Chuyên gia DNSE: Dòng vốn ngoại sẽ trở lại trong 12 - 18 tháng
Chiều ngày 31/07, Chứng khoán DNSE đã tổ chức buổi Livestream Radar Đầu tư với chủ đề “Đọc vị” toàn cảnh thị trường 6 tháng cuối năm: Cơn mưa nhà đầu tư nước ngoài liệu có về? nhằm cập nhật những thông tin mới nhất, khám phá những cơ hội đầu tư trước kỳ vọng làn sóng vốn đầu tư nước ngoài.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) sẽ quay lại trong 12 - 18 tháng
Một chủ đề nóng được các chuyên gia thảo luận là dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng lũy kế hơn 60 ngàn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Câu hỏi đặt ra là khi nào khối này sẽ quay trở lại?
Ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc Khách hàng Cao cấp Hà Nội - CTCP Chứng khoán DNSE nhận định 10 năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam rất mạnh. Samsung vào Việt Nam từ năm 2007, đổ vốn mạnh thêm vào năm 2013. Theo dữ liệu quá khứ, FDI tăng mạnh thì sau đó 2 năm dòng tiền đầu tư gián tiếp (FII) sẽ vào theo. Diễn biến này có tính chu kỳ.
Hiện nay, FDI vẫn tăng đều nhưng có tính chu kỳ. Xu hướng tăng FDI dài hạn vẫn rất mạnh. “Đà bán ròng của FII trên sàn giao dịch thứ cấp mang tính chất thời điểm”, ông Hoàng đánh giá.
Nhìn lại, năm 2017 - 2019, khối ngoại mua ròng mua tới 70 ngàn tỷ đồng sau đó họ cũng có nhịp bán khi COVID diễn ra, Index đã tăng mạnh từ 600 - 1,500 điểm. Pha bán ròng của khối ngoại gần đây cũng không có gì mới.
Nội lực thị trường vẫn đang rất tốt. Nền kinh tế vẫn rất tốt, tăng trưởng tốt, các chỉ số về GDP, lạm phát vẫn tốt. Niềm tin vào sự điều hành Chính phủ tiếp tục cao. Nền thanh khoản VN-Index đang rất cao so với 2 - 3 năm trước. Độ trưởng thành của nhà đầu tư rất là cao khi có nhiều công ty nghiên cứu thuật toán tham gia, thể hiện độ dày kiến thức và kỷ luật cao. Khác năm 2021 khi F0 rất nhiều, hiện tại F0 đã thành Fn với kiến thức và kỷ luật rất cao. Độ phân hóa cao ở thời điểm hiện tại nói lên tính chuyên nghiệp của thị trường.
Định giá của VN-Index và diễn biến bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài
Nguồn: DNSE
|
Khối ngoại có bán ròng nhưng thị trường vẫn đang phát triển. Khi nào nước nào ngoài mua ròng? Ông Hoàng đánh giá khi FDI vẫn tăng trưởng, FII sẽ quay lại. Thời điểm có thể là trong 12 - 18 tháng tới khi mặt bằng lãi suất của Fed sẽ sớm giảm. Lúc này, vốn đầu tư gián tiếp sẽ len lỏi ở các thị trường có định giá phù hợp.
Nhìn lại trong 10 năm qua, từ năm 2014 tới nay có nhiều năm định giá rất đắt như năm 2017, PE VN-Index lên tới 23 lần. Ngược lại có những giai đoạn rất bi quan như thời COVID, đại án Vạn Thịnh Phát thì định giá về mức rẻ. Hiện tại, định giá đang khá rẻ.
Những nhóm ngành nào đáng quan tâm?
Theo ông Hoàng, với mức định giá hiện tại, nhà đầu tư có thể giải ngân nhưng chọn doanh nghiệp có tăng trưởng ít nhất 20%/năm. Hoặc có thể đợi định giá xuống thấp hơn để mua nhưng có thể sẽ phải chờ đợi lâu. Do đó, nhà đầu tư có thể chia thành một phần mua ngay với doanh nghiệp tốt và một phần đợi đến khi định giá xuống thấp để giải ngân. Nếu đợi, nhà đầu tư có thể phải đợi 2 - 4 năm.
Ở thời điểm hiện tại, có thể mua các nhóm như ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng tốt.
Thứ hai, có thể quan tới nhóm cảng biển, vận tải biển. Khi tương quan giữa các nền kinh tế lớn tương đương nhau sẽ có một số diễn biến địa chính trị dẫn tới đứt gãy nguồn cùng làm giá cước vận tải lên cao.
Thứ ba là nhóm đầu tư công. Ngoài ra là nhóm dầu khí với khối lượng công việc lớn trong 3 - 4 năm tới. Nhưng khi mua nhóm này thì phải xác định đây là thời điểm khó và kết quả sẽ xuất hiện trong 1 - 3 năm.
Bổ sung thêm, ông Hồ Sĩ Hòa - Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu đầu tư CTCP Chứng khoán DNSE chọn nhóm bất động sản khu công nghiệp và bảo hiểm. Nhóm bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi nhờ dòng vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam. Nhóm bảo hiểm đang có định giá rẻ, nhiều công ty có PB quanh mức 1 đồng thời lãi suất huy động có khả năng tăng trong 6 tháng cuối năm sẽ hỗ trợ nhóm này.
Chí Kiên
FILI
|