Nhà sáng lập Finhay: Quỹ đầu tư cần đại lý phân phối chuyên nghiệp để tập trung làm tốt công việc chính
Sau 7 năm hoạt động tại Việt Nam, Finhay trở thành một trong số ít nền tảng công nghệ tài chính (fintech) quản lý tài sản và đầu tư cá nhân vẫn trụ được trên thị trường. Giữa năm 2022, Finhay mua lại Công ty Chứng khoán Vina (VNSC), đánh dấu mốc fintech đầu tiên sở hữu công ty chứng khoán.
Trong buổi trò chuyện với người viết, nhà sáng lập Finhay và hiện đang là Chủ tịch Chứng khoán VNSC - Nghiêm Xuân Huy - xuất hiện trong phong cách trẻ trung và năng động, đại diện cho một fintech đang nhắm tới thế hệ khách hàng trẻ quan tâm tới đầu tư tài chính.
Cuộc trò chuyện với người đứng đầu hệ nền tảng VNSC by Finhay đã giúp bức tranh về thị trường quỹ đầu tư cũng như mô hình đầu tư của nền tảng fintech phần nào rõ ràng hơn.
Xin ông chia sẻ câu chuyện chuyển mình của hệ sinh thái Finhay, với sự góp mặt của VNSC. Việc tiếp quản VNSC có ý nghĩa thế nào với hệ sinh thái của Finhay?
Ông Nghiêm Xuân Huy: Quay lại thời điểm thực hiện thương vụ với Chứng khoán Vina, Finhay sáp nhập công ty chứng khoán (CTCK) để tự chủ sở hữu CTCK có giấy phép. Thời điểm đấy tìm kiếm rất khó và may mắn bén duyên với Vina. Chúng tôi đã dành 18 tháng để mua lại, tái cấu trúc và vận hành chính thức.
Tại sao mảnh ghép này (Chứng khoán Vina - PV) quan trọng? Trong lĩnh vực tài chính, việc có giấy phép là rất quan trọng. Việc sở hữu giấy phép sẽ bổ trợ cho hệ sinh thái Finhay, tăng tín nhiệm, tăng tiêu chuẩn quản trị và cuối cùng vẫn là quyền lợi cho nhà đầu tư. Khi có giấy phép, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để làm sản phẩm tài chính hơn.
Ví dụ như khoảng năm 2022, thị trường trái phiếu riêng lẻ có nhiều vấn đề, nhưng đây vẫn là thị trường có nhiều tiềm năng và trái phiếu đại chúng đang bị bỏ ngỏ. Việc có CTCK sẽ giúp Công ty có thể cung cấp sản phẩm này cho nhà đầu tư và bổ trợ cho thị trường chứng khoán.
Quá trình mua lại Chứng khoán Vina có gì thú vị?
- Cái thú vị đầu tiên nằm ở trải nghiệm mua lại 100% CTCK, thứ hai là quy mô vốn tương đối lớn, thứ ba là thời gian tái cấu trúc.
Trước đây, thời gian làm việc của chúng tôi chủ yếu phân bổ cho các công việc như tìm và giải quyết nỗi đau khách hàng, khác hàng gặp khó khăn gì và cần giải pháp nào.
Từ khi tiếp quản VNSC thì có nhiều nghiệp vụ khác cần phải dành thời gian để làm. Thời gian để chuyển dịch sang mô hình mới không ngờ lại lâu như vậy. Rất nhiều khó khăn, nhưng không kém phần thú vị. Cuối cùng thì mọi việc cũng ổn và chúng ta đang ngồi đây. Rõ ràng là chuyện gì rồi cũng ổn.
Hệ sinh thái Finhay từ phần “Tech” nhiều hơn giờ đã tăng thêm phần “Fin” và hai yếu tố này song hành cùng nhau.
Thời gian đầu tiếp quản VNSC, đội ngũ Finhay có gặp nhiều khó khăn?
- 2 pháp nhân với 2 loại giấy phép khác biệt thì đương nhiên có nhiều vấn đề hơn. Sau thương vụ, đội ngũ chúng tôi phải làm quen bằng cách tìm hiểu và thực hành. Cấu phần “Fin” đi kèm với nhiều nghĩa vụ hơn, ví dụ nhiều nhân viên công ty phải đi học để lấy chứng chỉ. Các bạn nhân viên phải liên tục cải thiện vì có nhiều nghiệp vụ mới hơn.
