Nhựa Bình Minh vẫn tạo kỷ lục mới dù kết quả quý 2 đi lùi
Trong báo cáo sớm kết quả kinh doanh quý 2/2024, số liệu CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) đi lùi so với cùng kỳ ở mọi mặt, từ doanh thu hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính cho đến lãi ròng. Điểm sáng duy nhất có lẽ là biên lãi gộp chạm mốc cao mới.
Quý 2, “ông lớn” nhựa xây dựng báo doanh thu giảm 14% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Giá vốn giảm nhiều hơn, ở mức 15%, giúp BMP thu lãi gộp gần 506 tỷ đồng. Biên lãi gộp qua đó đạt 43.84%, cao nhất từ trước đến nay. Lần gần nhất trên 43% là vào quý 3/2023.
Không chỉ “rơi” doanh thu, Công ty còn giảm đáng kể nguồn thu từ hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay, còn 17 tỷ đồng và bằng nửa một năm trước. BMP tiếp tục “nói không” với chi phí lãi vay.
Dù vậy, các khoản chi phí giảm tương xứng giúp BMP báo lãi ròng giảm nhẹ gần 5%, ghi nhận 280 tỷ đồng, cao nhất trong 4 quý trở lại. Trong kỳ, doanh nghiệp nhựa tiết giảm mạnh chi phí bán hàng 32% còn 117 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng giảm 19% còn hơn 23 tỷ đồng.
Diễn biến doanh thu hàng quý của BMP từ năm 2019 đến nay |
|
Doanh thu và lãi ròng lũy kế 6 tháng lần lượt gần 2.2 ngàn tỷ đồng và 470 tỷ đồng, lùi 22% và 18%. Bù lại, chi phí hệ thống phân phối tiết giảm đến 25%, góp phần làm chi phí bán hàng thu hẹp 20% còn hơn 268 tỷ đồng.
Năm 2024, BMP đặt mục tiêu doanh thu 5.5 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% so với thực hiện 2023. Lãi sau thuế đi ngang ở mức hơn 1 ngàn tỷ đồng. Hiện, doanh nghiệp nhựa mới thực hiện khoảng 40% mục tiêu doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Kết quả này phần nào phản ánh đúng như lời nhận định của lãnh đạo BMP hồi tháng 4 rằng “năm 2024 còn rất nhiều việc phải làm”.
Sau 6 tháng, tổng tài sản của BMP hơn 3 ngàn tỷ đồng, giảm 170 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền được rút bớt một nửa, còn 452 tỷ đồng. Công ty chuyển thêm 110 tỷ đồng vào tiền gửi có kỳ hạn, đưa số tiền lên 1.3 ngàn tỷ đồng. Hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn khách hàng cũng tăng so với trước đó.
Tiền lương, thưởng và thu lao cho một số lãnh đạo cũng cao hơn so với cùng kỳ. Đơn cử, Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud nhận 2 tỷ đồng, tăng khoảng 600 triệu đồng. Số tiền của Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chaowalit Treejak hơn 3.4 tỷ đồng, tăng hơn 900 triệu. Thành viên BKS nhận 2.4 tỷ đồng, tăng khoảng 800 triệu đồng.
Hồi tháng 4, lãnh đạo BMP dự đoán thị trường PVC trong nửa cuối năm nhiều khả năng tiếp tục như quý 1, giá có thể tăng hoặc giảm một chút nhưng sẽ ổn định; đồng thời nhận định biên lợi nhuận năm nay như năm 2023 được coi là thành công, nếu giá dầu thô tăng đột biến thì đó sẽ là yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát.
Trường hợp giá PVC giữ ổn định thì toàn bộ chuỗi sẽ không bị ảnh hưởng, còn giá đầu vào tăng thì đầu ra phải điều chỉnh. Vấn đề tỷ giá không phải yếu tố quá đáng lo ngại.
Doanh nghiệp cung cấp nhựa xây dựng kỳ vọng nửa cuối năm sẽ tốt hơn nhờ sự phục hồi của mảng bất động sản cũng như Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, khi đó các doanh nghiệp như BMP sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận mức tăng trưởng năm nay có thể không đáng kể do còn phụ thuộc vào các chính sách của Chính phủ.
Tử Kính
FILI
|