thống, theo tôi hiểu, trong đó số lượng lớn các dự án (đặc biệt là các dự án điện mặt trời) đều không đáp ứng được yêu cầu có chấp thuận kiểm tra nghiệm thu trước khi COD. Như vậy, nếu biện pháp xử lý nêu trên được thực hiện sẽ dẫn tới khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án năng lượng tái tạo, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, an toàn cung cấp điện. 

Thứ hai, ảnh hưởng về hệ thống tài chính: Đặc thù hợp đồng mua bán điện (PPA) các dự án điện độc lập (IPP) ở Việt Nam đều không đủ điều kiện để chủ đầu tư (kể cả trong và ngoài nước) thực hiện thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài/quốc tế. Theo đó, gần như toàn bộ các dự án năng lượng tái tạo đều được thực hiện trên cơ sở vay vốn nội địa. Việc các dự án bị ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tài chính hoặc đối diện với nguy cơ phá sản dẫn đến việc không đảm bảo khả năng trả nợ sẽ gây ra hệ lụy nặng nề với hệ thống tài chính trong nước.

Thứ ba, ảnh hưởng về kinh tế - xã hội: Việc các dự án bị ảnh hưởng nặng nề hoặc phá sản sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế địa phương cũng như gây nhiều hệ lụy về mặt xã hội, với gánh nặng số lượng lớn người lao động (trực tiếp và gián tiếp) bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thu nhỏ quy mô hoặc phá sản. 

Thứ tư, tạo ra bức xúc, làm lãng phí nguồn lực xã hội; ảnh hưởng môi trường đầu tư.

Cần lưu ý rằng, việc công trình xây dựng phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận công tác nghiệm thu trước khi đưa vào vận hành đã được quy định cụ thể từ Luật Xây dựng năm 2014. Tuy nhiên, nếu thực hiện rà soát các công trình năng lượng (bao gồm các công trình nguồn và lưới điện) thực hiện từ năm 2014 đến nay thì đều tồn tại thực trạng đóng điện, đưa vào vận hành thương mại trước khi hoàn thiện thủ tục về kiểm tra công tác nghiệm thu. Ngay cả các dự án do doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư đều tồn tại thực trạng nêu trên. 

Như vậy, nếu thực hiện công bằng trong việc rà soát như với các dự án năng lượng tái tạo theo quy định, khối lượng công việc phải xử lý rất lớn và hậu quả không thể định lượng.

Tạo điều kiện hoàn thành thủ tục

Trên thực tế, các dự án năng lượng trước khi được đấu nối, vận hành thương mại đều trải qua nhiều bước kiểm tra, nghiệm thu về mặt kỹ thuật để đáp ứng về chất lượng, vận hành, môi trường và phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình vận hành đều tuân thủ các quy định về điều độ, chịu sự giám sát, kiểm tra định kỳ của các cơ quan chức năng liên quan đến các yếu tố nêu trên. 

Như vậy, có thể thấy về bản chất, các dự án năng lượng nói chung và các dự án năng lượng tái tạo nói riêng được đưa vào vận hành, khai thác cho đến nay đều phải đáp ứng các khía cạnh về kỹ thuật, chất lượng, đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường và phòng cháy chữa cháy. Khi đảm bảo những tiêu chí như vậy, cần xem xét việc chấp thuận công tác nghiệm thu ở những trường hợp này chỉ là thủ tục cần hoàn thiện. 

Đặc biệt trong những năm vừa qua, hệ thống pháp luật có nhiều thay đổi dẫn đến nhiều địa phương lúng túng trong việc thực hiện. Đơn cử những vấn đề liên quan đến quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất - đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dự án bị chậm, chưa hoàn thành được hồ sơ trình cấp có thẩm quyền chấp thuận công tác nghiệm thu. Ngoài ra, cần xem xét đến bối cảnh triển khai các dự án năng lượng tái tạo giai đoạn 2019-2021 là thời kỳ cả nước cao điểm chống dịch COVID-19 nên chủ đầu tư rất khó có thể thu thập, hoàn thành hồ sơ theo quy định để thực hiện công tác kiểm tra ngay sau khi hoàn thành công trình.

Về quy định pháp luật, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu được thực hiện theo Luật Xây dựng, do đó, các biện pháp xử lý vi phạm sẽ phải thực hiện theo quy định của Luật này, cụ thể tại Nghị định số 16/2022/ND-CP hoặc Nghị định số 139/2017/ND-CP (nếu trước thời điểm năm 2022). Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện các biện pháp xử phạt hành chính mà không có các biện pháp khắc phục hoặc xử lý kinh tế khác cần áp dụng.

Với các nội dung phân tích nêu trên, để tránh những hậu quả tiêu cực lớn có thể xảy ra, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền cần xem xét: 

Thứ nhất, áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, các văn bản pháp luật có liên quan khác... Sau khi chủ đầu tư dự án hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý, tiếp tục cho dự án hưởng các cơ chế ưu đãi như ban đầu tại thời điểm dự án đã được ghi nhận ngày phát điện thương mại COD.

Thứ hai, giao các địa phương khẩn trương rà soát, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng để các dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định.

Thứ ba, với tốc độ phát triển kinh tế và sản xuất như hiện tại cùng với yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng năng lượng xanh, việc phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời, điện gió là tất yếu. Trong thời gian qua, thực tiễn đã chứng minh các dự án này có đóng góp đáng kể cho kinh tế, giải quyết công ăn việc làm tại nhiều địa phương.

Việc dừng hoạt động, đóng cửa hay phá sản các dự án sẽ tác động xấu đến phát triển kinh tế địa phương, giảm ngân sách thuế, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Nếu doanh nghiệp có lợi ích và môi trường kinh doanh ổn định sẽ đóng góp hữu hiệu cho lợi ích quốc gia và nền kinh tế Việt Nam.  

Tô Văn Trường

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu thủy sản tăng tốc trở lại: Tự tin vượt mục tiêu 10 tỷ USD (10/11/2024)

>   Temu, Shein sẽ bị chặn nếu không hoàn tất đăng ký hoạt động trong tháng 11 (09/11/2024)

>   Cần bao nhiêu giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công? (09/11/2024)

>   Doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn ưu đãi (09/11/2024)

>   Bộ Công an khám xét kho chứa titan của Công ty chế biến khoáng sản Thân Gia (09/11/2024)

>   'Việt Nam thu hút làn sóng mới về đầu tư vào các ngành có giá trị cao' (09/11/2024)

>   Việt Nam là thị trường lớn thứ hai của Qualcomm, đóng góp 4.7 tỷ USD (09/11/2024)

>   Quốc Cường Gia Lai rút kháng cáo, đồng ý trả 2.882 tỉ đồng cho bà Trương Mỹ Lan (08/11/2024)

>   Thủ tướng đề nghị mở hành lang thương mại mới tới Trung Á và châu Âu (08/11/2024)

>   Nghi vấn hơn 7,500 khách hàng bị Công ty GFDI lừa đảo chiếm đoạt 3,700 tỷ đồng (08/11/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật