TP HCM: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và chất lượng tín dụng chính sách xã hội
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP HCM góp phần phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động,…
Theo số liệu báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 40), Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP HCM đang thực hiện 8 chương trình tín dụng chính sách chủ yếu trên địa bàn, trong đó, có 04 chương trình được cho vay bằng nguồn vốn địa phương.
Sử dụng vốn hiệu quả, nợ quá hạn thấp
Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2015 đến hết tháng 4-2024 đạt 24.291 tỷ đồng, với gần 560.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 15.365 tỷ đồng, bằng 63,3% doanh số cho vay.
Đến hết tháng 4-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 11.058 tỷ đồng, tăng 8.834 tỷ đồng so năm 2014, với 220.526 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bình quân một hộ dư nợ đạt 57,9 triệu đồng, tăng 40,7 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
Theo ghi nhận, một trong những yếu tố nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội là sự hiệu quả của dòng vốn. TP HCM luôn quan tâm, chú trọng đến việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thường xuyên chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố phối hợp với các Sở - ngành Thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và 4 Hội, đoàn thể nhận ủy thác (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Các đơn vị đã tập trung nâng cao ý thức có vay có trả của người dân; tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các cấp, các ngành trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên toàn địa bàn Thành phố. Đến hết tháng 4-2024, tổng nợ quá hạn của các chương trình tín dụng chính sách là 46,9 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 0,42% tổng dư nợ, tỉ lệ nợ quá hạn giảm từ 1,52% xuống còn 0,42% (-1,1%) so với thời điểm năm 2014.
Người dân đến giải ngân được hỗ trợ nhiệt tình từ cán bộ ngân hàng chính sách.
|
Tín dụng chính sách xã hội được xác định là một kênh tạo thêm nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy công bằng, bình đẳng trong xã hội. Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn (thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện) có trách nhiệm tăng cường rà soát, xác nhận đúng đối tượng có nhu cầu vay vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội có cơ sở thực hiện giải ngân, bảo đảm cho vay đúng quy định. Phấn đấu để đối tượng vay vốn có nhu cầu và đủ điều kiện theo các chương trình vay đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Từ nguồn vốn và phương thức cho vay đặc thù riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho các hộ vay được tạo điều kiện về vốn, mà thông qua việc tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tiếp cận những cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhỏ, cách thức sử dụng vốn vay hiệu quả…
Điểm sáng từ những mô hình kinh doanh
Đồng thời, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố góp phần phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm cho người lao động, đời sống các hộ nghèo ngày càng được cải thiện. Vốn tín dụng chính sách xã hội còn là tiền đề cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường và chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội khác.
CN NHCS TPHCM hỗ trợ cho thanh niên vay vốn khởi nghiệp
|
Quá trình lồng ghép hiệu quả giữa cho vay và hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao được các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép. Nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả thời gian qua như chăn nuôi bò thịt ở huyện Củ Chi; chăn nuôi dê ở huyện Bình chánh; trồng mai ở thành phố Thủ Đức; Tổ hợp tác trồng rau sạch ở Quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; nuôi trồng thuỷ sản và làm muối ở huyện Cần Giờ; Tổ hợp tác may gia công các mặt hàng truyền thống của cộng đồng người dân tộc Chăm ở quận Phú Nhuận…
"Những mô hình này góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nghèo và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường. Đặc biệt là từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác", đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP HCM nhận định.
Đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và Hội đoàn thể các cấp trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (sau đây gọi tắt là Kết luận 06) và các văn bản chỉ đạo của Thành uỷ, UBND Thành phố về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM đã chỉ đạo tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP HCM cho thấy những kết quả nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm từ năm 2021 - 2025.
|
Thái Phương Ảnh: Phượng Vỹ
Người lao động
|