Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM: Ích nước lợi nhà!
Ngày 5/10, tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với TP.HCM, một trong những nội dung kiến nghị của lãnh đạo thành phố lên Quốc hội là cần có một cơ chế ưu tiên nhằm xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Định chế này được xác định trong phạm vi địa lý cụ thể, gắn với định hướng phát triển đô thị của thành phố, bao gồm khu phố tài chính hiện hữu ở quận 1 và khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm. Hai khu phố này sẽ bổ sung cho nhau, với các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại và các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới.
Trung tâm tài chính quốc tế bao gồm 3 cấu phần, gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh. TPHCM đề xuất và kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế.
Thực tế, nhiều quốc gia đã chứng minh tăng trưởng mạnh mẽ từ khi có được trung tâm tài chính (TTTC). Bởi nó góp phần đắc lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, là tác nhân chính giúp gia tăng dòng vốn FDI trong việc tạo kênh luân chuyển dòng vốn từ thị trường tài chính quốc tế, thúc đẩy các hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Ví dụ, chỉ trong khoảng 4 năm (từ năm 2018 - 2022), ở Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, vốn FDI thực hiện đạt 22 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với mức 10 tỷ USD; ở Singapore, đạt 140 tỷ USD, tăng hơn 50% so với mức 81 tỷ USD; ở Kazakhstan, đạt 4.9 tỷ USD, tăng gần 4 lần so với mức 350 triệu USD… Từ đó, dẫn tới tăng trưởng GDP cũng vượt mức đáng kể: UAE đạt tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức cao nhất từ trước đến nay nhờ có sự phát triển vượt bậc của TTTC Dubai và TTTC Abu Dhabi. GDP của Singapore năm 2021 đạt mức cao nhất sau khi đảo quốc này trở thành TTTC lớn thứ ba thế giới - sau New York và London.
Hơn nữa, việc hình thành và phát triển TTTC sẽ tạo hàng chục nghìn việc làm chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính và phi tài chính. Đồng thời, sẽ gián tiếp tạo hàng trăm nghìn việc làm trong các ngành, lĩnh vực bổ trợ cho TTTC. Điển hình như TTTC Dubai, đến năm 2023 đã tạo gần 40,000 việc làm chất lượng cao, tăng gần 2 lần so với mức 25,600 lao động của năm 2019; TTTC Abu Dhabi: đến năm 2023 đã tạo hơn 12,000 việc làm, tăng 42% so với năm 2019; Lực lượng lao động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, luật, kế toán, quản lý tại Singapore tăng hơn 20% trong giai đoạn 2018-2023, đạt 384,100 người.
Kinh nghiệm vàng từ Singaprore là đã tạo lập được môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao, chi phí giao dịch thấp, quản lý Nhà nước với quyền lực can thiệp mạnh mẽ nhưng linh hoạt theo thị trường đã mở đường cho sự phát triển theo hướng đa dạng hóa các dịch vụ tài chính mang tính khu vực và toàn cầu.
Tại đây, là trung tâm khu vực cho hàng loạt tổ chức, thị trường và dịch vụ tài chính bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, giao dịch môi giới cổ phiếu và trái phiếu, quản lý quỹ, quản lý tài sản, đầu tư mạo hiểm, dịch vụ tài chính off-shore, giao dịch ngoại hối. Đặc biệt, môi trường pháp lý và khung quản lý nhà nước đối với fintech của Singapore được coi là một trong những nơi ưu việt nhất trên thế giới.
Fintech - thuật ngữ ghép từ fin (tài chính) và tech (công nghệ) được xem là “lõi” của chuỗi kết nối - vận hành một TTTC. Công nghệ thông tin với nền tảng là tự động hóa (robotics), trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) để thu thập, xây dựng và khai thác dữ liệu lớn (big data). Các nền tảng công nghệ này được phát triển để cung cấp dịch vụ tài chính như thanh toán điện tử/ví điện tử (e-payments/e-wallet), tài chính tiêu dùng, cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), tài chính cá nhân – tư vấn qua robot, ngân hàng số (digital banking), môi giới chứng khoán số (digital brokering), blockchain và tiền mã hóa (cryptocurrency).
Trên thị trường fintech Đông Nam Á thì Việt Nam là nền kinh tế số có mức độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN với tốc độ 29% hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và đứng thứ hai trong ASEAN với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, mô hình tăng tốc khởi nghiệp và phòng thử nghiệm sáng tạo trong hệ sinh thái fintech. TP.HCM cũng là hệ sinh thái fintech hàng đầu của Việt Nam với trên 50% công ty khởi nghiệp fintech của quốc gia.
Với tất cả “dữ liệu” vững chắc nêu trên, một TTTC quốc gia đặt tại TP.HCM với tầm hoạt động khu vực rất cần được ưu tiên bởi một cơ chế pháp lý bài bản, chặt chẽ; một hệ sinh thái lành mạnh, khoa học và một thị trường vốn có mãi lực mạnh mẽ, linh hoạt. Nó sẽ là bệ phóng cho đòn bẩy kinh tế TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung tăng tốc, phát triển trong “kỷ nguyên vươn mình” đang tới!
Quốc Học
FILI
|