Tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo ngừng chạy: Bài học đắt giá cho chủ đầu tư
Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc vừa thông báo đến đối tác và khách hàng về việc ngưng chạy tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo từ ngày 27/09, kết thúc “sứ mệnh” 2 tháng hoạt động của con tàu cao tốc đầu tiên hành trình TP.HCM - Côn Đảo và ngược lại.
Là một trong những cung đường đẹp, đầy tiềm năng của du lịch TP.HCM - Côn Đảo, đã và đang được vận hành hiệu quả cả về đường hàng không lẫn đường bộ kết hợp đường thủy (TP.HCM - Bà Rịa Vũng Tàu - Côn Đảo) nhưng tại sao đến kế hoạch khai thác đường thủy TP.HCM - Côn Đảo thì lại không thể phát huy? Vì sao việc khai thác một con tàu có sức chứa trên 1,000 người, tốc độ đến 35 hải lý/giờ với nhiều trang thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất của hệ thống an toàn tàu biển trên thế giới lại sớm… thất bại như thế? Xung quanh câu chuyện này có rất nhiều bài học đặt ra cho nhà quản lý, nhà đầu tư - khai thác - vận hành loại hình giao thông thủy vốn đang được chính quyền thành phố ủng hộ.
Trước hết là việc chủ đầu tư - CTCP Tàu cao tốc Phú Quốc (sau đây gọi là Công ty) đặt trạm đi từ TP.HCM ở cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), vốn là cảng hàng hóa nên hầu như các dịch vụ đều chưa có. Cảng này nằm cách khu dân cư khá xa, hơn nữa cách điểm tập kết trung chuyển từ trung tâm thành phố - ở công viên 23 - 9 - đến 20 cây số.
Kế đến, việc Công ty bố trí xe trung chuyển không đủ đã dẫn tới hiện tượng khách đến điểm tập kết công viên 23 - 9 nếu không đúng khung giờ thì phải tự đón xe, tức tốn thêm tiền xe di chuyển đoạn đường 20 cây số. Xe chở ra tới cảng Hiệp Phước thì khách phải đi bộ thêm 1 cây số mới vô tới bến tàu. Như đã nói vì đây là cảng hàng hóa nên gần như không thể kiếm được xe ôm hay taxi. Nếu đi xe riêng thì phải mất thêm phí để chạy vào cảng. Các khoản phí phát sinh này đều khiến khách không hài lòng.
Chưa kể, hành trình trở về, tàu cập bến vào khoảng chiều tối nên việc gọi xe ôm công nghệ, taxi gần như là điều bất khả, trong khi xe trung chuyển lại quá ít so với lượng khách. Điều này đã dẫn tới cảnh chen lấn, chờ đợi nhiều giờ ở bến cảng trong sự mệt mỏi, đói khát của nhiều hành khách đêm 15-16/05.
Rõ ràng, để vận hành chuyến tàu thủy, nó không đơn giản chỉ là những công đoạn trên… mặt nước mà là sự kết nối, phối hợp khâu tổ chức, khai thác đường bộ. Như phát biểu của đại diện chủ đầu tư, ông Vũ Văn Khương - Phó Tổng Giám đốc CTCP Tàu cao tốc Phú Quốc vào hôm khai trương rất hoành tráng: "Có thể nói, đây sẽ là một sự chọn lựa mới, đem lại trải nghiệm du ngoạn cho người dân và du khách với cung đường thủy từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, thông qua luồng Soài Rạp - vịnh Đồng Tranh - Biển Đông đến cảng Bến Đầm tại Côn Đảo. Chúng tôi kỳ vọng chung tay kết nối vùng, phát triển kinh tế - xã hội, du lịch".
Lẽ nào vận hành con tàu cao tốc hiện đại trên một cung đường thủy rộng lớn như thế thì Công ty đã làm được, còn việc “chung tay kết nối”, mà trước hết là kết nối nội ngành, giao thông thủy và giao thông đường bộ; kết nối liên ngành là giao thông và du lịch, kết nối đơn vị vận hành và đơn vị khai thác dịch vụ lại chưa được tính toán, dự báo, xây dựng kế hoạch tổng thể - chi tiết?
Chủ trương khai thác đồng bộ mạng lưới giao thông thủy - bộ trên toàn tuyến sông Sài Gòn, hành lang sông và kênh rạch của TP.HCM là hết sức đúng đắn, cần thiết. Nhưng xây dựng kế hoạch vận hành, mà tuyến cao tốc đầu tiên của hành trình TP.HCM - Côn Đảo là bước thí điểm - lại đòi hỏi những người thực thi, từ quản lý nhà nước là Sở Giao thông vận tải và các đối tác - chủ đầu tư, khai thác phải thật sự có cái nhìn… thực tế trước khi có tầm nhìn xa. Thực tế ấy xuất phát từ hiện trạng giao thông khu vực trung tâm, khu vực ngoại thành; từ sự đảm bảo dịch vụ tối thiểu; từ tâm lý và cung cách phục vụ khách hàng. Tiếc rằng, qua 2 tháng đưa vào khai thác tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo lại cho thấy hầu như cả hai đơn vị trên đều rất… mơ màng, nên mới dẫn tới sự “đoản mệnh” của một khát vọng đẹp đẽ, chính đáng.
Việc dừng lại là tất yếu khi không đáp ứng đủ và cần các điều kiện phục vụ, khai thác. Phải xem đây là sự thất bại cả trong tư duy, phương pháp điều hành lẫn vận hành một dự án, một chương trình. Và nó là bài học đắt giá nhưng rất cần thiết cho việc xây dựng, triển khai các kế hoạch khai thác giao thông thủy - bộ mà thành phố sắp tới sẽ mở rộng, phát triển.
Quốc Học
FILI
|