Như đã nói, lúc trước công việc của chúng tôi chủ yếu là tìm giải pháp cho nỗi đau khách hàng. Giờ thì phải cân đối xem giải pháp này có phù hợp với các quy định pháp lý hay không.
Bản thân tôi cũng cần có sự thay đổi. Rõ ràng thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều thay đổi: hệ thống mới, các văn bản pháp lý mới, rất nhiều thứ để theo dõi.
Finhay từng bị “tuýt còi”. Đó có phải là lý do dẫn tới việc mua VNSC?
- Thời điểm đang trong quá trình thỏa thuận để mua lại VNSC thì Ủy ban Chứng khoán “tuýt còi”. Lúc đó chúng tôi đã xác định mua CTCK để hoàn thiện quy trình rồi.
Một bài tôi học được ở Úc đó là tiêu chuẩn quản trị cơ bản. Nếu hiểu về tiêu chuẩn quản trị, chúng ta sẽ có quy trình rõ ràng là làm việc với các bên chuyên nghiệp, cụ thể ở đây là làm việc với các quỹ và để quỹ quản lý tiền.
Nếu để ý, có thể thấy Finhay đã ký hợp đồng kiểm toán với Big4 kể từ thời gian đầu. Câu chuyện làm việc với các quỹ, có đơn vị kiểm toán trở thành tiêu chuẩn cơ bản với các fintech muốn tham gia thị trường và sở hữu giấy phép CTCK cũng tương tự.
Hiện nay, không chỉ các fintech, các CTCK truyền thống cũng đang đẩy mạnh về công nghệ. VNSC by Finhay có cảm thấy áp lực cạnh trạnh?
- CTCK truyền thống nặng về các mảng môi giới, margin, IB, trái phiếu. Với VNSC by Finhay, câu chuyện doanh thu đến từ phí giao dịch quy mô lớn, 0.1% trên mỗi giao dịch. Thứ hai là doanh thu từ đối tác quỹ. Thứ ba là cho vay margin, hướng tới số đông hơn so với đối tượng cô đọng như CTCK truyền thống. Công ty đang theo câu chuyện dùng số lượng để tạo doanh thu.
Lợi thế cạnh tranh của VNSC là xuất thân từ nền tảng số (Digital), hành vi tư duy Digital. Khác với mô hình truyền thống là cần thời gian để chuyển đổi, huấn luyện, thể hiện kết quả và có sức ép phải có doanh thu ngay.
Có phải hệ sinh thái Finhay đang muốn thay đổi văn hóa đầu tư của người dùng?
- Ai cũng nói là tôi muốn như thế (thay đổi thị trường - PV), nhưng để được như thế không phải dễ. Khách hàng muốn thay đổi, nhưng không có môi trường để thay đổi.
Chúng ta đều biết Nokia từng là hãng số 1 về điện thoại di động, nhưng Apple đã đổi mới sáng tạo với điện thoại 1 nút ấn, hay Netflix đã thay thế Blockbuster.
Apple có được môi trường để giúp khách hàng dễ dàng sử dụng điện thoại 1 nút ấn. Để thay đổi thói quen người dùng, cần có sự đồng hành từ 2 phía, với việc đặt khách hàng làm trung tâm. Tạo môi trường cho khách hàng đổi mới thì sẽ dễ dàng định hướng khách hàng thay đổi.
VNSC by Finhay cũng đang làm điều tương tự với sản phẩm mua chứng chỉ quỹ đơn giản hóa và là nền tảng đầu tiên cho nhà đầu tư mua định kỳ (SIP) tự động. Đây là sản phẩm mà bản thân các quỹ cũng rất muốn làm.
Văn hóa làm sản phẩm của Finhay hướng tới sự thay đổi trong văn hóa tiêu dùng của khách hàng.
Công ty đang đặt ra các mục tiêu tài chính thế nào?
- Mục tiêu là biên lợi nhuận mảng môi giới chứng khoán đạt 40 - 60%, dịch vụ liên quan tới quỹ là 10 - 30%, NIM cho vay margin đạt 1.5 - 2.3%.
