Tỷ giá sẽ hạ nhiệt?
Áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn, nhưng không quá lo ngại và tỷ giá chỉ có thể hạ nhiệt sau khi Fed đưa ra lộ trình cắt giảm lãi suất rõ ràng.
Tại buổi họp báo ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, diễn ra ngày 23/07/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - ông Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá là vấn đề không đơn giản, phải là tổng hòa của các quan hệ kinh tế như lãi suất, cung tiền, tác động từ các nền kinh tế lớn, tâm lý thị trường. Để giải quyết nhiều vấn đề lớn như vậy, NHNN đã linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp mua - bán ngoại tệ, đảm bảo vừa giữ tỷ giá ở mức hợp lý vừa đảm bảo nguồn cung ngoại tệ, giữ ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước… Qua đó, tỷ giá vẫn ổn định, mức mất giá tính từ đầu năm đến nay khoảng 4.4%, trong khi có những nước mất giá đồng tiền lên đến 7 - 11%.
Phó Thống đốc đánh giá mức độ mất giá VND như hiện nay là hợp lý, vì không thể căng cứng, cố định tỷ giá trong bối cảnh như hiện nay mà phải điều hành sao cho hài hòa với các vấn đề xuất khẩu, lãi suất, kiểm soát lạm phát, đảm bảo trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ.
Áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn, nhưng không quá đáng lo
Bà Phan Thị Liên - Kinh tế trưởng, Phó phòng Phân tích cổ phiếu và thị trường CTCP Chứng khoán Tiên Phong cho rằng, tỷ giá tăng cao trong thời gian vừa qua là do tác động của nhiều yếu tố.
Đầu tiên, cầu về USD tăng do nhập khẩu nguyên liệu và máy móc thiết bị tăng mạnh, khi lĩnh vực sản xuất phục hồi và các đơn hàng mới xuất khẩu tăng mạnh. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 đạt 31.08 tỷ USD, tăng 33.4% so với tháng trước và 9.7% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, giá vàng trong nước tăng mạnh theo giá vàng thế giới, thúc đẩy đầu cơ vàng, khiến các nhà nhập khẩu vàng phải sử dụng nhiều USD hơn cho nhập khẩu.
Thứ ba, các thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ như PMI, số việc làm tạo ra, tăng trưởng quý 1 khá tích cực, trong khi lạm phát vẫn còn dai dẳng và cách xa lạm phát mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm cho các nhà đầu tư giảm dần kỳ vọng Fed sớm thực hiện lộ trình giảm lãi suất, khiến tốc độ yếu đi của đồng USD chậm dần.
Thứ tư, do chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN trong khi Fed vẫn duy trì mức lãi suất cao, làm cho chênh lệch lãi suất đồng USD và VND tăng lên.
Cuối cùng, do tăng trưởng tín dụng, dòng tiền đưa vào nền kinh tế giảm.
Hiện nay, Fed vẫn chưa đưa ra lộ trình cắt giảm lãi suất và nhiều tổ chức quốc tế dự báo Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 9/2024. Bên cạnh đó, các yếu tố tác động tới tỷ giá USD/VND còn hiện hữu nên áp lực của tỷ giá và lãi suất tới nền kinh tế vẫn còn khó lường; tuy nhiên, không quá đáng lo. Mặc dù Fed chưa cắt giảm lãi suất, nhưng kỳ vọng của các nhà đầu tư đã có hiệu ứng tới độ mạnh của đồng USD. Chỉ số USD-Index đã hạ nhiệt so với giai đoạn cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Tính tới ngày 21/07/2024, USD-Index tăng 1.99% so với đầu năm, cho thấy sự yếu đi của đồng USD so với các đồng ngoại tệ, bao gồm VND.
Sau sự kiện dừng tranh cử của Tổng thống Joe Biden vào ngày 22/07/2024, khả năng thắng cử của đảng Cộng Hòa tăng lên. Khi đó, áp lực để Fed sớm thực hiện lộ trình cắt giảm lãi suất cũng tăng lên, sẽ có lợi cho tỷ giá USD/VND. Như vậy, có thể thấy, áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn nhưng không quá đáng lo và tỷ giá chỉ có thể hạ nhiệt sau khi Fed đưa ra lộ trình cắt giảm lãi suất rõ ràng.
