Tỷ phú công nghệ đồng loạt mất vài chục tỷ USD, thế giới thay đổi gì?
Thế giới ghi nhận nhiều đại gia công nghệ bốc hơi hàng chục tỷ USD. Thế giới tiềm ẩn những thay đổi lớn về kinh tế chính trị, có thể làm đảo lộn bảng xếp hạng tỷ phú. Tuy nhiên, tài sản của nhóm người giàu nhất hành tinh vẫn tăng lên nhanh chóng.
Bất ngờ đồng loạt lao dốc
Ngày 24/7, Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, ghi nhận một phiên mất tiền hiếm có, với tổng tài sản bốc hơi 21,7 tỷ USD chỉ trong một ngày. Túi tiền của người đàn ông giàu nhất nước Mỹ còn 241 tỷ USD.
Tài sản của Elon Musk sụt giảm mạnh do cổ phiếu Tesla mất 12,3% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 đáng thất vọng, trong bối cảnh phải chạy đua giảm giá xe ô tô điện để cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc và ngay cả tại Mỹ. Đầu tư vào AI cũng tốn kém và hiệu quả còn ở phía trước.
Tesla báo lợi nhuận quý II giảm 40% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 1,8 tỷ USD do hãng giảm giá xe để kích cầu, đồng thời tăng chi cho các dự án trí tuệ nhân tạo (AI).
Cũng trong phiên 24/7, ông chủ Meta Platforms (sở hữu mạng xã hội Facebook) Mark Zuckerberg ghi nhận tài sản giảm gần 9,5 tỷ USD.
Trong phiên 25/7 (rạng sáng 26/7 giờ Việt Nam), trừ Tesla hồi phục nhẹ, còn lại các gương mặt như nhà sản xuất chip số 1 thế giới Nvidia, Advanced Micro Devices, ông lớn công nghệ Microsoft, Meta Platforms hay Alphabet (chủ sở hữu Google)… đều tiếp tục giảm mạnh. Alphabet giảm hơn 3%. Advanced Micro Devices giảm 4%.
Trong hơn 1 tháng qua, cổ phiếu Nvidia đã giảm gần 18%, khiến tài sản của ông trùm ngành chip thế giới Jensen Huang giảm từ 130 tỷ USD hồi giữa tháng 6 xuống 107 tỷ USD như hiện tại. Vốn hóa của Nvidia xuống dưới 2.800 tỷ USD, từ mức đỉnh 3.340 tỷ USD.
CEO Jensen Huang của Nvidia (trái) và Elon Musk. Ảnh: Getty Images
|
Thực tế các cổ phiếu ngành công nghệ thế giới sau một thời gian tăng nóng gần đây, có dấu hiệu thoái trào, trong bối cảnh kỳ vọng của giới đầu tư được đánh giá là quá cao, đặt niềm tin quá mức vào nhóm cổ phiếu này. Bên cạnh đó, những rủi ro về cả kinh tế và chính trị có thể ảnh hưởng tới các ông lớn công nghệ.
Không chỉ tại Mỹ, ở nhiều nước, không ít các tỷ phú lao đao. Tỷ phú sáng lập Tập đoàn Kakao Hàn Quốc, Kim Beom-su ghi nhận tài sản tụt giảm do cổ phiếu Kakao lao dốc sau khi có thông tin ông Kim bị bắt vì thao túng cổ phiếu.
Ông Kim Beom-su từng là người giàu nhất tại Hàn Quốc vào năm 2021 với tài sản khi đó đạt 13,5 tỷ USD. Ông Kim là tỷ phú tự thân, khác xa với các tỷ phú xuất thân từ các các tập đoàn gia đình khổng lồ (chaebol ở Hàn Quốc). Rắc rối pháp lý của tỷ phú công nghệ thành công nhất Hàn Quốc có thể ảnh hưởng tới triển vọng của Kakao trong bối cảnh tập đoàn này đang dồn tiền đầu tư vào lĩnh vực AI, đồng thời vươn mạnh hơn ra thế giới.
Tài sản của “vua bán dẫn” Đài Loan (Trung Quốc) Morris Chan (Trương Trung Mưu) gần đây cũng tụt giảm do cổ phiếu TSMC lao dốc sau khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi Đài Loan trả Mỹ tiền hỗ trợ phòng vệ. Trước đó, hồi giữa tháng 7 khi thế giới lên cơn sốt AI, TSMC cán mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD.
Điều gì đang xảy ra, ngành công nghệ có còn hot?
Sự sụt giảm tài sản của nhiều tỷ phú giàu hàng đầu trên thế giới trong thời gian gần đây gắn liền với sự đi xuống của giá cổ phiếu. Đa số trong đó là các cổ phiếu công nghệ, vốn tăng rất mạnh trong vài năm qua.
Không chỉ Tesla, cổ phiếu Alphabet, Nvidia, Microsoft… đều giảm sâu trong phiên 24/7, khiến các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận phiên giảm tồi tệ nhất từ năm 2022.
Đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ diễn ra trong bối cảnh thị trường được cho là đã rơi vào tình trạng quá mua trong ngắn hạn. Thị trường cổ phiếu Mỹ đã lên cao trong một thời gian dài với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công nghệ. Giới đầu tư đặt cược lớn vào triển vọng ngành AI, có tiềm năng vô cùng lớn và những ứng dụng của nó có thể thay đổi thế giới hiện đại, sẽ trở thành trợ thủ không thể thiếu trong nhiều ngành nghề phức tạp.
Kỳ vọng giảm lãi suất của Mỹ cũng kích hoạt cơn sốt đầu cơ trên Phố Wall. Những tín hiệu từ khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong tháng 9 đã tiếp thêm sức cho cơn sốt này.
Tuy nhiên, gần đây dòng tiền vào chứng khoán Mỹ nói chung và vào các thị trường khác cũng như nhóm cổ phiếu công nghệ hàng đầu có dấu hiệu chùng lại. Giới đầu tư lo ngại bong bóng có thể xảy ra đối với các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt nhóm AI, giống như đã từng xảy ra hồi bong bóng dotcom nổ năm 2000. Tiền có dấu hiệu chuyển sang các cổ phiếu có quy mô nhỏ hơn.
Chứng khoán Mỹ hiện được đánh giá đắt hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi bong bóng dotcom bùng nổ (1990-2000).
Bên cạnh đó, một số chỉ số vĩ mô cho thấy nền kinh tế Mỹ đang yếu đi. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 7 giảm xuống 49,5 điểm, dưới ngưỡng trung bình 50 điểm. Trước đó, thị trường lao động Mỹ cũng có dấu hiệu đi xuống. Kinh tế Mỹ suy yếu không phải là thông tin tích cực đối với cổ phiếu.
Giới đầu tư cũng tỏ ra thận trọng cân nhắc những ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần và trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đã có nhiều biến cố lớn. Các nhà đầu tư cũng quan tâm tới cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ - Trung Quốc và những tác động nếu cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử.
Về nhóm cổ phiếu công nghệ, trong ngắn hạn, áp lực bán chốt lời là khá cao. Tuy nhiên, triển vọng được đánh giá vẫn rất tươi sáng. Sự thăng hoa của nhóm bigtech được cho là chưa kết thúc.
Trên CNBC, CEO của 50 Park Investments - Adam Sarhan cho rằng, các cổ phiếu AI dẫn đầu con sóng tăng giá trước đây nhưng đang đi xuống. Tuy nhiên, hiện tượng này không hiếm và nó có thể là các đợt điều chỉnh trong một thị trường uptrend.
Theo Adam Sarhan, khi thị trường tăng giá, một nhóm cổ phiếu dẫn đầu, sau đó dừng lại, điều chỉnh và chuyển sang nhóm khác, giống như một cuộc đua tiếp sức.
Hồi giữa tháng 6, hãng sản xuất chip Nvidia đạt mức vốn hóa kỷ lục 3.340 tỷ USD (cao nhất trong các doanh nghiệp niêm yết toàn cầu) nhưng gần đây suy giảm xuống dưới 2.800 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu này được cho còn tăng mạnh nhờ cơn bão AI và Nvidia có thể là doanh nghiệp đầu tiên đạt ngưỡng 10.000 tỷ USD.
Tính từ đầu năm 2023 tới nay, cổ phiếu Nvidia đã tăng khoảng 9,5 lần, từ ngưỡng 14 USD/cp lên đỉnh cao lịch sử 135,6 USD/cp như tới cuối phiên 18/6.
Có thể thấy, trước đây nếu Apple và Microsoft tăng trưởng nhờ các sản phẩm công nghệ truyền thống thì Nvidia bứt phá nhờ làn sóng AI. Con sóng này được đánh giá sẽ mạnh hơn bao giờ hết.
Nếu Apple mất 43 năm để đạt quy mô vốn hóa một nghìn tỷ USD, doanh nghiệp của Tim Cook chỉ mất 2 năm để nhân đôi quy mô, đạt ngưỡng 2 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Thì với Nvidia, sự tăng trưởng còn thần tốc hơn rất nhiều, bỏ xa các ông lớn nói trên.
Mặc dù thị trường đang điều chỉnh, tài sản của các tỷ phú giàu nhất hành tinh giảm đi nhưng đó là ngắn hạn. Trong dài hạn, các đại gia hàng đầu thế giới vẫn kiếm tiền nhanh nhất. Tất cả nguồn lực, công nghệ và các bộ óc tốt nhất vẫn đang làm việc ở các tập đoàn này.
Theo một báo cáo của Oxfam, tài sản của 1% nhóm người giàu nhất hành tinh đã tăng thêm 42.000 tỷ USD trong thập kỷ qua, cao hơn hàng chục lần tổng tài sản của một nửa dân số nghèo trên khắp thế giới.
Mạnh Hà
VietNamNet
|