Thứ Năm, 11/07/2024 12:00

Chủ tịch Powell: Fed sẽ không chờ đến khi lạm phát về 2% mới hạ lãi suất

Trong hai ngày điều trần trước Quốc hội vào tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra nhiều bình luận cho thấy ông đã có sự thay đổi trong quan điểm về lãi suất.

Vào cuối năm 2023, Powell và một số đồng nghiệp đã ám chỉ rằng có thể bắt đầu giảm lãi suất vào giữa năm 2024 nếu lạm phát tiếp tục giảm. Khi Powell điều trần trước Quốc hội vào tháng 3/2024, ông đã thừa nhận rằng Fed "không còn xa" để có thể tự tin cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát tăng lên trong quý đầu tiên và nền kinh tế tăng trưởng vững chắc đã làm sụp đổ nền tảng cho việc giảm lãi suất.

Khi trở lại Quốc hội tuần này, Powell đã bắt đầu đặt nền móng cho việc cắt giảm lãi suất dựa trên cơ sở vững chắc hơn. Ông chỉ ra rằng việc thị trường lao động hạ nhiệt có nghĩa là giảm bớt một nguồn gây ra lạm phát tiềm ẩn. Powell gợi ý rằng việc cố gắng khiến thị trường lao động hạ nhiệt thêm là điều không cần thiết và Fed cũng không mong muốn điều đó xảy ra.

Cố gắng cân bằng giữa việc đảm bảo lạm phát trở về mục tiêu 2% của Fed mà không làm dấy lên làn sóng sa thải "là yếu tố chính khiến tôi phải thức giấc giữa đêm", ông Powell nói vào trong ngày 10/07.

Trước đó, vào ngày 09/07, Powell nhấn mạnh rằng thị trường lao động "không phải là nguồn gây áp lực lạm phát trên diện rộng cho nền kinh tế”. Đây là một nhận xét đáng chú ý vì trước đó Fed lo sợ thị trường lao động quá nóng có thể duy trì lạm phát cao.

Thay vì thị trường lao động, Powell cho rằng lạm phát cao đã được gây ra bởi sự kết hợp giữa nhu cầu mạnh mẽ và các chuỗi cung ứng bị rối loạn bởi đại dịch. Lạm phát đã giảm vào năm ngoái mặc dù nền kinh tế tăng trưởng vững chắc vì những tắc nghẽn trong thị trường lao động và thị trường sản phẩm đã được giải quyết. "Tôi nghĩ Fed biết nhiều hơn về nguồn gốc của lạm phát hiện tại, vì chúng tôi đã nhận ra vài yếu tố có thể khiến lạm phát hạ nhiệt", ông chia sẻ trong ngày 10/07.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Không đợi đến khi lạm phát giảm về 2%

Tại phiên điều trần, ông Powell thậm chí còn cho biết Fed sẽ không đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. “Chúng tôi không muốn đợi cho đến khi lạm phát giảm xuống còn 2%”, ông Powell nói. “Nếu đợi lâu như vậy, lạm phát có thể sẽ giảm xuống và về dưới mức 2%. Đây là điều mà chúng ta không mong muốn”.

Lạm phát (tính theo PCE) đã giảm xuống 2.6% vào tháng 5, từ mức 4% cách đây 1 năm, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Bộ Lao động Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo CPI tháng 6 vào ngày 11/07.

Hiện các nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9.

Chuyển biến trong chính sách lãi suất

Đối với những người quan sát Fed lâu năm, những bình luận mới của ông Powell rất đáng chú ý vì chúng chỉ ra rằng điều kiện để giảm lãi suất có thể thấp hơn so với vài tháng trước.

"Gió đã đảo chiều", cựu Thống đốc Fed Laurence Meyer cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng vào thứ Tư. Powell đã cẩn thận tránh cam kết vào một lộ trình lãi suất cụ thể để phòng hờ trường hợp dữ liệu gây thất vọng như hồi đầu năm nay. Nhưng những bình luận của Powell cho thấy ông nghĩ "lạm phát đã trở lại đúng quỹ đạo" trong khi thị trường lao động "đang trên bờ vực của một sự suy giảm không mong muốn," Meyer nói.

Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm vào năm 2022 và 2023 để đối phó với lạm phát. Các quan chức đã giữ mức lãi suất chuẩn của họ trong khoảng từ 5.25% đến 5.5%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ, kể từ tháng 7 năm ngoái.

Hiện tại, các quan chức đang cố gắng cân bằng rủi ro giữa việc hành động quá chậm và hành động quá sớm. Mặc dù mức độ sa thải nhân sự vẫn còn thấp, nhưng chúng có xu hướng tăng nhanh khi nền kinh tế yếu đi. Đây là lập luận để phản bác việc giữ lãi suất quá cao. Tuy nhiên, giảm lãi suất quá sớm có thể kích thích hoạt động kinh tế và cho phép lạm phát ổn định ở mức cao hơn mục tiêu của Fed.

Dữ liệu thị trường lao động gần đây cho thấy sự chậm lại trong hoạt động tuyển dụng và sự gia tăng nhẹ nhưng ổn định của tỷ lệ người Mỹ tìm kiếm việc làm giữa lúc lực lượng lao động tăng, một phần do nhập cư nhiều hơn.

Nền kinh tế tiếp tục tạo thêm hơn 200,000 việc làm mỗi tháng trong năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhẹ lên 4.1% vào tháng 6/2024, từ 3.7% vào tháng 12, theo báo cáo tuần trước. Powell mô tả thị trường việc làm gần như trở lại điều kiện trước khi đại dịch xảy ra, khi nó "mạnh mẽ, nhưng không quá nóng”.

"Nhiệm vụ về lạm phát chưa hoàn thành. Chúng tôi còn nhiều việc phải làm", ông Powell nói. "Nhưng đồng thời, chúng tôi cần phải lưu ý đến tình trạng của thị trường lao động, và chúng tôi đã thấy sự suy yếu đáng kể trên thị trường lao động”.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   OPEC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 lên 2,9% (11/07/2024)

>   Đại gia bất động sản Trung Quốc lỗ chồng lỗ, khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết (10/07/2024)

>   Fed đang tiến gần hơn tới thời điểm giảm lãi suất? (10/07/2024)

>   Các nhà đầu tư đổ 4.300 tỷ USD vào các công ty năng lượng hóa thạch trong 2023 (10/07/2024)

>   Chủ tịch Fed cảnh báo nguy cơ từ việc giữ lãi suất cao quá lâu (09/07/2024)

>   Nền kinh tế Mỹ bắt đầu lộ vết nứt (09/07/2024)

>   Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 206,000 việc làm trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.1% (05/07/2024)

>   Bầu cử Anh: Công Đảng thắng đậm, nước Anh sắp có Thủ tướng mới (05/07/2024)

>   Những khác biệt trong chính sách kinh tế của các ứng viên tổng thống Mỹ (05/07/2024)

>   Fed thận trọng với lãi suất, chờ đợi dấu hiệu rõ ràng hơn về lạm phát (04/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật