Nội lực còn yếu, thiếu thông tin thị trường khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó xuất khẩu
Chiều 24/10, tại Tọa đàm "Xúc tiến thương mại, tạo 'đòn bẩy' cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo", các chuyên gia cho rằng vướng mắc mà các doanh nghiệp Việt đang gặp phải hiện nay do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và yêu cầu phát triển thực tế, giá trị gia tăng tạo ra thấp. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ), việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục gặp khó.
Bên cạnh đó, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… Điều này khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của các đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
|
Dẫn chứng số liệu, tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm của Việt Nam chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua, trong khi các nước khác trong khu vực từ 15-20%. Tỷ lệ nội địa hóa của nhiều phân ngành công nghiệp ở mức thấp, phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc, thiết bị sản xuất. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, điện tử nhập khẩu từ 60-70% nguyên liệu.
"Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài", ông Phong nhận định.
Đặc biệt, ngành còn phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu và nhu cầu thị trường trong nước thấp. Ngoài ra, phần lớn Tập đoàn lớn trong nước là Tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nội địa mới dừng ở những khâu gia công, lắp ráp, chưa tập trung vào các ngành công nghiệp mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao.
"Khó khăn nhất trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là doanh nghiệp trong nước nặng về gia công, chế biến, phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, thiếu nguồn lực, thiếu nguyên liệu đầu vào, đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc", ông Phong nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Cao Văn Hùng - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế CTCP Cơ khí Chính xác Smart Việt Nam cho rằng, bên cạnh làn sóng chuyển dịch mới, doanh nghiệp của ông cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai, cũng như đáp ứng được nhu cầu tăng mạnh về đơn hàng cho các thị trường quốc tế như Anh, Mỹ, Úc, Canada.
Theo ông Hùng, khó khăn thứ nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn, đặc biệt những người tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất.
Thêm vào đó, các đối tác nước ngoài yêu cầu rất cao về chất lượng, cần doanh nghiệp phải biết kết nối với những bên liên quan để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm những đơn vị có cùng tư duy xuất khẩu, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu cao là một việc rất khó khăn.
Ông Cao Văn Hùng - Giám đốc Phát triển thị trường Quốc tế Smart Việt Nam
|
Chỉ ra điểm vướng mà các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung và Smart nói riêng đang gặp phải hiện nay, ông Hùng cho rằng, yếu tố khách quan do căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng. Đồng thời, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm.
Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về nội lực, "đói" thông tin từ các thị trường, thông tin khách hàng và thiếu cả thông tin chính sách khiến cho nhiều doanh nghiệp khó.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Hùng nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa chủ động tìm hiểu, chủ động kết nối trực tiếp với các đối tác, khách hàng tại các thị trường quốc tế. Từ đó, việc có được một đơn hàng mất rất nhiều thời gian, thậm chí có thể giảm lợi nhuận khi bắt tay qua đơn vị thứ ba để tìm kiếm khách hàng.
Đặc biệt, định hướng của doanh nghiệp hiện nay chưa rõ ràng, chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam, chưa có tâm thế vươn ra thế giới.
Bàn về giải pháp, ông Hùng cho rằng muốn nâng cao vị thế và tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần phải trực tiếp đi tìm hiểu thị trường và lắng nghe những phản hồi của đối tác, qua đó có thể cải tiến sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường.
Quan trọng là doanh nghiệp cần có cơ chế đầu tư nguồn nhân lực sớm, có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần thỏa đáng cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Đây chính là đầu tư cho nguồn nhân lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập.
Về chính sách, ông Hùng đề xuất Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội cần hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường khó tính như thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn, triển lãm để doanh nghiệp có cơ hội được cập nhật thông tin về thị trường, đối tác và các cơ hội kinh doanh mới.
Cũng nêu quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng trong thời gian tới, còn nhiều thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện. Để các sản phẩm công nghiệp nói chung, ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng rộng cửa tiếp cận các thị trường khó tính cần nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi với sự quyết liệt từ Chính phủ đến các Bộ, ban ngành.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là một ngành công nghiệp lớn có 8 nhóm ngành, phân ngành nhỏ gồm: Hóa chất, cao su, nhựa; dệt may, da giày; chế biến thực phẩm và đồ uống; chế biến lâm sản; cơ khí; điện tử; sản xuất kim loại; sản xuất vật liệu xây dựng.
Năm 2023, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được trên 23.5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64.2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39.3% so với năm 2022. Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8.34% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 tăng 12.5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0.6%).
|
Thế Mạnh
FILI
|