Công ty tự tin vào việc tăng quy mô doanh thu. Hiện tại, nhóm khách hàng đã trưởng thành, sẵn sàng đầu tư trong vòng 100 triệu đồng và có thể tự mở tài khoản, mua chứng chỉ quỹ và chứng khoán là tệp mà công ty đang nhắm tới chứ không chỉ là những người đầu tư từ 50,000 đồng nữa.
Tiềm năng thị trường quỹ đầu tư Việt Nam ra sao? VNSC by Finhay khai thác tiềm năng đó thế nào?
- Khách hàng Việt Nam bây giờ thích tự mua bán cổ phiếu, cũng giống các thị trường khác hàng chục năm trước. Sự phát triển của thị trường là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng thị trường quỹ cần có môi trường để phát triển. Không ai làm câu chuyện để khách hàng tiếp cận được quỹ thì làm sao quỹ tiếp cận được khách hàng? Finhay đang làm việc với nhiều quỹ, giúp khách hàng có thể tiếp cận với nhiều quỹ hơn và rủi ro cô đọng tại các quỹ sẽ hạ bớt.
Việc tự chọn cổ phiếu thích thì thích đấy, nhưng hiệu quả không cao, dần dà dẫn tới nhu cầu tìm tới các quỹ đầu tư.
Đây là câu chuyện hội tụ đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Cái quan trọng là phải làm thế nào. Bước một là làm đại lý phân phối chính thức cho các quỹ. Bước hai sẽ kết nối các nghiệp vụ. Bước ba là đưa sản phẩm lên kệ và khách hàng có thể mua liền. Và đẹp nhất là tạo được nền tảng cho khách hàng mua tự động định kỳ.
Nguyên lý thị trường phát triển ở Việt Nam không khác với các thị trường đã phát triển. Khi GDP trên đầu người Việt Nam đạt 6,500 USD thì chắc chắn sẽ có nhiều người quan tâm tới các sản phẩm như ủy thác để tập trung làm tốt công việc chính của mình. Các chủ thể quản lý thị trường như UBCK cũng đang khuyến khích sự phát triển, vì đó là nền tảng để thị trường bền vững.
Thị trường hiện có quá nhiều quỹ. Nhà đầu tư khó biết tới và lựa chọn. Vậy sao không làm một tổ hợp để bỏ tiền vào rồi cắt tiền theo từng rổ quỹ phù hợp với khẩu vị rủi ro. Đó chính là sản phẩm mà hệ sinh thái Finhay đang cung cấp.
Hiện nay các quỹ đang tự mở rộng tệp khách hàng tới nhà đầu tư cá nhân. Điều này có tạo áp lực cạnh tranh với Finhay?
- Các quỹ buộc phải tự phân phối, vì không có người phân phối thay. Tôi vẫn tin là nhà sản xuất thì nên làm tốt câu chuyện của nhà sản xuất, đại lý phân phối sẽ làm tốt câu chuyện của đại lý phân phối.
Các quỹ là nhà sản xuất, không có nhà phân phối nên phải tự làm chuyện đó; nhưng tự sản xuất kiêm phân phối chưa chắc đã tốt.
VNSC by Finhay là đại lý phân phối chuyên nghiệp hóa để các quỹ làm tốt việc chính, giảm chi phí phân phối. Nhà đầu tư sẽ dễ tiếp cận với các quỹ hơn. Đó là câu chuyện 3 bên cùng có lợi.
Nếu có thêm đơn vị phân phối, liệu có tạo sức ép cạnh tranh cho hệ sinh thái Finhay?
- Thị trường cạnh tranh là điều tốt. Không ai có thể thống trị thị trường 100% cả. Miếng bánh cần chia đều và đủ lớn. Nếu có 10 hay 100 Finhay trong tương lai thì lúc đó người được lợi là khách hàng. Cạnh tranh sẽ tạo ra sự chuyên nghiệp, dịch vụ tốt và chi phí ngày càng tối ưu cho khách hàng.
Trở ngại nào khiến thị trường quỹ chưa phát triển?