Ngoài ra, với mục tiêu thu hút được dòng vốn FDI, NHNN sẽ cố gắng để duy trì việc mất giá đồng VND trong khoảng 3 - 4% hàng năm. Để giữ cho tỷ giá không tăng quá mạnh so với đầu năm, NHNN đã phải sử dụng khá nhiều công cụ như tăng kỳ hạn và lãi suất tín phiếu phát hành nhằm khuyến khích các NHTM nắm giữ tín phiếu, hút bớt tiền trong hệ thống ngân hàng, tăng giá trị của VND. Bà Liên kỳ vọng, tỷ giá sẽ tăng khoảng 3 - 4% trong năm 2024 tại thời điểm cuối năm.
Dự báo về xu hướng của tỷ giá VND so với USD trong thời gian tới, ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết, với dự báo Fed 2 lần cắt giảm lãi suất, khả năng USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm. Đây là kịch bản đã được dự báo kể từ cuối năm 2023. VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024, cùng với sự phục hồi của CNY và sự suy yếu của USD trên diện rộng, khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng. Kỳ vọng VND sẽ mạnh dần so với USD, lên 25,200 trong quý 3/2024; 25,000 trong quý 4/2024; 24,800 trong quý 1/2025 và 24,600 trong quý 2/2025.
Tỷ giá sẽ hạ nhiệt, giữ ổn định trong 6 tháng cuối năm
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, giới phân tích và chuyên gia quốc tế dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 1-2 lần trong quý 3 và quý 4/2024, sẽ khiến giá trị đồng USD giảm, từ đó kéo tỷ giá xuống. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và ở mức trung bình so với mức tăng mạnh hiện nay.
Trong khi đó, với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, nếu ông Trump đắc cử, khả năng cao sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách thương mại khi Mỹ thắt chặt chính sách bảo hộ thương mại. Lạm phát khi đó có thể tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed. Đồng thời, rủi ro địa chính trị kéo dài sẽ dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn.
Về tình hình trong nước 6 tháng cuối năm, nhu cầu ngoại tệ (trong đó chủ yếu là USD) sẽ tăng cao, để các doanh nghiệp thanh toán những đơn hơn hàng nhập khẩu cho nhà cung cấp nước ngoài. Trong hoạt động kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu đang phục hồi mạnh mẽ, 6 tháng đầu năm xuất siêu đạt 11.63 tỷ USD, dự kiến năm 2024 sẽ tiếp tục đạt thặng dư xuất siêu.
Lượng kiều hối tiếp tục tăng trưởng tốt vào 6 tháng cuối năm. Dự kiến năm 2024, lượng kiều hối sẽ đạt 19 tỷ USD. FDI giải ngân 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh, theo tiếp đà tăng của FDI giải ngân 6 tháng đầu năm là 10.8 tỷ USD.
NHNN cũng đã bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá, từ đầu năm đến nay đã bán ra hơn 6 tỷ USD. Khi Fed hạ lãi suất, sẽ giúp giảm áp lực cho các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán nhằm chuyển dòng vốn sang thị trường có yếu tố hấp dẫn hơn, từ đó giảm áp lực bán ngoại tệ cho NHNN.
Như vậy, với những biến động phức tạp của vĩ mô toàn cầu, sự điều hành linh hoạt của NHNN, tỷ giá có thể tăng nhẹ cho đến khi Fed chính thức hạ lãi suất thì tỷ giá sẽ có xu hướng chững lại đà tăng và giảm nhẹ vào cuối năm, khi nguồn USD trong nước được bổ sung mạnh mẽ từ lượng kiều hối cuối năm, từ các doanh nghiệp xuất khẩu, FDI giải ngân các dự án. Tổng thể, ông Huy dự báo tỷ giá sẽ hạ nhiệt và giữ ổn định trong 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn từ các bất ổn chính trị trên toàn cầu, sự thay đổi chính sách kinh tế sau cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ ảnh hưởng tới các quyết định của Fed thì các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu mua bán USD hợp pháp cần nghiên cứu, phân tích, sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hoạt động kinh doanh, đầu tư an toàn, hiệu quả, quản trị được rủi ro tỷ giá.
Kinh tế Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc
Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch ngoại hối và phái sinh Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, tỷ giá USD/VND trên thị trường hiện nay liên tục áp sát tỷ giá trần trong vòng 3 tháng gần đây. Vào năm tới, khi nhìn lại, thị trường sẽ nhận ra đây là thời điểm mà rủi ro tỷ giá và lãi suất ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam.
“Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam suy yếu vì những yếu tố này. Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhờ mở rộng xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin cũng như các ngành công nghiệp truyền thống và du lịch.
Tôi tin rằng, nếu Chính phủ và các khu vực tư nhân có thể vượt qua được thời điểm khó khăn này và đưa ra được những đường hướng giải quyết, nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc khi nhu cầu toàn cầu gia tăng”, ông Pyon Young Hwan nói thêm.
|
Cát Lam
FILI
|