- Trở ngại phát triển sản phẩm quỹ đầu tư là nhà đầu tư hiện nay đang có xu hướng gửi tiết kiệm rất nhiều, dòng tiền đang cô đọng. Lý do là vì người đầu tư muốn có sự an tâm và tiền vẫn sinh lời.
Điều gì thôi thúc anh khởi nghiệp với Finhay?
- Nguồn gốc Finhay ra đời đến từ một trải nghiệm đau thương rất thực tế của bản thân tôi. Lúc đó tôi ở Úc và muốn mở tài khoản đầu tư ở Việt Nam, nhưng phát sinh thủ tục phải tới tận nơi ký giấy. Tôi cũng về Việt Nam mở tài khoản, nhưng lại cần quá nhiều giấy tờ, quá nhiều thời gian để gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm. Giả sử có những người như tôi muốn tự tìm hiểu, tự quyết định, tự thực hiện thì ở thời điểm đó không có lựa chọn khác.
Thế là Finhay ra đời ngày 6/7/2017 và chúng ta đang ở đây.
Thời gian đầu hoạt động, Finhay bị đánh giá thấp trên mạng xã hội. Đội ngũ Finhay đã làm cách nào để vượt qua những đánh giá này và tiếp tục phát triển công ty?
- Phản hồi từ khách hàng là điều tốt, phải quan tâm tới nó. Phản hồi chính là dữ liệu để phân tích và cải thiện sản phẩm. Hiểu "data" thì sẽ cải thiện được tốt hơn.
Việc nhận phản hồi rất khó. Có nhiều cái cần lắng nghe khách hàng để thay đổi. Phải luôn tìm hiểu thị trường để cải thiện. Ví dụ ở Nhật thường thích giao diện chữ to rõ nét, Việt Nam thì phải rõ ràng chữ, dấu.
Tới nay, ông có nghĩ hệ sinh thái Finhay đã đến giai đoạn hái quả ngọt?
- Chúng tôi đang hái quả ngọt rồi. Vấn đề là phải làm sao để có thêm nhiều cây hơn để hái tiếp. Finhay đang đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 20%.
Với ông, đầu tư và kinh doanh riêng có gì khác biệt?
- Kinh doanh là vận hành 24/7. Đầu tư là ủy thác cho người chuyên nghiệp để tối ưu hiệu suất. Với cương vị chủ doanh nghiệp, làm sao để đội ngũ 120 người vận hành trơn tru là công việc hằng ngày của tôi.
Cá nhân tôi muốn tạo ra giá trị cho xã hội. Finhay là start-up thứ 3 của tôi với ý tưởng giúp nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư một cách chuyên nghiệp nhưng rõ ràng và đơn giản.
Ông đánh giá thế nào về nhu cầu đầu tư của giới trẻ (Gen Z, Alpha) hiện nay?
- Các sản phẩm đầu tư hiện tại rất đa dạng với sản phẩm mới cho nhiều đối tượng. Vì có nhiều sản phẩm mới nên tiền sẽ chuyển vào các sản phẩm đầu tư mới so với các kênh cũ. Tài sản đầu đời sẽ khác biệt theo từng thế hệ. Với gen Z thì các sản phẩm đầu tư đầu tiên không giống các thế hệ trước, phi truyền thống, như tiền số chẳng hạn.
Độ tuổi 20, người ta thường thích tiêu dùng cho trải nghiệm, đi chơi khám phá; đến 25 tuổi sẽ bắt đầu phát hiện ra “tôi phải đầu tư” và lúc đó sẽ chọn các sản phẩm đầu tư.
Ngoài việc sở hữu hệ sinh thái Finhay, ông có khoản đầu tư nào khác không?
- Tôi có nhiều khoản đầu tư tài chính và dùng 70% tài sản cá nhân để đầu tư, một số là đầu tư mạo hiểm vào các sản phẩm công nghệ. Danh mục đầu tư khá đa dạng, vì việc đầu tư chỉ cần bỏ tiền và đợi báo cáo để đánh giá hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra tôi cũng mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Sắp tới, gia đình nhỏ của tôi sẽ có thêm 1 thành viên nên tôi sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Có thể các bạn ở VNSC và Finhay sẽ thấy mình “anh hùng bàn phím” hơn, chủ yếu làm việc trực tuyến (cười).
Xin cảm ơn ông.
Chí Kiên
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|